Phi công Malaysia Airlines mất tích thành tâm điểm chú ý

Thứ sáu, ngày 14/03/2014

Trong lúc tung tích về chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines vẫn mịt mờ thì tâm điểm lại được hướng về cơ trưởng của chuyến bay này cũng như cơ phó, người được mô tả như “Casanova” và từng dẫn bạn gái vào khoang lái.

 

Cơ phó từng đưa bạn gái vào khoang lái

Với việc có rất ít thông tin đáng tin cậy để lần theo, cơ quan điều tra hiện đang xem xét toàn bộ 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn để tìm kiếm khả năng phá hoại, dù họ nhấn mạnh rằng chưa có chứng cứ nào ủng hộ hướng giả thuyết này.

Hướng điều tra này đã lập tức khiến cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah (53 tuổi) và cơ phó Fariq Abdul Hamid (27 tuổi) bị săm soi.

Một đài truyền hình Australia đã gây chú ý trong tuần này khi phát sóng cuộc phỏng vấn một cô gái trẻ người Nam Phi, nói rằng Fariq và một đồng nghiệp đã mời cô vào khoang lái của một chuyến bay mà anh này điều khiển từ Phuket (Thái Lan), tới Kuala Lumpur hồi năm 2011.

Sau vụ khủng bố 11-9-2001, các hành khách đã bị cấm vào khoang lái của phi công. Malaysia Airlines nói rằng hãng "sốc" trước báo cáo vi phạm an toàn bay kể trên, nhưng không thể xác nhận sự việc có xảy ra hay không.

Một chàng trai ngoan

Fariq, người gia nhập hãng Malaysia Airlines ở tuổi 20, đã theo học làm phi công tại một trường đào tạo ở đảo nghỉ dưỡng du lịch Langkawi của Malaysia. Là con trai của một quan chức cao cấp làm việc tại sở các công trình công cộng của một bang ở Malaysia, anh được xem là "chàng trai ngoan", tính tình điềm đạm, thường ghé thăm thánh đường Hồi giáo nằm gần nhà ở ngoại ô Kuala Lumpur.

Người quản lý thánh đường là Ahmad Sharafi Ali Asrah nói rằng Fariq thi thoảng còn tham gia các khóa học về Hồi giáo. Ông này bác bỏ câu chuyện nói rằng Fariq đã có hành động đe dọa an ninh hàng không.

"Câu chuyện này không có lý và tôi cảm thấy nó giống một nỗ lực nhằm hạ thấp uy tín của Fariq hoặc hãng hàng không," Ahmad Sharafi nói: "Cậu ấy là chàng trai ngoan và kín tiếng".

Fariq đã có khoảnh khắc nổi tiếng ngắn khi xuất hiện trong chương trình du lịch của kênh truyền CNN cùng phóng viên Richard Quest hồi tháng Hai năm ngoái. Trong chương trình, Fariq đã giúp lái một chiếc máy bay từ Hong Kong tới Kuala Lumpur.

Chương trình mô tả Fariq chuyển sang lái máy bay Boeing 777-200, sau khi kết thúc khóa huấn luyện trên một thiết bị mô phỏng.

"Thật thú vị khi chứng kiến cách cậu ấy hạ cánh máy bay" - Quest nói trên CNN, cho biết kỹ thuật của Fariq "hoàn hảo như sách giáo khoa."

Người đàn ông toàn tài

Trong khi đó, Zaharie là phi công dày dạn kinh nghiệm hơn và đã gia nhập Malaysia Airlines trong năm 1981. Ông cũng đã có 18.365 giờ bay.

Cộng đồng mạng Malaysia mô tả ông là người rất mê bay tới mức lắp một hệ thống mô phỏng ở nhà để tiếp tục được bay khi rảnh rỗi.

Trang web nói về Zaharie, hiện đã có hơn 400 bình luận với đa phần tích cực, còn có các bức ảnh chụp hệ thống mô phỏng của ông, với cảnh ông tạo dáng trước nó.

Zaharie cũng có một kênh YouTube riêng, tại đó ông tải lên các đoạn video hướng dẫn cách sửa điều hòa, cửa sổ hư hỏng và các dự án tự làm (DIY) khác.

Báo chí Malaysia dẫn lời đồng nghiệp gọi Zaharie là một "phi công siêu hạng", người còn đóng vai trò giám khảo của Cơ quan Hàng không dân dụng Malaysia chuyên tiến hành các bài kiểm tra mô phỏng với các phi công.

Malaysia Airlines đã từ chối cung cấp chi tiết về 2 người. Nhà chức trách cũng bác bỏ thông tin trên báo chí nói rằng cơ quan điều tra đã lục soát nhà họ.

 Vẫn chưa tìm ra tung tích chiếc máy bay.

Bóng tối nghi ngờ

Tuy nhiên việc thiếu thông tin giúp xác định số phận máy bay có nghĩa nhà chức trách phải kiểm tra mọi khả năng bất ổn có thể xảy ra. Đã có hướng phỏng đoán ai đó cố tình tắt hệ thống liên lạc của máy bay.

Trong 3/4 chuyến bay được sử dụng trong các vụ khủng bố 11/9, những kẻ tấn công giành kiểm soát máy bay đã tự động tắt thiết bị phát tín hiệu của máy bay (transponder) - vốn tự động gửi dữ liệu bay về đài không lưu.

Tuy nhiên Terence Fan, một chuyên gia hàng không tại Đại học quản lý Singapore, dẫn vụ chuyến bay số 990 thuộc hãng EgyptAir đâm xuống Đại Tây Dương hồi tháng 10-1999, làm 217 người thiệt mạng, là ví dụ cho thấy tai nạn do lỗi của phi công.

Cơ quan điều tra Mỹ nói rằng cơ phó đã đâm máy bay xuống biển khi cơ trưởng đi nghỉ, dù kết luận này không được các quan chức Ai Cập chấp nhận.

"Tôi không nói rằng tình huống đó đã xảy ra trong vụ tai nạn này. Chúng ta không có bằng chứng, nhưng đây có thể là một trong các khả năng" - ông nói - "Hiển nhiên các phi công đã đóng vai trò rất quan trọng".

Theo TTXVN