Phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm địa phương

Thứ tư, ngày 04/12/2024

(BDO) Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ nông dân sản xuất tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, công nghiệp nông thôn…, tỉnh Bình Dương đã và đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, hội chợ, triển lãm….Đồng thời, tỉnh chuẩn hóa nguồn cung ứng thực phẩm địa phương.


Ngành Công Thương tập huấn bán hàng trên các nền tảng xã hội cho các đơn vị sản xuất đạt các chứng nhận công nghiệp nông thôn, OCOP

Chuẩn hóa sản phẩm

Trao đổi với P.V, bà Tăng Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH yến Hiếu Hằng (huyện Phú Giáo) cho biết, DN luôn nỗ lực để sản phẩm của mình tốt lên và chính người tiêu dùng sẽ đánh giá, công nhận. Với sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Nam, DN đang hướng đến sản xuất xanh, chuẩn hóa nguồn đầu vào. Đến nay, sản phẩm được khẳng định khi đang cung cấp tốt vào các khu vực Đông Nam bộ và TP.Hồ Chí Minh. DN mong có thêm nhiều chương trình kết nối để mở rộng kênh tiêu thụ vào các siêu thị, nhất là thị trường tiêu thụ lớn TP.Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ.

 “Với nguồn đầu vào rõ xuất xứ nguồn gốc tại địa phương và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu chế biến bảo quản, chúng tôi tự tin mang sản phẩm đảm bảo chất lượng đến với khách hàng, giữ vững thị trường tiêu thụ và hướng đến xuất khẩu...”, bà Tăng Thị Hằng chia sẻ.

Cùng quan điểm với bà Hằng, bà Nguyễn Thị Đoan Phượng, cơ sở sản xuất lạp xưởng Cô Giáo Phượng (huyện Bàu Bàng) cho biết cơ sở mất một thời gian dài để chuẩn hóa nguồn thịt và các sản phẩm chế biến nhằm đảm bảo chất lượng an toàn cho sản phẩm cung cấp ra thị trường. Cơ sở đã nỗ lực đầu tư bao bì theo xu hướng xanh hóa, đầu tư công nghệ vào sản xuất hướng đến việc chuẩn hóa để truy xuất nguồn gốc, hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa. Đây là cơ sở để đơn vị sản xuất tham gia các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bền vững tại tỉnh nhà, các tỉnh, thành cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại thị trường lớn nhất nước là TP.Hồ Chí Minh và cả nước.


Cơ sở sản xuất lạp xưởng Cô Giáo Phượng nỗ lực đưa sản phẩm đến gần thị trường

Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX Dân Tiến (huyện Bắc Tân Uyên) cho hay, hiện các thành viên HTX đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trồng trái cây với quy mô lớn, sản xuất theo chuẩn hữu cơ. HTX rất khao khát được kết nối giao thương với các thị trường đầu ra. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh là thị trường lớn nhất khu vực phía Nam nên mong hoạt động kết nối này được tổ chức thường xuyên hơn. Đây là sự hỗ trợ rất lớn để HTX mạnh dạn tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất nông nghiệp chất lượng cao trong điều kiện chuỗi cung ứng chưa bền vững như hiện nay.

Tăng tốc chuyển đổi số

Hiện nay, các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ như: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… đang hình thành các trung tâm cung ứng, chế biến nông sản, các chuỗi logistics dành riêng kết nối tiêu thụ nông sản, đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản thông suốt, hiệu quả, cung cấp cho vùng, cho cả nước và hướng đến xuất khẩu. Đặc biệt, vùng Đông Nam bộ đã có các chuỗi phân phối, nhất là TP.Hồ Chí Minh với các chợ đầu mối, chuỗi siêu thị, các cửa hàng thực phẩm tiện lợi… để nâng cao năng lực phân phối tại chỗ, phát huy tăng trưởng nội vùng. 


HTX Dân Tiến trưng bày giới thiệu sản phẩm tại AEON MALL Bình Dương

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với sở, ngành, các DN tập trung thực hiện chương trình hợp tác thương mại nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối cung - cầu, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các hoạt động tiêu biểu như hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm thiết yếu; mở rộng tiêu thụ hàng hóa qua các kênh truyền thống, định hướng và đẩy mạnh kết nối cung cầu trên các nền tảng kỹ thuật số, kinh tế số lẫn sàn thương mại điện tử. Việc hỗ trợ, phân phối, hướng dẫn cho các HTX nông nghiệp, hộ nông dân thông qua hoạt động đào tạo quy trình, kỹ thuật nuôi trồng theo chuẩn ... Các mặt hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP... được ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ, bao tiêu.

Trong giai đoạn thực hiện chuyển đổi số hiện nay, Sở Công Thương tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để hỗ trợ cho hoạt động kết nối cung cầu; kết hợp phân phối hiện đại với truyền thống để đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa. Tỉnh duy trì và củng cố các kênh phân phối trực tiếp truyền thống như chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đồng thời thúc đẩy khai thác phân phối trực tuyến trên website, sàn thương mại điện tử; hướng dẫn DN sản xuất, cung ứng mở rộng, tiếp cận kênh phân phối mới để thực hiện chuyển đổi số.

“Những sản phẩm thực phẩm của Bình Dương đã có bước phát triển về chất lượng, số lượng và mẫu mã. Việc kiểm soát chất lượng mặt hàng thực phẩm tại vùng nguyên liệu được chuẩn hóa, theo quy trình giám sát chặt chẽ sẽ thuận lợi rất nhiều cho các hệ thống phân phối và cả các cơ quan quản lý nhà nước trong đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cung cấp đến người tiêu dùng. Đây cũng là nỗ lực của các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn”.

(Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương)

Tiểu My - Cẩm Tú