Phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái: Người dân chờ dự án đi vào thực tiễn
(BDO) Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Hội Nông dân (ND) tỉnh vừa tổ chức Hội nghị tập huấn về phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn cho các hộ nhà vườn trên địa bàn tỉnh. Tại đây, các hộ nhà vườn hy vọng những dự án, chương trình sẽ nhanh chóng được áp dụng, đi vào thực tiễn để đem lại lợi ích kinh tế, giới thiệu thương hiệu trái cây Bình Dương, cũng như phát triển du lịch địa phương đến du khách.
Cơ hội cho nông dân
Gia đình ông Quản Văn Chổi (xã An Sơn, TX.Thuận An), 3 đời nay đã gắn bó với vườn cây măng cụt. Vườn nhà ông từ trước đến nay chủ yếu thu hoạch và bán măng cho thương lái, hoặc tự bán dọc đường chứ không có khách đến tham quan, mua măng tại vườn. Khi nghe đến dự án sẽ quy hoạch vườn cây ăn trái, thu hút khách đến vườn tận hưởng hương vị trái cây ngon ngọt, ông rất vui và hy vọng sẽ đón khách du lịch đến vườn nhà mình.
Khách du lịch đến tận vườn thưởng thức măng cụt
tại phường Hưng Định, TX.Thuận An
Một số hộ nhà vườn tại phường Hưng Định, TX.Thuận An, trước đây nằm trong Khu du lịch Cầu Ngang, mỗi năm đến mùa măng, sầu riêng, bòn bon… khách các nơi đổ về thưởng thức trái cây, vui chơi giải trí. Thế nhưng, mấy năm gần đây số lượng khách đến tham quan giảm đi rất nhiều. Bác Nguyễn Hoàng Minh nói: “Tôi cũng như các hộ nhà vườn nơi đây rất mong các ngành có biện pháp để “kéo” du khách trở lại với Khu du lịch Cầu Ngang, với vườn trái cây Hưng Định”.
Bình Dương là địa phương được thiên nhiên ưu ái nên đã phát triển nhiều vùng trồng cây ăn trái như Lái Thiêu (TX.Thuận An), Bạch Đằng (TX.Tân Uyên), Hiếu Liêm (Bắc Tân Uyên)… Thế nhưng, chỉ có TX.Thuận An đã từng thu hút đông khách du lịch đến tham quan, thưởng thức cây trái, những vùng khác chỉ trồng và bán cho thương lái. Ông Nguyễn Minh Công (xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên) cho biết, nhà ông trồng được hơn 70 ha bưởi. Ông chưa thấy có khách du lịch đến tận vườn tham quan, mua bưởi mà hầu hết nhà vườn đều bán cho thương lái. Theo ông, nếu phát triển được vườn cây ăn trái gắn với du lịch sẽ mở ra cơ hội mới cho ND. Họ có thể kinh doanh mua bán những món ăn mang hương vị đồng quê để phục vụ du khách, người dân cũng có thêm thu nhập, tạo việc làm; mở rộng mối quan hệ, giao lưu với bạn bè khắp nơi đến với Bạch Đằng.
Sẽ sớm thực hiện
Tại buổi tập huấn, hơn 100 hộ nhà vườn đến từ TX.Thuận An, TX.Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên - nơi có vùng chuyên canh cây ăn quả, đã được triển khai Kế hoạch và Dự án “Nâng cao năng lực cho ND phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2014-2016”. Đối với dự án này, ND đóng vai trò rất quan trọng, theo như khẳng định của ông Nguyễn Tân Đình, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Dịch vụ hỗ trợ ND (Hội ND tỉnh). Ông Đình nói thêm, ND đã hình thành một số làng nghề truyền thống, hình thành các thương hiệu trái cây đặc sản phục vụ du lịch sinh thái. Cùng với sự phát triển du lịch nói chung, du lịch sinh thái cần được quan tâm đầu tư phát triển để thu hút nguồn lực ND tại chỗ tham gia làm dịch vụ du lịch nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ du lịch. Chính vì vậy, để ND hiểu, gắn vườn cây với du lịch thì ND cần được tập huấn kiến thức, kỹ năng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp kết hợp làm du lịch sinh thái; tham quan học tập kinh nghiệm mô hình làm du lịch sinh thái…
Để hộ nhà vườn yên tâm “giữ” vườn, phát triển vườn cây ăn trái, tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ. Theo đó, các loại cây đặc sản được hỗ trợ là măng cụt, sầu riêng, dâu, bòn bon, mít tố nữ thuộc 4 xã, phường ven sông Sài Gòn: Bình Nhâm, Hưng Định, An Sơn, An Thạnh; bưởi ổi, bưởi đường lá cam ở xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên. Thời gian hỗ trợ 4 năm (2013-2016), quy mô diện tích hưởng chính sách từ 500m2 trở lên. Người dân tại các khu vực trên cũng được hỗ trợ 100% cây giống, 50% vật tư nông nghiệp, hỗ trợ 5 triệu đồng/ha cho kiến thiết cơ bản trồng mới. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ hộ nhà vườn khi mất mùa, tư vấn, chỉ đạo kỹ thuật và tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ phát triển thị trường, xúc tiến thương mại và phát triển sản phẩm…
Về phía Sở VH-TT&DL, ông Lê Phan Thuần, Phó Giám đốc sở nói, thời gian qua, sở đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị cung cấp những định hướng về phát triển du lịch sinh thái vườn đến các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là các chủ nhà vườn để hình thành và phát triển loại hình du lịch sinh thái vườn phục vụ khách đến tham quan. Ông hy vọng qua những đợt tập huấn sẽ góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch trong sự phát triển kinh tế tỉnh nhà; đồng thời giúp cho các nhà vườn cập nhật đầy đủ hơn những kiến thức cần thiết về phát triển kinh tế vườn gắn với phát triển du lịch sinh thái và kỹ năng phục vụ khách du lịch theo mô hình sinh thái vườn. Đây cũng là cơ hội để Bình Dương phát triển du lịch, giới thiệu đặc sản đến du khách trong và ngoài tỉnh.
THIÊN LÝ