Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Dầu Tiếng Nguyễn Văn Mom: Phát huy nhiều thế mạnh để vươn xa
Nhân kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng Dầu Tiếng, chúng tôi có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Văn Mom, một người gắn bó gần cả cuộc đời mình với quê hương Dầu Tiếng…
- Kết thúc 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm với bao khó khăn thiếu thốn trăm bề. Vậy huyện Dầu Tiếng đã làm gì để có được kết quả như ngày hôm nay?
- Chiến tranh đã lùi xa 38 năm qua với bao mất mát hy sinh của người dân Dầu Tiếng không thể kể hết, vượt qua những đau thương ấy, cuộc tổng tiến công chống đói nghèo, đem lại hạnh phúc cho người dân là ưu tiên hàng đầu của Đảng bộ và chính quyền nơi đây. Sau khi được tách ra từ huyện Bến Cát, Đảng bộ Dầu Tiếng ưu tiên đầu tư cho trường học, đường sá, công trình tạo lực để huyện nhà vươn lên. Trong một thời gian ngắn, chủ trương này đã thành công, đời sống người dân không ngừng thay đổi. Không dừng lại đà tiến đó, Huyện ủy Dầu Tiếng nhận ra vai trò kinh tế của cây cao su, không chỉ đem lại nguồn thu cho Nhà nước mà còn tác động đến từng hộ dân. Đến nay, Dầu Tiếng có trên 20.000 ha cao su tiểu điền, hàng trăm trang trại cao su hình thành, cùng với Công ty Cao su Dầu Tiếng, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động nông thôn, đồng thời góp phần làm thay đổi toàn diện bộ mặt của huyện.
Đường phố được trang hoàng rực rỡ chào mừng kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng Dầu Tiếng
- Thưa ông! Ông có hài lòng với những gì mà huyện Dầu Tiếng đã đạt được trong thời gian qua?
- Điều chúng tôi vui, người dân Dầu Tiếng hài lòng với những thay đổi sau 38 năm qua. Đời sống được nâng lên rõ rệt, không chỉ ăn no mặc ấm mà còn nghĩ đến ăn sang mặc đẹp. Nhưng chúng tôi chưa cho phép mình hài lòng. Có rất nhiều thế mạnh, tiềm năng để đưa Dầu Tiếng vươn xa hơn.
- Ông có thể cho biết thế mạnh đó là gì?
- Đất rộng, lao động nhiều, cơ sở hạ tầng từng bước hoàn thiện là cơ sở để công nghiệp phát triển. Dầu Tiếng có tiềm năng lớn về dịch vụ - du lịch, núi Cậu, lòng hồ Dầu Tiếng thơ mộng, mặt nước lung linh, đường sá quanh co khá đẹp; rừng lịch sử Kiến An với cây rừng nguyên sinh tự nhiên đa dạng sinh học và nhất là khu vực xã Thanh Tuyền, gần Địa đạo Củ Chi… Đó là những thế mạnh có thể đưa Dầu Tiếng vươn xa hơn.
- Trong thời gian qua, huyện đã khai thác thế mạnh này như thế nào?
- Đảng bộ đã xác định hướng khai thác lợi thế này bằng nghị quyết cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội của Tỉnh Đảng bộ. Mặt trận nông nghiệp là hướng chính, chúng tôi cho tiến hành cải tạo vườn cây cao su với giống mới chất lượng cao. Hiện Dầu Tiếng còn nhiều diện tích cây cao su giống cũ cần thay thế bằng giống mới chất lượng hơn. Bên cạnh đó, nhiều mô hình nông nghiệp kỹ thuật cao cũng được định hướng, tập huấn cho nông dân. Nhiều mô hình kỹ thuật cao như trồng lan, trồng nấm hình thành và bước đầu mang lại hiệu quả.
- Về công nghiệp, chúng tôi chủ trương công nghiệp nhỏ, thu hút nhiều lao động, một số khu, cụm công nghiệp hình thành sắp tới đây như Thanh An, An Lập và Long Hòa. Còn về dịch vụ - du lịch, chúng tôi cũng đang kêu gọi những doanh nghiệp có đủ tiềm lực đầu tư khai thác tiềm năng về du lịch của núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng.
- Xin cảm ơn ông!
HÒA NHÂN (thực hiện)