Phiên họp thứ 13 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

Thứ tư, ngày 18/12/2013

Sáng 18-12, Chủ  tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp thứ 13 cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ-TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp.

 

Phiên họp thứ 13 Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Ảnh VGP/Lê Sơn

Phát biểu tại phiên họp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Lê Thị Thu Ba cho biết: Ban Chỉ đạo Cải cách tư  pháp Trung ương đã tiến hành các cuộc họp lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về vấn đề này để đóng góp ý kiến cho dự thảo Báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp và dự thảo Tờ trình của Ban Chỉ đạo với Bộ Chính trị về kết quả tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW.

Căn cứ tình hình triển khai thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, có thể khẳng định: Mục tiêu, quan điểm, phương hướng và nhiệm vụ cải cách tư pháp do Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra về cơ bản là đúng đắn, phù hợp với yêu cầu khách quan của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Nghị quyết 49 đã được các cấp uỷ đảng, tổ chức Đảng các cấp triển khai thực hiện tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của các cơ quan tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN, về sự cần thiết phải tiến hành và đẩy mạnh cải cách tư pháp được nâng lên rõ rệt.

Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tư pháp đã được quan tâm hơn trước với hệ thống pháp luật từng bước được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, đã thể chế hoá được nhiều chủ trương, chính sách pháp luật theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong xử lý người phạm tội.

Việc hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp đã đạt một số kết quả bước đầu như: Xây dựng xong một số đề án về đổi mới tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp, xác định rõ mô hình tổ chức của hệ thống Toà án Nhân dân theo cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Viện Kiểm sát được tổ chức phù hợp với hệ thống toà án. Thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế giám sát của cơ quan dân cử...

Đặc biệt, việc hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp đã được các cấp lãnh đạo quan tâm, ban hành nhiều văn bản cụ thể hoá các chủ trương, đường lối của Đảng đối với công tác tư pháp theo hướng tập trung lãnh đạo chặt chẽ về chính trị, tổ chức, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng cán bộ.

Các đại biểu cũng thảo luận làm rõ một số hạn chế và nguyên nhân trong tiến trình thực hiện cải cách tư pháp như một số nhiệm vụ triển khai còn chậm, chưa đồng bộ, chưa đúng lộ trình đề ra, hiệu quả tranh tụng tại phiên toà còn thấp, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; việc tuyên truyền về cải cách tư pháp và kết quả cải cách tư pháp còn hạn chế.

Về phương hướng thời gian tới, các đại biểu đã thảo luận những nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần đẩy mạnh chiến lược cải cách tư pháp mà Đại hội Đảng lần thứ XI nêu ra, về những giải pháp thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong những năm tiếp theo…

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng: Cần xác định nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới với việc tiếp tục nghiên cứu sâu sắc và toàn diện hơn nữa về quyền tư pháp, góp phần thực hiện có hiệu quả các quy định Hiến pháp về tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Nghiên cứu làm rõ hơn vấn đề Tòa án Nhân dân thực hiện quyền tư pháp thì phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực Nhà nước trong hệ thống các cơ quan tư pháp như thế nào, cần xác định rõ phạm vi, thẩm quyền của Viện Kiểm sát Nhân dân trong kiểm sát hoạt động tư pháp.

Kết thúc phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao các ý kiến phát biểu của thành viên; sự cố gắng và tinh thần trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW và đề nghị các bộ phận thường trực tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn thiện Báo cáo tổng kết để trình Bộ Chính trị.

Theo Chinhphu.vn