Phát triển vườn cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch
Thách thức trong việc duy trì
Với lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước và khí hậu các xã, phường Bình Nhâm, An Sơn, Hưng Định và An Thạnh (TX.Thuận An) thích hợp cho sự phát triển nhiều loại cây ăn trái nhiệt đới và được xem là vùng sản xuất cây ăn trái lớn nhất tỉnh. Ở đây có nhiều giống cây ăn trái ngon và trở thành đặc sản vùng miền như: Măng cụt, bòn bon, dâu, sầu riêng, mít tố nữ… Thế nhưng, nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan làm cho vùng đất trăm năm nổi tiếng cây ăn trái dần thu hẹp. Thuận An hiện nay còn 800 ha cây ăn trái, trong đó 80% cây già cỗi, 20% cây trồng mới.
Trầm ngâm trước vườn cây ăn trái già cỗi, thưa thớt, ông Nguyễn Văn Ngoan (ấp An Mỹ, An Sơn), buồn nói: “Gia đình tôi làm vườn được 4 đời. Nhờ còn các KDL sinh thái nên khách DL đến rất đông, do đó cuộc sống những người làm vườn khá giả. Hiện nay, các KDL đóng cửa, ô nhiễm nguồn nước làm cây ăn trái chết nhiều, giá cả bấp bênh, đời sống kinh tế gia đình cũng “xuống dốc”.
Vườn cây ăn trái Lái Thiêu (TX.Thuận An) được tập trung ở 6 xã, phường ven sông Sài Gòn (Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh, An Sơn) trước đây đã từng là điểm DL xanh nổi tiếng nhất của tỉnh. Tuy nhiên, trong những năm qua vườn cây ăn trái Lái Thiêu đang đi vào “dĩ vãng”, bởi không được quan tâm, duy trì. Chị Phạm Thanh Trang (khách DL đến từ Hà Nội), tiếc nuối: “5 năm trước, hễ đến Bình Dương là gia đình tôi lại tìm đến vườn cây Lái Thiêu để tận hưởng không khí trong lành, cây trái ngon ngọt. Bây giờ thấy vườn cây xơ xác, tôi thật sự thấy tiếc”.
Ngoài ra, Bình Dương còn được khách thập phương biết đến với những vườn bưởi Bạch Đằng (Tân Uyên) xanh ngát, ngon ngọt. Diện tích hơn 520 ha (chiếm trên 50% diện tích đất tự nhiên), với 2 giống chính là bưởi đường da láng và bưởi đường lá cam. Hiện nay, vị thế của bưởi Bạch Đằng đang ngày một nâng cao khi nhiều đầu mối cung cấp hoa quả các tỉnh đã tìm đến đặt hàng, nỗi lo về đầu ra cho sản phẩm đã phần nào được giải quyết. Nhưng người dân trồng bưởi vẫn băn khoăn vì giá cả thu mua chưa được cao, tình trạng sâu bệnh khiến vườn bưởi kém năng suất. Ông Ngô Minh Hùng (ấp Tân Trạch, Bạch Đằng), tâm sự: Mặc dù diện tích bưởi Bạch Đằng tăng, nhưng năng suất không đạt, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân do chưa có chính sách dài hơi, lúc được mùa lại mất giá, lúc mất mùa lại được giá, người dân lẩn quẩn trong cái vòng năm nay chặt, năm kia phá. Do đó, người dân rất khó khăn trong việc duy trì, phát triển vườn cây.
Định hướng duy trì, phát triển
“Đối với vườn cây ăn trái Lái Thiêu, để từng bước cải tạo, phát triển và nâng cao hiệu quả của vườn, nhằm khôi phục lại KDL sinh thái đã một thời nổi tiếng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đưa ra một số chương trình, kế hoạch. Cụ thể, các chương trình “Phát triển dịch vụ chất lượng cao giai đoạn 2011- 2015, tầm nhìn đến năm 2020”, “Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến giai đoạn 2011-2015”, “Phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; đầu tư, xây dựng và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015”. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành xây dựng Đề án “Phát triển các sản phẩm DL đặc thù Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”, trong đó vườn cây ăn trái Lái Thiêu là một trong những sản phẩm DL đặc thù của DL tỉnh Bình Dương.”
Các vườn cây ăn trái đặc sản Bình Dương, nhiều gia đình đã gắn bó cả 5 - 6 đời. Họ tự nhắc phải “trụ” với nghề để tìm cách khôi phục các KDL sinh thái, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều gia đình phải ngậm ngùi đốn bỏ cây để bán đất nền, hay chuyển sang trồng cây ngắn ngày. Điều này đã góp phần làm cho vườn cây ăn trái đặc sản Bình Dương thu hẹp, dẫn đến mai một. Để “cứu” lấy vườn cây ăn trái, nhiều lão nông đã trăn trở: Lãnh đạo tỉnh cần quan tâm đến vấn đề ô nhiễm nguồn nước để không ảnh hưởng đến cây trồng; tăng cường hỗ trợ người dân giống, vốn; hình thành các tổ hợp tác liên kết sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GlobalGAP/ VietGAP; đăng ký thương hiệu, xây dựng các hợp tác xã để người dân yên tâm sản xuất; gầy dựng lại những KDL sinh thái…
Có thể thấy, vườn cây ăn trái đặc sản trong tỉnh đã từng góp phần phát triển kinh tế, cũng như sự phát triển DL của tỉnh, để giải bài toán mai một, Bình Dương đã đưa ra một số quy định, chương trình, đề án. UBND tỉnh đã ban hành quyết định quy định “Một số chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013-2016”. Theo đó, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ 100% cây giống, 50% vật tư nông nghiệp đối với các hộ trồng mới, cải tạo trồng mới từ vườn cây già cỗi, vườn tạp kém hiệu quả; hỗ trợ 50% vật tư nông nghiệp và 4 triệu đồng/ha/năm cho việc thâm canh, chăm sóc vườn. Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn khoa học kỹ thuật, tham quan các mô hình cho người sản xuất, tư vấn về sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu…; hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo, giới thiệu sản phẩm; xây dựng, thiết kế website quảng bá thương hiệu, tham gia hội chợ triển lãm, thông tin thị trường và các hoạt động xúc tiến thương mại.
THIÊN LÝ