Phát triển nông thôn mới bằng đòn bẩy kinh tế
Phát triển nông nghiệp theo tiêu chí nông thôn mới (NTM) gắn với đô thị hóa theo quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương là một trong 6 mục tiêu quan trọng phát triển đô thị Bình Dương giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020 mà Chương trình hành động số 19 Ctr/TU của Tỉnh ủy đề ra. Cụ thể hóa chủ trương này, Bến Cát đã xây dựng Đề án phát triển NTM và đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp thiết thực để đi vào cuộc sống hiện thực. Nuôi heo rừng đang ngày càng phát triển ở Bến Cát
Đi từ những khó khăn...
Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Bến Cát, căn cứ vào 19 tiêu chí của Bộ Tiêu chí Quốc gia và Bộ Tiêu chí NTM của tỉnh ban hành, Bến Cát chưa có xã nào đáp ứng đủ 19 tiêu chí xã NTM. Thậm chí một số xã đáp ứng rất ít các tiêu chí như: Trừ Văn Thố, Cây Trường chỉ đạt 4 tiêu chí. Các chỉ tiêu về cơ sở vật chất văn hóa, về giao thông cả 14 xã đều không đạt. Các tiêu chí về trường học, chợ nông thôn, nhà ở dân cư... số xã đạt rất ít. Hiện trạng phát triển nông thôn ở Bến Cát thiếu quy hoạch, chủ yếu tự phát. Quy hoạch dân cư nông thôn chưa hoàn chỉnh, quy chế quản lý phát triển chưa rõ ràng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thô sơ, không đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài.
Tuy nhiên, với quyết tâm cao phấn đấu đến năm 2015, Bến Cát sẽ có 6/14 xã đạt chuẩn NTM, 14/14 xã hoàn thành Đề án quy hoạch NTM, tập trung phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở nông thôn theo chuẩn mới... để đến năm 2020, 100% số xã đạt chuẩn NTM, thu nhập của người dân tăng gấp 2,5 lần so với hiện nay.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Kinh tế huyện Trần Hùng Sơn, cho biết để đạt được mục tiêu này, Bến Cát hiện đang tính toán xây dựng và triển khai các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, ngành nghề truyền thống và dịch vụ trên cơ sở phát triển toàn diện, khép kín và khai thác tốt lợi thế so sánh của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Phải xây dựng các dự án này là vì trên thực tế hiện nay, hoạt động của đa số hộ nông dân thiếu tính chủ động ở tất cả 3 khâu, từ khâu tiếp liệu đầu vào, khâu tổ chức, quản lý sản xuất và khâu tiêu thụ đầu ra. Do vậy, thu nhập của nông hộ thường thấp và bị chi phối mạnh do biến động giá cả trên thị trường. Mặt khác, quy mô sản xuất của nông hộ thường nhỏ và thiếu tính hợp tác, không thể đáp ứng khối lượng sản phẩm lớn theo các đơn đặt hàng, do đó hoạt động sản xuất thiếu tính ổn định và liên tục làm giảm thu nhập.
Thông qua các chính sách của Chính phủ, của tỉnh đối với sản xuất nông - công - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, Bến Cát đã xây dựng nhiều chính sách khuyến khích thu hút các nhà đầu tư. Người dân trên địa bàn thì xây dựng các dự án sản xuất có thế mạnh trên cơ sở định hướng phát triển của tỉnh, huyện trong vùng quy hoạch nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn lực sẵn có, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động hướng đến sản xuất hàng hóa quy mô lớn cho từng ngành, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Giải pháp quan trọng là đòn bẩy kinh tế
Xác định kinh tế là đòn bẩy, hiện nay, Bến Cát đang hướng tới việc củng cố và phát triển các loại hình kinh tế tập thể trong nông thôn, nhằm tạo lợi thế về quy mô, từng bước áp dụng cơ giới hóa hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung. Chính vì thế, trong quá trình phát triển, Bến Cát khuyến khích hình thành hợp tác xã, trang trại, tổ hợp tác... ở nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Đây chính là tiền đề thiết thực trong tiến trình xây dựng NTM; bởi tổ chức hợp tác sẽ tạo nhiều cơ hội mới cho chủ thể kinh tế tăng khả năng cạnh tranh và tăng tính chủ động của những người sản xuất nhỏ trong khâu sản xuất - kinh doanh. Không chỉ xây dựng dự án, Bến Cát còn tính toán ban hành các chính sách hỗ trợ đồng bộ kèm theo và kết nối các bên tham gia, toàn tâm, toàn ý xây dựng mối liên kết 4 nhà gồm nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước. Mô hình trồng khổ qua ở xã Tân Định
Bên cạnh đó, Bến Cát sẽ tăng cường hoạt động đào tạo và chuyển giao tiến bộ mới cho người dân; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ quản lý xã thông qua các lớp tập huấn ngắn hạn, chuyên đề, nhằm đáp ứng nhu cầu công việc đặt ra trong quá trình xây dựng xã NTM. Ngoài ra, chú trọng trang bị quản lý kinh tế và tiếp cận thị trường, giúp người dân có đủ trình độ để chủ động đề ra các quyết định sản xuất - kinh doanh đạt hiệu quả, cải tiến nguồn thu nhập cho gia đình và cộng đồng, tác động tích cực đến hoàn thiện cho chương trình xây dựng xã NTM.
Một trong những bài toán nữa mà Bến Cát đang tính tới là khuyến khích xây dựng các cơ sở chế biến nông sản, sản xuất hàng hóa; một mặt góp phần đa dạng hóa nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp; mặt khác kéo dài thời gian dự trữ sản phẩm và cải thiện giá bán, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, song song với việc xây dựng kênh phân phối sản phẩm và tổ chức hoạt động cung ứng đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho người sản xuất; trong đó chủ động kênh phân phối thích hợp cho mỗi ngành sản phẩm từ nhà sản xuất đến nhà phân phối và người tiêu dùng nhằm giảm thiểu trung gian, giảm chi phí là cần thiết, thông qua các hợp đồng cung ứng hàng hóa theo đơn đặt hàng có sự chứng giám của chính quyền địa phương...
Bên cạnh các giải pháp về tăng cường nguồn lực cụ thể, ông Sơn cũng cho biết Bến Cát đang đề ra các giải pháp thuộc về chính sách gắn với từng đề án cụ thể hỗ trợ cho chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, thành công của dự án có vai trò rất lớn của các cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở, lãnh đạo chính quyền, tổ chức đoàn thể quán triệt nhận thức đúng đắn về chủ trương xây dựng xã NTM; đồng thời lãnh đạo kiện toàn hệ thống tổ chức chính trị cơ sở, tăng cường năng lực hoạt động của các tổ chức giải thích vận động người dân tích cực tham gia chương trình này.
Hòa Nhân