Phát triển và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị cây ăn trái có múi
(BDO) Nhằm phát triển, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị cây ăn trái có múi (cam, quýt, bưởi), giai đoạn 2010-2020 huyện Bắc Tân Uyên đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KH&CN), nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường trong thời kỳ hội nhập.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển cây có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Mô hình trồng bưởi tại xã Hiếu Liêm mang lại giá trị cao cho nông dân
Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN
Cây ăn trái có múi (cam, quýt, bưởi) là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của huyện Bắc Tân Uyên. Với hiệu quả kinh tế mang lại, thời gian qua nhiều nhà vườn đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây cao su, tràm và cây ăn trái khác sang trồng cây ăn trái có múi, đồng thời mạnh dạn ứng dụng KH&CN.
Để tạo ra sản phẩm có chất lượng, an toàn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, công đoạn sản xuất theo tiêu chuẩn, áp dụng công nghệ sau thu hoạch của chuỗi giá trị rất quan trọng. Ngoài ra, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã ký kết được nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), để sản phẩm cây ăn trái có múi Bắc Tân Uyên có thể cạnh tranh “sòng phẳng” trên thị trường cần phải đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm, yêu cầu truy nguyên nguồn gốc nên việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP/ Global G.A.P là điều tất yếu và cần thiết hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên, cho biết: “10 năm qua (giai đoạn 2011- 2020), được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, nhất là sự phối hợp hướng dẫn thực hiện của các sở, ngành, đặc biệt là Sở KH&CN, các nội dung, nhiệm vụ phát triển KH&CN của huyện luôn được quan tâm, triển khai kịp thời. Đến nay, 100% nhiệm vụ KH&CN có kết quả được ứng dụng vào thực tế trên địa bàn huyện. Việc phát triển và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị cây ăn trái có múi ở huyện Bắc Tân Uyên là cần thiết, nhằm góp phần xây dựng vùng chuyên canh mang tính bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao”.
Nâng cao hiệu quả kinh tế
Trong giai đoạn 2016- 2020, huyện Bắc Tân Uyên đã thực hiện hoàn thành và công bố 2/2 dự án KH&CN cấp cơ sở theo quy định, gồm: Dự án “Nhãn hiệu tập thể quýt Bắc Tân Uyên”, theo giấy chứng nhận của Trung tâm Thông tin - Thống kê KH&CN tỉnh Bình Dương; Dự án “Nhãn hiệu tập thể cam Bắc Tân Uyên, bưởi Bắc Tân Uyên” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận năm 2017. Qua đó, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và quảng bá nhãn hiệu cam, bưởi Tân Uyên đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong cả nước; góp phần giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp hiểu rõ các quyền lợi cơ bản khi nhãn hiệu được bảo hộ; nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh đối với cây cam, bưởi, tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực.
“Trong 10 năm qua (giai đoạn 2010-2020), công tác phát triển KH&CN trên địa bàn huyện luôn được quan tâm, đẩy mạnh. Trong đó, huyện luôn chú trọng, phát triển nhân rộng các ứng dụng tiến bộ khoa học trong việc sản xuất và phát triển các loại cây trồng có thế mạnh của địa phương để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao như cam, quýt, bưởi. Các dự án triển khai thực hiện được ứng dụng vào sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật cho người dân về sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp phù hợp với định hướng phát triển của huyện, giúp người dân nâng cao thu nhập, sử dụng có hiệu quả diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn”. (Ông Trần Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên) |
Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất cây ăn trái có múi (cam, quýt, bưởi) theo định hướng nâng cao chuỗi giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương” theo giấy chứng nhận của Trung tâm Thông tin - Thống kê KH&CN tỉnh Bình Dương. Dự án góp phần hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái có múi VietGAP tại Bắc Tân Uyên, thúc đẩy sản xuất phát triển, làm tăng thu nhập cho vùng trồng cây ăn trái. Nhìn chung các nhiệm vụ KH&CN bước đầu đã đạt được kết quả tốt, góp phần vào sự phát triển chung của huyện.
Ông Hoàng Văn Huy, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, chia sẻ trên diện tích 0,5ha, gia đình đã tham gia thực hiện mô hình quản lý dinh dưỡng đối với cam và quýt thuộc dự án Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất cây ăn trái có múi (cam, quýt, bưởi) theo định hướng nâng cao chuỗi giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên. “Thực hiện mô hình, tôi đã tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn của cán bộ dự án. Kết quả, sau khi ứng dụng cây trồng đã đem lại hiệu quả cao trong việc hạn chế tỷ lệ trái cam sành và quýt đường bị sượng, nhưng năng suất và giá bán, lợi nhuận đạt được cao hơn. Nhờ vậy gia đình tôi bình quân thu hoạch hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Khi chưa áp dụng kỹ thuật, công nghệ trong chăm sóc cây trồng, bình quân chúng tôi thu hoạch chỉ hơn 100 triệu đồng/ha/năm”, ông Hoàng Văn Huy cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên, cho biết: “Để nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng cây ăn trái có múi, huyện đã đề xuất kiến nghị tỉnh cần thông tin phổ biến nhiều hơn các thành tựu, kết quả nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Từ đó cấp cơ sở có nhiều lựa chọn và nhân rộng nhiều mô hình ứng dụng các kết quả tương thích phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Xây dựng cơ chế chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng kịp thời cho nhu cầu trong tình hình mới”.
PHƯƠNG LÊ