Phát triển thương mại dịch vụ chất lượng cao: Động lực mới để thu hút đầu tư

Thứ ba, ngày 26/05/2020

(BDO)

Bình Dương đang tập trung thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ chất lượng cao. Trong ảnh: Bệnh viện Quốc tế Becamex đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Ảnh: XUÂN THI

Hội tụ để lan tỏa

Trong những năm qua, kinh tế Bình Dương liên tiếp vượt các chỉ tiêu, đặc biệt có những chỉ tiêu tăng trưởng đột biến như về hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư, xuất siêu… Số lượng doanh nghiệp (DN) trong tỉnh từ năm 2017 đến nay tăng gần gấp 1,5 lần, từ gần 30.000 lên gần 44.000. Cùng với công nghiệp, lĩnh vực - thương mại dịch vụ đang có những chuyển biến tích cực, cả trong dịch vụ phục vụ công nghiệp, đô thị, giáo dục - đào tạo. Trong định hướng phát triển bền vững, cùng với việc thu hút công nghệ cao, sản xuất tiên tiến, đồng thời tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh thương mại, dịch vụ chất lượng cao. Trong đó, ưu tiên các ngành dịch vụ hàm lượng chất xám cao, thương mại điện tử, thúc đẩy đầu tư tài chính, ngân hàng, công nghệ sáng tạo… Tỉnh cũng đặt nhiều kỳ vọng việc tăng cao tỷ trọng dịch vụ sẽ tác động trở lại, tạo động lực phát triển công nghiệp.

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế đầu ngành, Tiến sĩ Trần Du Lịch, cho biết Bình Dương đang có rất nhiều tiềm năng phát triển, cần tạo ra những đột phá mới. Bình Dương cũng cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, thu hút thương mại dịch vụ để định hướng trở thành đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống, xanh sạch, là khu vực dịch vụ chất lượng cao cho toàn vùng. Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian tới Bình Dương cần tập trung quy hoạch bổ sung tổng thể đô thị theo định hướng hiện đại, tiện ích với tuyến Metro kết nối với TP.Hồ Chí Minh, đồng thời thu hút mạnh về thương mại, công nghệ thông tin…đóng góp vào phát triển dịch vụ, kết nối trong vùng và toàn vùng kinh tế trọng điểm.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết năm 2020 địa phương tiếp tục kêu gọi DN đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ; phát triển thêm nhiều loại hình dịch vụ - giải trí như siêu thị, cửa hàng tự chọn, khu thể thao... Tỉnh đã và đang tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án đầu tư lớn về thương mại - dịch vụ triển khai đúng tiến độ; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương đưa thương mại - dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tạo nền tảng vững chắc cho thu hút đầu tư trong giai đoạn mới.

Với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ cao không chỉ tạo diện mạo mới cho tỉnh mà còn là điểm nhấn quan trọng góp phần thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển theo hướng gắn kết công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC, chia sẻ trong hướng quy hoạch phát triển, Bình Dương hướng đến tạo ra giá trị gia tăng mới, tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bổ sung chương trình dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh chuỗi cung ứng, logistics, cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông đa dạng. Trước mắt là việc đẩy nhanh kết nối các vành đai, tuyến đường huyết mạch, cảng biển, sân bay quốc tế... từ đó lan tỏa trong vùng và cả khu vực xung quanh.

Phát triển đô thị vệ tinh

Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương, việc tăng tỷ trọng thương mại dịch vụ trong thời kỳ mới là tiên quyết để phát triển nhanh và bền vững, từ đó phát huy sức mạnh để hỗ trợ công nghiệp phát triển hiệu quả hơn. Hiện nay, ba thành phố trực thuộc tỉnh là TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An và TP.Thuận An đang có rất nhiều tiềm năng phát triển và cần có bước đột phá mới. Về việc đột phá dịch vụ, đô thị, thương mại điện tử và đầu tư tài chính vào công nghệ, ba thành phố TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An là cơ sở với quy hoạch theo hướng đô thị thông minh. Trong đó thành phố mới sẽ tiếp tục vai trò hạt nhân, Trung tâm Thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương đang được hình thành sẽ là điểm sáng. Từ thành phố mới dọc theo trục đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng nối liền lên phía bắc là Khu Công nghiệp khoa học công nghệ (KCN KHCN), dự án chủ chốt trong tương lai để tạo đà bứt phá sản xuất công nghệ cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kết nối viện, trường và DN dưới sự hỗ trợ của Nhà nước.

Năm 2019, Trung tâm Thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương được (WTC BDNC) được tổ chức WTC công nhận thành viên chính thức. Công trình này là biểu tượng, tăng giá trị cho khu vực, giúp Bình Dương trở thành trung tâm dịch vụ tích hợp thương mại toàn cầu, thu hút đối tác, các nhà đầu tư, nhân lực trí thức, tạo điều kiện hình thành hệ sinh thái thương mại quốc tế, kết nối giao thương toàn vùng… Đặc biệt, WTC BDNC sẽ là động lực quan trọng để tạo đà cho Bình Dương phát triển thương mại điện tử, một xu thế ngày càng bùng nổ sau dịch bệnh Covid-19.

Để triển khai triệt để chủ trương này, chính quyền các thành phố đã rất nỗ lực để thế và lực mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Bước sang năm 2020, các địa phương đề ra mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng, chất lượng, hiệu quả dịch vụ. Cùng với đó, địa phương chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đặc biệt, với 2 thành phố vừa thành lập trong năm 2020, đây là một cơ hội lớn để bứt phá.

Ông Lê Thành Tài, Chủ tịch UBND TP.Dĩ An khẳng định thành phố đang nỗ lực thực hiện các chương trình đột phá của Thành ủy giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 về phát triển đô thị. Trong đó, coi trọng phát triển thương mại - dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển công nghiệp, đô thị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Hiện, TP.Dĩ An đang tập trung cho công tác quy hoạch đô thị, cơ bản đã thực hiện xong việc điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Dĩ An đến năm 2040. Đây sẽ là bước chuẩn bị quan trọng trong hành trình đi tới.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An cũng thể hiện sự quyết tâm lớn trong định hướng đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên nền tảng đã đạt được. Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng, thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội, lưu thông hàng hóa, nâng cao đời sống người dân. Để TP.Thuận An phát triển trở thành đô thị công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - du lịch, là đầu mối giao thông đường bộ và một phần đường thủy của khu vực phía Nam, là trung tâm thương mại - tài chính, dịch vụ cao cấp mang tầm khu vực, chính quyền thành phố tiếp tục triển khai những giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời tập trung các nguồn lực, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng và bảo vệ môi trường. TP.Thuận An tập trung nguồn lực đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đột phá về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối vào các khu vực tập trung đô thị và KCN trên địa bàn.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương, việc tăng tỷ trọng thương mại dịch vụ trong thời kỳ mới là tiên quyết để phát triển nhanh và bền vững, từ đó phát huy sức mạnh để hỗ trợ công nghiệp phát triển hiệu quả hơn. Hiện nay, ba thành phố trực thuộc tỉnh là TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An và TP.Thuận An đang có rất nhiều tiềm năng phát triển và cần có bước đột phá mới. Về việc đột phá dịch vụ, đô thị, thương mại điện tử và đầu tư tài chính vào công nghệ, ba thành phố TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An là cơ sở với quy hoạch theo hướng đô thị thông minh. Trong đó thành phố mới sẽ tiếp tục vai trò hạt nhân, Trung tâm Thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương đang được hình thành sẽ là điểm sáng.

TIỂU MY

Từ khóa: