Phí thoát nước sinh hoạt, công nghiệp sẽ tăng
Một trong những nội dung mà người dân và doanh nghiệp quan tâm trong dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị định của Chính phủ về thoát nước đô thị và công nghiệp được tổ chức vào trung tuần tháng 9 vừa qua ở Bình Dương và mới đây ở TP.HCM là vấn đề phí. Theo đó, mức thu phí này được tính theo khối lượng và hàm lượng chất gây ô nhiễm theo xu hướng tăng.
Theo nội dung sửa đổi được lấy ý kiến về phí thì tất cả các hộ xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước khu công nghiệp đều phải có nghĩa vụ trả phí. Phí này được quyết định phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, phù hợp mức đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ. Có lộ trình tăng dần và hướng tới mục tiêu đủ chi trả cho chi phí quản lý, vận hành và đóng góp một phần chi phí đầu tư xây dựng công trình thoát nước. Đối với hộ thoát nước là khu công nghiệp thì phí này phải được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý trong quá trình thu gom và xử lý nước thải.
Mức thu phí được tính theo khối lượng và hàm lượng chất gây ô nhiễm trong nước thải, gồm: Nước thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cơ quan hành chính sự nghiệp, từ các hoạt động sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ sửa, rửa xe, nhà hàng, khách sạn… Phí thoát nước (PTN) được tính không thấp hơn từ 20 - 30% giá tiêu thụ nước sạch, áp dụng tùy theo đối tượng. Theo bà Trần Thảo Hương, Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng, hiện nay PTN thu được chưa đủ bù đắp chi phí vận hành bảo dưỡng, chỉ mới đáp ứng khoảng từ 10 - 20%, tối đa cũng chỉ được 50% như ở TP.HCM. Vì vậy, bà Hương đề xuất tăng giá trị PTN lớn hơn hoặc bằng 20 - 30% giá tiêu thụ nước sạch.
Theo ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, trong tháng 12-2012 nghị định mới sẽ được bộ trình Chính phủ ban hành, thay thế Nghị định 67/2003/NĐ-CP của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đang áp dụng hiện nay. Theo đó, mức phí bảo vệ môi trường đối với 2 chất gây ô nhiễm trong nước thải công nghiệp là COD (nhu cầu ô xy hóa học) và TSS (chất rắn lửng lơ) có thể sẽ tăng lên gấp 3 lần so với mức thu hiện nay. Doanh nghiệp nào thải càng nhiều chất COD và TSS trong nước thải thì mức phí phải đóng sẽ càng cao. Một điểm mới nữa trong dự thảo nghị định này là mức phí bảo vệ môi trường cũng sẽ thu dựa trên số lượng nước thải công nghiệp chứa kim loại nặng. Mức phí này sẽ được tính theo cấp số nhân với hệ số k rất cao tùy thuộc vào khối lượng xả thải của mỗi doanh nghiệp.
K.TÂN