Phát triển thương mại điện tử: Mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh

Thứ sáu, ngày 31/12/2021

(BDO) Hiện nay, chuyển đổi số là một vấn đề “sống còn” trong quá trình phát triển kinh doanh. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử sẽ giúp các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.


Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sơn mài Bình Dương nỗ lực để tham gia hội nghị cung cầu và phát triển TMĐT

Bắt nhịp với xu thế

Từ đầu năm đến nay, tuy ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhưng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trên thị trường vẫn đạt 231.578 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ (năm 2020 tăng 12,3%, KH 2021 tăng 16%). Đặc biệt, sức mua thông qua giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) tăng cao qua dịch bệnh, tạo động lực cho các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh chuyển đổi số, thúc đẩy TMĐT phát triển.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dân Tiếng (huyện Bắc Tân Uyên) cho biết trong lĩnh vực nông nghiệp, trong dịch bệnh các DN, HTX cũng đã bắt nhịp được với xu thế, phát triển TMĐT phát triển các kênh mua bán hàng hóa để đưa hàng hóa ra khắp cả nước. Đặc biệt trong dịch bệnh Covid-19, nông dân đã tích cực chuyển đổi số để thích ứng với tình hình. HTX đã xây dựng fanpage, trang Facebook cá nhân để tiêu thụ nông sản của các thành viên HTX. Hiện nay, fanpage chuyên bán hàng của HTX có hơn 10.000 lượt người thích, hơn 32.000 lượt người theo dõi.

Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp (Sở Công thương) khẳng định, những năm gần đây, TMĐT tăng trưởng khoảng 30 - 35%/năm. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 làm tiến độ phát triển TMĐT tiếp tục được rút ngắn. TMĐT đã và đang bước sang trang mới. Và phát triển TMĐT đã và đang trở thành xu hướng tất yếu, sẽ trở thành hình thức giao dịch mạnh trong thời gian tới. Bởi với việc phần lớn người dân đều sử dụng các điện thoại thông minh như hiện nay thì TMĐT sẽ tạo ra khả năng kết nối nhanh, tiện lợi và phù hợp với xu thế thanh toán không dùng tiền mặt. Không chỉ thế, TMĐT còn tạo ra nhiều cơ hội cho DN tận dụng, khai thác, mở rộng mạng lưới phân phối, thị trường tiêu dùng và cả việc tung ra thị trường hàng ngày, hàng giờ các chương trình giảm giá, khuyến mại, thay vì trước đây các chương trình này phải dựa vào lịch phát sóng hoặc phát hành báo in của các cơ quan truyền thông khi DN tham gia quảng cáo.

Chia sẻ về kinh nghiệm thị trường TMĐT, ông Trần Ngọc Thái Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiki, cho biết trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, doanh số Tiki đã tăng mạnh, trong đó có phần đóng góp rất lớn của một lĩnh vực mới toanh đó là hàng tươi sống. Lúc đầu, Tiki kết hợp với các siêu thị, DN… để giao hàng, nhưng sau đó thấy nhu cầu đặt hàng của người đề cập đến chiến lược phát triển, ông Trần Ngọc Thái Sơn cho rằng nhiệm vụ của DN là phục vụ khách hàng. DN có 2 sự lựa chọn: “Khách hàng tới tôi” hoặc “Khách hàng ở đâu tôi tới”. Tuy nhiên, với xu hướng TMĐT phát triển như hiện nay hiển nhiên DN phải quan tâm khách hàng hơn.

Hiện các DN sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ cũng nhìn nhận việc đưa hàng hóa lên TMĐT là một yếu tố sống còn trong khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Khi bình thường mới trở lại, TMĐT giúp DN mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu hàng hóa.

Ông Lê Bá Linh, Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài Bình Dương cho biết: “Từ trước đến giờ hàng hóa của chúng tôi đa phần bán cho khách hàng trực tiếp nên trong dịch bệnh nhiều cơ sở trong hiệp hội gặp khó khăn. Sắp tới, chúng tôi tính chuyện bán hàng trên các sàn thương mại, đặc biệt là đưa lên sàn TMĐT của tỉnh. Chúng tôi cũng có kế hoạch sắp xếp nhân sự để tăng cường các kênh online. Chúng tôi rất phấn khởi khi được sự hỗ trợ của ngành công thương để đưa sản phẩm lên sàn TMĐT của tỉnh”, ông Lê Bá Linh chia sẻ.

Nền tảng vững vàng

Theo đánh giá, Bình Dương có nền tảng vững vàng để phát triển TMĐT. Trong kế hoạch phát triển, TMĐT trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Dương cũng đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 doanh số TMĐT B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, trong đó tốc độ tăng trưởng hàng năm ổn định ở mức tăng từ 15% - 20%/ năm; phấn đấu tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt 35%.

Về phát triển nguồn nhân lực cho TMĐT, 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo về TMĐT; phấn đấu có 10.000 lượt cán bộ quản lý nhà nước, thương nhân, HSSV được tham dự các chương trình tuyên truyền phổ biến, hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về TMĐT và dịch vụ bán hàng trực tuyến (tham gia bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến).

Về hạ tầng các dịch vụ phụ trợ cho TMĐT, đến năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%; 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử; xây dựng và đưa vào vận hành hiệu quả sàn TMĐT tỉnh Bình Dương; chi phí trung bình cho chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chặng cuối chiếm 10% giá thành sản phẩm trong TMĐT.

Về ứng dụng TMĐT trong DN, 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; trên 50% DN cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia mô hình truy xuất nguồn gốc rau củ quả; hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP, hàng hóa truyền thống, làng nghề, hàng đặc sản của tỉnh được trưng bày và bán trên sàn TMĐT tỉnh Bình Dương và một số sàn TMĐT phổ biến khác; 50% DN vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT; 50% DN tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động; 100% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng; trên 70% DN có sử dụng giải pháp chứng thực hợp đồng điện tử và các chứng từ điện tử phục vụ giao dịch thương mại khác trên nền tảng xác thực thông tin ứng dụng công nghệ số bao gồm: Chữ ký số công cộng, chữ ký số cá nhân trên di động, lưu trữ block-chain, hóa đơn điện tử, tem điện tử, chứng từ xuất kho điện tử và các chứng từ thương mại khác; 100% lãnh đạo cơ quan nhà nước sử dụng chứng thực chữ ký số điện tử.

Đến nay, tỉnh Bình Dương đã cấp và tập huấn sử dụng 1.155 chữ ký số chuyên dùng cá nhân dành cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại các các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng an toàn thông tin, bảo đảm điều kiện kỹ thuật cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và DN; 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; 100% CBCC-VC cấp tỉnh, cấp huyện, 100% CBCC-VC cấp xã được cấp tài khoản thư điện tử công vụ tỉnh để thực hiện trao đổi công việc, gửi nhận văn bản điện tử để trao đổi công việc.

Dịch vụ thanh toán điện, viễn thông đến nay đã đạt 100% thanh toán không dùng tiền mặt; dịch vụ thanh toán trực tuyến nước (chưa bắt buộc thanh toán hoàn toàn trực tuyến) đạt 70%. Cơ sở hạ tầng viễn thông đã được đầu tư nâng cấp đường truyền internet đạt tốc độ nhanh bảo đảm cung cấp dịch vụ viễn thông và internet chất lượng tốt với nhiều loại hình phong phú và đa dạng phục vụ khách hàng và các DN trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi phát triển ứng dụng TMĐT cho địa phương.


TIỂU MY - KIM HỒNG