Phì đại tuyến tiền liệt

Thứ hai, ngày 14/01/2013
Phì đại tiền liệt tuyến là một bệnh lý lành tính của tuyến tiền liệt ở nam giới, đây là một trong những bệnh gây rối loạn đường tiểu do bế tắc. Tuyến tiền liệt là tuyến nằm dưới đáy bàng quang và bọc chung quanh niệu đạo sau. Chức năng chính của tuyến tiền liệt là tiết ra một chất dịch, đổ vào niệu đạo tiền liệt hòa lẫn với tinh dịch tạo thành một phần của tinh dịch. Chất dịch này bảo vệ tinh dịch chống lại các tác nhân gây bệnh giúp cho tinh trùng hoạt động thuận lợi hơn và tạo điều kiện cho sự thụ thai trở nên dễ dàng.

Nguyên nhân gây phì đại tuyến tiền liệt, có nhiều giả thuyết nhưng đa số các công trình nghiên cứu cho rằng do rối loạn nội tiết tố sinh dục nam, sự mất cân bằng giữa estrogen và androgen. Ngoài ra, có các yếu tố nguy cơ như: uống ít nước, ăn nhiều chất béo, sử dụng nhiều chất kích thích (thuốc lá, cà phê...); những người sống trong môi trường ô nhiễm, người mắc bệnh đường tiết niệu (viêm bàng quang), đái tháo đường, tiền sử gia đình có người bị phì đại tuyến tiền liệt... sẽ dễ mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt hơn.

Phì đại tuyến tiền liệt nếu không phát hiện sớm dễ dẫn đến các biến chứng sau:

- Sỏi bàng quang: Do đoạn niệu đạo tiền liệt tuyến bị chít hẹp làm ứ đọng nước tiểu ở bàng quang các cặn lắng dễ tích tụ lại thành sỏi gây nên dấu hiệu tiểu ngắt quãng.

- Nhiễm trùng tiểu kinh niên: Khi đi tiểu, áp lực ổ bụng kèm sự co thắt của bàng quang sẽ tống vi khuẩn ra ngoài nhưng do sự ứ đọng lại nước tiểu nhiều, làm vi khuẩn tồn tại hoặc đi ngược dòng lên gây nhiễm trùng đường tiểu tái đi tái lại nhiều lần.

- Viêm thận và suy thận: Do chèn ép gây nên sự ứ đọng nước tiểu làm dãn niệu quản, thận ứ nước, viêm thận bể thận lâu ngày gây suy thận.

Tuy nhiên, nhiều người không biết dấu hiệu của bệnh, ít chú ý tới những thay đổi bất thường khi đi tiểu. Vì vậy, nam giới từ 45 tuổi trở đi khi có những dấu hiệu sau cần phải đi khám chuyên khoa ngay để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời:

Tiểu tiện khó: Khi có cảm giác buồn đi tiểu nhưng phải đứng một lúc trong nhà vệ sinh mới đi tiểu được, dòng nước tiểu nhỏ, cảm giác tiểu tiện không có lực, có lúc đái rắt.

Tiểu són: Nước tiểu tự bài tiết không thể kiềm chế khi ngủ. Nhiều trường hợp ban ngày cũng xuất hiện tình trạng tiểu són.

Tiểu ngắt quãng: Bệnh phì đại tuyến tiền liệt thường đi kèm với sự hình thành của sỏi bàng quang, làm cho quá trình đi tiểu đột nhiên bị ngắt quãng. Các triệu chứng trên sẽ nặng hơn nếu gặp lạnh hay do thường xuyên uống rượu bia hoặc sử dụng thuốc chống cholinergic và thuốc thần kinh.

Đi tiểu nhiều lần: Số lần đi tiểu ban ngày thường tăng lên 3 - 4 lần so với mức bình thường, 2 - 3 lần vào ban đêm. Khoảng cách giữa 2 lần đi tiểu ngắn, lúc nào cũng có cảm giác buồn tiểu.

Khi có các dấu hiệu rối loạn tiểu tiện, hãy đến cơ sở y tế để được các bác sĩ siêu âm đo độ nhô của tiền liệt tuyến và lượng nước tiểu tồn lưu. Nếu có bướu tiền liệt tuyến sẽ dùng phương pháp xét nghiệm chuyên biệt để biết đó là bướu lành hay ác tính, người bệnh sẽ được tư vấn phương pháp điều trị hợp lý.

Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh không quá nguy hiểm và có nhiều loại thuốc giúp cải thiện đáng kể tình trạng rối loạn đi tiểu của người bệnh, cũng như có nhiều phương pháp can thiệp nhưng cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời tránh những biến chứng như: Sỏi bàng quang, nhiễm trùng niệu tái đi tái lại, bí tiểu mạn tính, suy giảm chức năng thận... và có thể suy thận gây hậu quả nặng nề cho bản thân và gia đình.

 BÁC SĨ NGUYỄN THỊ BẠCH TUYẾT