Phía trước không chỉ là ngai vàng

Thứ ba, ngày 07/05/2019

(BDO) Vào ngày 1-5, tân Nhật hoàng Naruhito đã chính thức đăng quang, đánh dấu cho sự mở đầu của triều đại Reiwa (Lệnh Hòa) sau khi Thiên hoàng Akihito thoái vị vào ngày 30-4. Nếu như di sản của Nhật hoàng Akihito để lại cho người kế nhiệm là hòa bình, hy vọng và nhân đạo thì tân Nhật hoàng Naruhito sẽ là hiện thân của biểu tượng quốc gia và đoàn kết dân tộc.

Tân Nhật hoàng Naruhito là vị vua của những điều đầu tiên chưa từng có trong lịch sử hoàng gia xứ sở mặt trời mọc. Tân Nhật hoàng 59 tuổi không chỉ là Nhật hoàng đầu tiên chào đời sau Thế chiến 2 mà còn là vị quân chủ đầu tiên của Nhật Bản du học ở nước ngoài. Nhật hoàng Naruhito đã dành 2 năm du học tại Đại học Oxford ở Anh trước khi trở về Tokyo nghiên cứu tiến sĩ.

Được một số bạn học mô tả là người cởi mở và vui tính, Nhật hoàng Naruhito lúc bấy giờ vẫn giữ thái độ gần gũi ngay cả khi bắt đầu những hoạt động chính thức dưới danh nghĩa người sẽ kế ngôi. Cả tân Nhật hoàng và Hoàng hậu Masako đều là những người đầu tiên trong hoàng gia Nhật có trình độ cử nhân, thành thạo đa ngôn ngữ và có nhiều năm sinh sống ở nước ngoài.

Hoàng hậu Masako có thể nói được 6 thứ tiếng và từng là một nữ ngoại giao tài giỏi. Với kinh nghiệm nhiều năm ở nước ngoài, tân Nhật hoàng được kỳ vọng có thể mang đến một viễn cảnh toàn cầu hơn, giúp Nhật Bản kết nối mạnh mẽ với thế giới.

Tân Nhật hoàng Naruhito được trao báu vật thiêng tại lễ đăng quang.

Di sản và “đôi giày” lớn

Nhưng liệu tân vương Naruhito có được tầm vóc như cha mình để hiện đại hóa thể chế nghìn năm tuổi của Nhật Bản hay “cây cao, bóng cả” của cha lại chính là một thách thức mà tân Nhật hoàng phải vượt qua? “Nhật Hoàng Akihito đang để lại một đôi giày quá lớn đối với (Thái tử) Naruhito”, Jeff Kingston, Giám đốc nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple (Nhật Bản) cho biết. Theo ông, Nhật hoàng đã để lại nhiều di sản cho con trai tiếp tục duy trì. Nhưng vấn đề là, uy quyền không phải cái bạn có thể được thừa kế mà cần tự xây dựng.

Do vậy, phóng viên thường trú của báo Le Monde tại Tokyo chuyên về đời sống chính trị Nhật Bản cho rằng: “Là một người thông minh, được nuôi dưỡng trong khuôn khổ nghiêm ngặt của hoàng gia. Nếu Nhật hoàng Naruhito muốn thúc đẩy, tạo ra những đổi thay trong phương cách vận hành thể chế hoàng gia, điều đó sẽ được thực hiện theo cách của người Nhật, nghĩa là từng bước nhỏ và từ từ, như cách làm của cha ông”. 

Nhìn lại suốt 3 thập kỷ trị vì, Nhật hoàng Akihito đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “là biểu tượng của quốc gia và biểu tượng của hòa hợp dân tộc được quy định trong Hiến pháp Nhật Bản. Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của Nhật hoàng Akihito, kể từ khi ngài lên ngôi cho đến nay, người dân nước này luôn được sống trong hòa bình đúng như ý nghĩa của niên hiệu trong thời kỳ này là Bình Thành, có nghĩa là “đạt được hòa bình”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, đất nước mặt trời mọc không can dự vào bất cứ cuộc chiến tranh nào.

Tình yêu thương, cảm thông của Nhật hoàng Akihito cùng Hoàng hậu Michiko chạm tới trái tim của người dân Nhật Bản. Nhật hoàng và Hoàng hậu đã tới thăm tất cả 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản để tìm hiểu về cuộc sống của người dân địa phương. Sau các thảm họa lớn, Nhật hoàng và Hoàng hậu luôn cố gắng có mặt nhanh nhất tại các khu vực bị tàn phá bởi thiên tai để chia buồn với gia đình nạn nhân, ân cần thăm hỏi, an ủi những người còn sống và động viên lực lượng cứu hộ.

Về đối ngoại, Nhật hoàng và Hoàng hậu đã góp phần không nhỏ vào việc củng cố quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và các nước trên thế giới khi có các chuyến thăm chính thức tới 28 quốc gia trên thế giới, trong đó có chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 3-2017.

Vì hòa bình và phát triển

Yêu thích môn quần vợt, đi bộ và chơi đàn alto, Nhật hoàng Naruhito còn có một niềm đam mê khác là lịch sử. Cũng giống như cha, Nhật hoàng Naruhito chủ trương hiếu hòa và điều này đã được ông khẳng định nhân sự kiện kỷ niệm 70 năm chấm dứt Thế chiến 2.

Guibourg Delamotte, giảng viên ngành khoa học chính trị chuyên nghiên cứu về Nhật Bản của Trường INALCO cho rằng, chủ trương này vẫn sẽ được tân Nhật hoàng Naruhito tiếp nối bởi lẽ nhân dịp sinh nhật lần thứ 55, Nhật hoàng Naruhito đã nhấn mạnh cần thiết phải duy trì ký ức lịch sử, nhìn thẳng vào lịch sử với thái độ khiêm tốn. Tư tưởng chủ hòa này làm hài lòng rất nhiều người dân Nhật Bản, theo đó, toàn nước Nhật thừa nhận lịch sử, cũng như trách nhiệm đối với lịch sử.

Có một trăn trở được đặt ra ở đây, đó là liệu Nhật hoàng Naruhito có đủ khôn khéo để tiếp tục đi theo tư tưởng mà cha mình đã kiên định và thành công hay không. Đó là con đường ghập ghềnh khó đi, mà chính Thiên hoàng thoái vị cũng phải rất khéo léo trong cách thể hiện quan điểm của mình trước những người bảo thủ mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc.

Nhà báo Philippe Mesmer đánh giá đây sẽ là một nhiệm vụ khá tế nhị đối với tân Nhật hoàng: “Phạm vi hoạt động của Nhật hoàng khá hạn hẹp. Thông thường, ông không thể xen vào các cuộc tranh luận chung, do vậy cha của ông đã chọn cách nhấn mạnh đến vấn đề hòa bình như đến thăm các địa điểm xung đột, cầu nguyện cho nạn nhân của các cuộc xung đột, đồng thời kêu gọi hòa bình một cách có hệ thống. Đó chính là cách để ông truyền đi thông điệp hiếu hòa”.

Ngoài ra, giới quan sát vẫn đặt dấu hỏi cho khả năng đóng góp của nhà vua mới đăng quang cho Nhật Bản khi nước này đang đối mặt với tình trạng bất ổn kinh tế sau giai đoạn bùng nổ, gia tăng căng thẳng chính trị với Trung Quốc đang trỗi dậy và vị trí của Nhật Bản trên trường quốc tế đang bất định trước mối lo “già hóa” trong khu vực và thế giới.

Tuy vậy, theo giáo sư Ryo Ikebe của Đại học Senshu (Nhật Bản), Nhật hoàng Naruhito có thể sẽ giúp kích thích tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này. Giáo sư tin tưởng rằng, việc đón triều đại mới sẽ giúp tỷ lệ kết hôn và sinh con của người dân Nhật Bản tăng lên. Tiêu dùng cá nhân sẽ tăng, đồng thời các doanh nghiệp cũng sẽ đưa ra những dịch vụ, sản phẩm chúc mừng niên hiệu mới, góp phần kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế. Trong các doanh nghiệp, triều đại mới Lệnh Hòa cũng làm không khí hoạt động kinh doanh được nâng cao.

Theo CAND