Phát triển vườn cây ăn quả đặc sản gắn với du lịch sinh thái
(BDO) Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh vừa chủ trì cuộc họp nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo dự thảo Dự án Phát triển vườn cây ăn quả đặc sản gắn với du lịch sinh thái vùng phía Nam Bình Dương.
Khách hàng tham quan, mua trái cây đặc sản trong dịp lễ hội Cầu Ngang mùa hẹn được tổ chức trước đây
Tiềm năng du lịch
Bình Dương với vị trí tiếp giáp với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao là một lợi thế để khai thác các nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, du lịch mua sắm. Ngoài ra, cùng với 3 con sông chính trong khu vực Đông Nam bộ, Bình Dương có tiềm năng để khai thác các loại hình du lịch gắn với sông nước. Đây là một điểm đến hấp dẫn thu hút các doanh nhân, nhà đầu tư đến công tác, hội họp kết hợp du lịch, là một trong những đối tượng khách quan trọng của tỉnh để khai thác các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao cao cấp, du lịch MICE... Bên cạnh đó, Bình Dương còn được xem là cái nôi của những làng nghề nổi tiếng vùng Đông Nam bộ. Tất cả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh là những điều kiện tương đối thuận lợi trong việc hình thành và phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch, trong đó có du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch sông nước.
Trên địa bàn tỉnh có thể kể đến nhiều vùng có tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn quả đặc sản. Đơn cử như các phường, xã thuộc tiểu vùng ven sông Sài Gòn của TP.Thuận An (An Thạnh, Hưng Định, Bình Nhâm và An Sơn) trồng phổ biến các loại cây ăn quả măng cụt, sầu riêng, dâu, bòn bon, mít tố nữ... Đặc biệt, đây là vùng trồng cây măng cụt có truyền thống lịch sử lâu đời ở Đông Nam bộ với hương vị ngon nổi tiếng khác hẳn so với măng cụt trồng ở các vùng khác. Trái măng cụt Lái thiêu đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể vào tháng 8-2013, nhằm ghi nhận và tôn vinh thương hiệu trái cây đặc sản của vùng đất này. Hay ở cù lao Bạch Đằng, TX.Tân Uyên, gắn với địa danh này là các vườn bưởi đường lá cam, bưởi ổi... đã nổi tiếng từ lâu với hương vị đặc trưng riêng biệt so với các loại bưởi da xanh, năm roi. Năm 2011, bưởi Bạch Đằng cũng được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Cùng với sông nước Đồng Nai, cù lao Bạch Đằng chứa đựng tiềm năng, một điểm đến hấp hẫn cho khách yêu thích du lịch sinh thái vườn.
Thực tế đó khẳng định rằng, từ sự đa dạng về sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương, Bình Dương đang rất thuận lợi để xây dựng, tổ chức các tour, tuyến, điểm du lịch phù hợp với từng sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sự đa dạng hóa về sản phẩm du lịch, tiến đến phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững.
Gắn với nông nghiệp bền vững
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây do tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đã làm cho các vườn cây ăn quả đặc sản ở TP.Thuận An suy thoái, già cỗi nên phần nào đã làm giảm sức hấp dẫn cho khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Các vườn bưởi đặc sản ở Bạch Đằng cũng chưa phát triển đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn để phục vụ cho du lịch sinh thái. Nhằm bảo tồn, phát triển và khai thác có hiệu quả các lợi thế từ các vườn cây ăn quả đặc sản ven sông, bảo vệ môi trường sinh thái, kết hợp khai thác các di sản văn hóa, làng nghề truyền thống phục vụ người dân và du khách, việc triển khai thực hiện Dự án Phát triển vườn cây ăn quả đặc sản gắn với du lịch sinh thái vùng phía Nam Bình Dương là rất cần thiết. Thời gian thực hiện dự án này là 3 năm kể từ khi được UBND tỉnh phê duyệt (2020- 2022), tại các xã ven sông Sài Gòn thuộc TP.Thuận An và xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên.
Sau khi nghe báo cáo về dự án, ông Mai Hùng Dũng cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo. Ông Mai Hùng Dũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh, bổ sung các ý kiến phát biểu của các đại biểu, trong đó lưu ý phân tích, đánh giá tính hiệu quả, tính rủi ro của dự án mang lại và tổng hợp ý kiến các địa phương, ngành liên quan để hoàn thiện dự án, trình UBND tỉnh. |
Dự án với mục tiêu cụ thể, như: Xây dựng 2 mô hình/7 điểm du lịch sinh thái vườn cây ăn quả đặc sản ở TP.Thuận An (4 điểm) và xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên (3 điểm). Đây là những mô hình, điểm đến cho du khách trong và ngoài tỉnh tham quan, tìm hiểu về tập quán canh tác và thưởng thức những trái cây ngon, đặc sản của tỉnh; tăng thu nhập cho các hộ tham gia dự án, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, hình thành hệ thống du lịch sinh thái vườn… Loại hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp sẽ mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho khách du lịch trong nước và quốc tế. Thông qua đó, người nông dân có thể quảng bá các sản phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập từ các sản phẩm nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững hơn.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần chủ động phối hợp với ngành du lịch, đẩy mạnh sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, nhà khoa học, doanh nghiệp lữ hành, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, nâng cao chất lượng từng điểm du lịch. Đồng thời, Nhà nước cũng có những chính sách phát triển nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế du lịch cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp triển khai thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp; triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các mô hình du lịch nông nghiệp và khuyến khích nông dân tham gia.
THOẠI PHƯƠNG