Phát triển sản phẩm OCOP xanh, bền vững

Thứ ba, ngày 12/12/2023

(BDO) Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bình Dương trong thời gian qua đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. 

Tạo động lực mạnh mẽ 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bình Dương tổ chức xây dựng thực hiện chương trình OCOP vào năm 2019. Thời gian qua, chương trình OCOP đã góp phần không nhỏ trong phát triển các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của từng địa phương trên địa bàn tỉnh. 


Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Bàu Bàng tại hội nghị sơ kết 3 năm xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Dương

Chương trình OCOP cũng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm. 

Đến nay, toàn tỉnh có 103 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao; trong đó, có 10 sản phẩm 4 sao và 93 sản phẩm 3 sao cho 49 chủ thể, gồm 15 doanh nghiệp, 11 hợp tác xã, 6 trang trại, 1 tổ hợp tác và 16 cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh. 

Ông Nguyễn Phong Huy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - Sở NN&PTNT cho rằng, để có được kết quả trên là do chương trình OCOP luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự phối hợp của các sở, ngành chuyên môn. 

Sau gần 5 năm triển khai, chương trình OCOP đã tiếp cận với nhiều người dân, doanh nghiệp. Thông qua công tác tuyên truyền, các hoạt động xúc tiến thương mại cùng với sự thành công của các chủ thể đi trước đã tạo động lực mạnh mẽ cho các chủ thể mới tham gia chương trình. 

Hiện nay, người dân đã cơ bản hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP và tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Đồng thời, thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã thấy được tiềm năng, thế mạnh của mình và có những giải pháp phù hợp trong tổ chức sản xuất. 

Theo ghi nhận của phóng viên, các sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao, 4 sao đã có bước cải tiến về chất lượng, mẫu mã, bao bì đảm bảo điều kiện quy định về tem, nhãn mác, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất kinh doanh bước đầu đã thấy được lợi ích của chương trình nên việc quan tâm hưởng ứng, thực hiện được lan tỏa tốt hơn. Hệ thống các đối tác của chương trình OCOP, các chuyên gia, các doanh nghiệp dần được kết nối, hình thành kênh hỗ trợ cho các chủ thể tham gia chương trình.

Cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình OCOP của tỉnh Bình Dương vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Đây là chương trình mới có liên quan đến nhiều sở, ngành, UBND các cấp, nhưng giai đoạn đầu triển khai chương trình một số đơn vị chưa quan tâm như với nhóm các sản phẩm truyền thống, làng nghề gốm sứ, sơn mài. 




Sản phẩm OCOP tham gia tại Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa và Hội chợ Công Thương vùng Đông Nam bộ - Bình Dương năm 2023

Các sản phẩm đánh giá phân hạng của tỉnh chủ yếu là các sản phẩm sẵn có, chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm có tiềm năng theo hướng nâng cao chất lượng, chưa phát triển các sản phẩm chế biến. 

Việc quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các hội nghị, hội thảo, hội chợ triễn lãm OCOP trong và ngoài tỉnh, tuy có triển khai thực hiện như hiệu quả chưa cao; một số sản phẩm OCOP sản xuất còn nhỏ lẻ không đủ số lượng lớn khi các nhà thu mua yêu cầu. 

Việc bố trí cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP còn gặp nhiều khó khăn, các giải pháp tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử còn hạn chế…

Nhằm tháo gỡ các khó khăn trên, góp phần mang lại hiệu quả cho chương trình OCOP, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của chương trình OCOP, nhất là việc phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Mặt khác, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể OCOP, cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng về chất lượng, thương hiệu của sản phẩm OCOP theo hướng phát huy giá trị tài nguyên bản địa, truyền tải về văn hóa, tri thức dân gian của địa phương.

Song song đó, ngành NN&PTNT tiếp tục thực hiện tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các chủ thể OCOP; trong đó tập trung trọng tâm vào trang bị các kỹ năng, năng lực về quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, phát triển bao bì, áp dụng chuyển đổi số gắn với yêu cầu của thị trường. 

Đồng thời, bổ sung kiến thức cho các chủ thể OCOP về phát triển kinh tế xanh, từ đó, góp phần từng bước thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP xanh để phát triển bền vững. Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn gắn với phương pháp phát triển dựa vào nguồn lực cộng đồng để nâng cao năng lực, nhận thức và sự tham gia của chủ thể OCOP. Tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn. 

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT:

Vấn đề thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, công tác xúc tiến thương mại là giải pháp cần được tập trung chú trọng. Chính vì lẽ đó, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt tập trung vào việc nâng cao nhận thức và quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, đưa OCOP trở thành một dấu hiệu nhận diện về sản phẩm trên thị trường, tạo niềm tin để thúc đẩy thương mại.

Thoại Phương - Hải Dương