Phí logistics tăng cao, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó
(BDO) Tình trạng phí container tăng cao, thiếu hụt xảy ra gây khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu. Chuẩn bị những kịch bản ứng phó với các yếu tố rủi ro tiềm ẩn sẽ là một thử thách rất lớn đối với các DN nói chung và DN xuất nhập khẩu nói riêng.
Vận chuyển hàng hóa tại Công ty TNHH sản xuất gỗ Tân Nhật
“Gồng mình” chịu phí
Trước những cơ hội rộng mở và đà tăng của kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chủ lực, các DN đang tăng tốc đón cơ hội, chuẩn bị cho thị trường đang dần ổn định hơn sau tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, từ giữa năm 2020, chi phí logistics tăng là điều mà các DN đau đầu, tính toán. Việc thiếu container rỗng để đóng hàng khiến cho hoạt động xuất nhập khẩu bị đình trệ, DN đứng ngồi không yên vì hàng hóa không chỉ chậm lưu thông mà còn chịu cước vận chuyển tăng lên nhiều lần.
Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Lâm Việt, thực trạng thiếu container rỗng đặt ra rào cản trong phục hồi sản xuất của DN. Dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, dù khó khăn, các DN thành viên trong Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) vẫn phục hồi tốt nhờ thị trường xuất khẩu song lại vướng ở khâu vận chuyển hàng hóa. Các chuyến hàng đi châu Âu, Mỹ cước vận chuyển trọn gói đã tăng vọt. Bên cạnh đó các hợp đồng với đối tác cũng bị ảnh hưởng về thời gian giao nhận hàng hóa. Một số DN phải gia hạn thời gian giao hàng, thậm chí từ chối do không đáp ứng được yêu cầu vận chuyển. “Giá cao nhưng các DN vận tải rất ít container để sẵn sàng vận chuyển hàng. Do vậy, khách hàng phải đăng ký trước, giá vận chuyển cũng tăng gấp 3 lần, hàng vẫn còn tồn nhiều, tốn rất nhiều cho chi phí kho bãi”, ông Nguyễn Liêm chia sẻ.
Đến đầu năm 2021, tình hình thiếu container đã hạ nhiệt dù mức phí vẫn tăng lên gấp 3 - 4 lần. Hiện nhiều DN xuất khẩu Việt Nam đang bất an bởi mọi chi phí từ giá thành đầu vào, logistics, thuê container đóng hàng xuất khẩu đều ở mức cao ngất ngưỡng. Ông Phước Bội Quyền, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất gỗ Tân Nhật cho biết, mỗi tháng công ty xuất khẩu rất nhiều lô hàng đồ gỗ đến thị trường Mỹ. Song do tình hình dịch bệnh, giá cước tăng gấp 4 lần nên công ty cũng rất thận trọng trong việc nhận những đơn hàng mới. Từ đó ảnh hưởng lớn đến doanh thu năm 2021.
Theo bà Hoàng Yến, Giám đốc Công ty Rodale Spears: “Thông thường muốn ship 1 container hàng thì chúng tôi phải hẹn vài lần. Ví dụ 1 booking có 10 container thì chúng tôi chỉ lấy được 3 - 4 container, những container kia chờ đợi thời gian tiếp theo. Việc này ảnh hưởng đến thời gian sản xuất cũng như tiến độ giao hàng của DN rất nhiều”. Tương tự ngành gỗ, kể từ cuối năm 2020, tình trạng căng thẳng phí thuê container rỗng cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu của ngành gốm sứ. Đó là chưa kể từ đầu năm 2021, nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ cho hoạt động của các nhà máy cũng tăng cao do phí nhập khẩu tăng khiến các DN gốm sứ thận trọng hơn trong việc nhận đơn hàng mới.
Tìm cách vượt khó
Theo giới phân tích, ngành hậu cần vốn đã bị tê liệt vì dịch bệnh kéo dài hơn 1 năm qua thì gần đây xuất hiện thêm sự cố tàu Ever Given ở kênh đào Suez nên trong ngắn hạn việc tắc nghẽn tàu container tại các cảng châu Âu sẽ khiến việc đặt tàu xuất khẩu quay đầu ngược về châu Á trở nên phức tạp hơn nhiều. Nhiều ý kiến còn dự báo rằng, phải tới trước Tết Nguyên đán năm 2022 (tức tháng 2 năm sau) tình hình mới có thể trở lại bình thường.
Ứng phó với khó khăn này, ông Nguyễn Phúc, Phó Chủ tịch BIFA cho biết, các DN đang nỗ lực để xuất được hàng đi. Trong khi đó, nhiều DN xuất khẩu gỗ gần đây cho biết giá nguyên liệu đang tăng lên rất cao. Nhiều DN đang cơ cấu lại hệ thống quản trị, tiết kiệm chi phí, linh hoạt phân bổ khấu hao song song với nỗ lực đàm phán lại hợp đồng với đối tác để bảo đảm sản xuất. Chính chi phí logistics cao đang là một trong những nguyên nhân khiến cho các DN Việt Nam khó có thể nâng cao sức cạnh tranh. Phần lớn hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu theo dạng FOB (không phải chịu cước vận tải), nhưng nếu khách hàng quá khó khăn, các DN Việt Nam cũng phải chia sẻ chi phí. Hàng nặng như gỗ thì tiền cước vận tải chiếm tỷ trọng rất lớn. Không chỉ đối mặt với căng thẳng thuê container rỗng xuất khẩu, các DN cho biết ngay tại nội địa chi phí logistics hiện cũng đang ở mức rất cao, ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí vận hành của DN.
Về phía DN vận tải nội địa, nhiều tài xế phải chờ rất lâu, thậm chí phải đi nhiều depot (cảng cạn) mới nhận được container rỗng từ các hãng tàu, khiến cho chi phí và doanh thu của DN vận tải bị ảnh hưởng. Bởi thế, việc chia sẻ, hạ giá thành cước phí vận tải cũng là điều không thể. Xác nhận với chúng tôi điều này, ông Nguyễn Quang Sang, Công ty TNHH TM&DV hàng hóa Phương Nam cho biết: “Nếu trước đây chúng tôi đi 2 chiều thì bây giờ vận chuyển container lên phải về không vì hàng hóa không về kịp do thiếu container. Dù rất hiểu khó khăn của khách hàng nhưng chúng tôi cũng không thể hạ thêm giá thành”.
Trước thực trạng này, Sở Công thương cũng đã có văn bản gửi các ngành tình trạng khó khăn về chi phí logistics của các DN. Bộ Công thương cũng đang phối hợp với các ngành chức năng, hiệp hội DN triển khai giải pháp nhằm tháo gỡ nút thắt này. Theo đó, Bộ Giao thông - Vận tải đã phối hợp với Bộ Công thương có nhiều buổi làm việc với các hãng tàu, hiệp hội chủ hàng, các DN dịch vụ logistics để tìm hiểu và đưa ra giải pháp. Từ đó, tìm ra những giải pháp gia tăng lượng container rỗng đưa về Việt Nam cũng như hợp lý hóa những khoản thu.
TIỂU MY