Phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với đô thị bền vững
Xác định phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt theo quan điểm “tiện dụng cho hành khách, chất lượng tốt, văn minh và thân thiện với môi trường” gắn với quá trình phát triển đô thị bền vững, văn minh, hiện đại, Bình Dương đã có đề án cùng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia, để từng bước thực hiện kế hoạch đạt từ 15% người dân lựa chọn phương tiện công cộng trong việc đi lại.
Becamex Tokyu Bus vừa chính thức khai trương tuyến buýt kết nối TX.Bến Cát với TP.Thủ Dầu Một
Hiện đại, văn minh
Ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, cho biết Đề án “Nâng cao chất lượng VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020” là một nội dung quan trọng trong phát triển giao thông đô thị bền vững, hệ thống giao thông đồng bộ, có cơ cấu sử dụng phương tiện hợp lý. Trong đó tập trung phát triển giao thông công cộng, hiện đại, văn minh, có khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của mọi người dân một cách nhanh chóng, thuận tiện, an toàn với giá cước hợp lý, trên cơ sở bảo vệ môi trường. Quá trình đô thị hóa sẽ làm gia tăng nhu cầu đi lại của người dân, nếu cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng sẽ kéo theo một loạt những hệ lụy như ùn tắc, tai nạn, môi trường bị ô nhiễm...
Cũng theo ông Hiếu, thời gian qua VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn vẫn đang tồn tại hiện trạng giá vé xe buýt cao, phương tiện vận chuyển xuống cấp, thời gian giãn cách giữa hai chuyến cao, tiện nghi và thái độ phục vụ chưa cao. Thực tế sản lượng vận chuyển giảm bình quân gần 1 triệu hành khách/năm, một số tuyến xe buýt xin ngưng hoạt động do doanh thu không bù đắp được chi phí.
Thực hiện “Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng tỉnh Bình Dương đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025” cũng nhằm đạt được tiêu chí đáp ứng 15% nhu cầu đi lại của người dân. Đồng thời để Bình Dương đạt được tiêu chí đô thị loại I, việc xây dựng và triển khai đề án cũng đã nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp vận tải và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Phát triển tốt VTHKCC sẽ góp phần làm giảm phương tiện giao thông cá nhân, giảm nhiên liệu tiêu thụ chung của toàn xã hội cho nhu cầu đi lại, tiết kiệm ngoại tệ đồng thời giảm áp lực đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Để người dân có thói quen chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, trước mắt bằng xe buýt giảm thiểu ùn tắc giao thông, tạo ra hình ảnh mới về xe buýt và thu hút người dân tham gia...
Tiếp tục khuyến khích
Hiện toàn tỉnh có 235 phương tiện đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe buýt. Trong đó, các doanh nghiệp của tỉnh quản lý 133 phương tiện (chiếm 56,6%), 102 phương tiện (chiếm 43,3%) là các doanh nghiệp ngoài tỉnh quản lý. Trên địa bàn tỉnh có 11 bến bãi được bố trí làm điểm, đầu cuối cho các tuyến xe buýt và 385 trạm dừng, 107 nhà chờ. Theo Sở Giao thông - Vận tải, dù hoạt động còn gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã cố gắng đầu tư đổi mới phương tiện với 69 xe mới từ năm 2009 đến nay. Tuy chất lượng phương tiện đã được cải thiện nhưng đa số phương tiện đã cũ. Một số phương tiện được chuyển đổi công năng từ xe khách qua nhưng chưa khắc phục được những hạn chế về thiết kế, không phù hợp với đặc điểm của xe buýt. Tỉnh đã ưu tiên chính sách hỗ trợ vốn vay đầu tư, hỗ trợ lãi vay đầu tư phương tiện sử dụng năng lượng sạch để nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút được hành khách.
Theo tính toán, nhu cầu thay thế của các doanh nghiệp kinh doanh VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh là 111 phương tiện cho 11 tuyến xe buýt nội tỉnh và 19 phương tiện cho 3 tuyến xe buýt mở mới với tổng vốn đầu tư khoảng 236 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư của doanh nghiệp gần 49 tỷ đồng (tương ứng với 20%), nguồn vốn vay từ Quỹ Đầu tư và phát triển tỉnh gần 196 tỷ đồng (tương ứng với 80%). Nhu cầu hỗ trợ lãi vay doanh nghiệp khoảng 42 tỷ đồng/ năm (lãi suất dự kiến là 3,85%/ năm) trong thời gian vay 7 năm. Ngoài ra, theo đề án, để khuyến khích người dân lựa chọn loại hình VTHKCC bằng xe buýt trong việc đi lại, tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ giá vé như thực hiện miễn tiền vé đối với trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng; giảm giá vé, bán vé tháng đối với người có công với cách mạng, người cao tuổi, học sinh, sinh viên...
Có thể nói, phát triển mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt theo quan điểm “tiện dụng cho hành khách, chất lượng tốt, văn minh và thân thiện với môi trường”; phát triển hợp lý về số lượng và chủng loại phương tiện VTHKCC nói chung và xe buýt nói riêng trên địa bàn tỉnh sẽ từng bước hoàn thành phát triển giao thông đô thị bền vững, thiết lập được một hệ thống giao thông hỗ trợ tốt cho việc phát triển kinh tế của đô thị, gắn chặt với gìn giữ môi trường, bảo đảm quyền đi lại của mọi người dân.
MINH DUY