Phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp: Nâng cao giá trị hàng hóa trên thị trường

Thứ ba, ngày 01/11/2022

(BDO) Thời gian qua, chương trình phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp đã từng bước góp phần quan trọng nhằm nâng cao giá trị hàng hóa trên thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.

 Dây chuyền đóng gói sản phẩm của Công ty TNHH MTV SX-TM Trường Thọ

 Bảo hộ, phát triển thương hiệu

Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2005 với mục tiêu nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Qua hơn 15 năm thực hiện, chương trình từng bước định hình và nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ (KH&CN), đóng góp của SHTT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua sự lớn mạnh của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù, chủ lực của địa phương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình. Khi triển khai, chương trình đã hỗ trợ xây dựng và phát triển TSTT đối với chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ đánh giá đặc sản của địa phương nhằm xác định sự cần thiết phải bảo hộ; xác định tính đặc thù của sản phẩm mang địa danh; lựa chọn hình thức bảo hộ và tiến hành các thủ tục xác lập quyền; tổ chức quản lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm được bảo hộ... Trong 10 năm qua (giai đoạn 2012-2022), Sở KH&CN đã hướng dẫn 40 - 50 tổ chức, cá nhân/năm đăng ký và xác lập quyền SHTT; 20 - 30 tổ chức, cá nhân/năm gia hạn, sửa đổi, bổ sung và các vấn đề liên quan đến văn bằng bảo hộ SHTT.

Công ty TNHH MTV SX-TM Trường Thọ tại TX.Bến Cát được thành lập từ năm 2007, là một trong những doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất các sản phẩm ngũ cốc, bột giải khát, trà, cà phê. Theo ông Lương Ngọc Văn, Giám đốc Công ty TNHH MTV SX-TM Trường Thọ, nếu là doanh nghiệp phải nghĩ đến việc đăng ký SHTT sản phẩm của công ty, nhãn mác, logo… Khi đã đăng ký SHTT, các sản phẩm của doanh nghiệp được bảo hộ quyền SHTT. Khi đưa ra thị trường được kiểm tra, quản lý chất lượng, nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn về mẫu mã, tem nhãn theo quy trình nghiêm ngặt, đồng thời chống đựợc hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần giữ được thương hiệu của doanh nghiệp.

Ông Lương Ngọc Văn cho biết: “Các sản phẩm của công ty như bột ngũ cốc dinh dương, trà sen Ngọc Mai, bột giải khát hương bí đao, trà dưa Ngọc Mai, bột ngũ cốc các loại đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu 2022. Sản phẩm trà dứa Ngọc Mai đã đạt chứng nhận sản phẩm 3 sao OCOP của tỉnh. Có được những kết quả này do các sản phẩm của công ty đều được đăng ký SHTT, bảo đảm được chất lượng, tạo sự tin dùng của khách hàng, khẳng định được thương hiệu của công ty”.

Nhận thấy môi trường đang bị ô nhiễm bởi các mùi khí thải sản xuất, sinh hoạt, đặc biệt là mùi về xăng dầu, Công ty Hoa Dược Thảo, TP.Dĩ An đã tiến hành nghiên cứu chế phẩm, sử dụng hoàn toàn từ trái bơ, đồng thời sử dụng máy siêu âm, thủy độc cũng như các phương pháp hóa học sản xuất ra các sản phẩm. Chế phẩm có giá trị thực tế, đáp ứng yêu cầu thiết thực, hiệu quả về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.

Ông Bùi Văn Cứ, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Dược Thảo, cho biết: “Năm 2016, công ty đã được cấp bằng độc quyền sáng chế. Sáng chế chế phẩm khử mùi không khí từ trái bơ đã được Cục SHTT Bộ KH&CN cấp bản độc quyền, Liên hiệp khoa học doanh nhân Việt Nam chứng nhận TOP 30 sản phẩm, dịch vụ tốt nhất năm 2015. Việc các sản phẩm của công ty được cấp bản độc quyền sáng chế, được Cục SHTT chứng nhận đã góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, từng bước khẳng định chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu của công ty”.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Một trong những giải pháp quan trọng được nêu trong Chiến lược SHTT quốc gia đến năm 2030 là triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển TSTT, đưa SMEs thành một nhóm đối tượng cụ thể và quan trọng. Trong khi đó, chương trình phát triển TSTT 2021-2030 được xây dựng với mục tiêu, quy mô lớn hơn, nhiều nội dung mới hơn, bảo đảm hỗ trợ đầy đủ các nội dung từ hoạt động tạo ra TSTT, cho đến các nhiệm vụ bảo hộ SHTT, quản lý, khai thác, phát triển TSTT và tạo dựng văn hóa SHTT, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo.

UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển TSTT tỉnh Bình Dương đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của chương trình là phấn đấu đến năm 2025, đáp ứng kịp thời yêu cầu của các cơ sở trên địa bàn tỉnh được hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; 100% trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền SHTT cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; tối thiểu 40% sản phẩm được công nhận là sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Dương (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký quyền SHTT.

Đến năm 2030, phấn đấu số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế trên địa bàn tỉnh tăng trung bình 16 - 18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tăng trung bình 8 - 10%/năm; số lượng đơn đăng ký giống cây trồng mới tăng trung bình 3%/năm; tối thiểu 60% sản phẩm được công nhận là sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Đối tượng tham gia là các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, thực hiện chương trình và các cơ sở trên địa bàn tỉnh. Chương trình sẽ kết thúc vào ngày 31-12-2030.

 Thời gian qua, Sở KH&CN đã đẩy mạnh triển khai tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về SHTT đến các doanh nghiệp, nhằm góp phần thuận lợi hóa hoạt động của doanh nghiệp, giúp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sáng tạo, hình thành, khai thác và bảo vệ quyền SHTT của mình.

 PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ