Phát triển nông nghiệp sạch: Cần sự chung tay
(BDO)
Mô hình trồng rau trong nhà lưới theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch tại Trang trại Chiến Thắng (huyện Phú Giáo). Ảnh: THOẠI PHƯƠNG
Còn không ít khó khăn
Thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và Quyết định số 3265/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã có những chuyển biến tích cực.
Bên cạnh những chính sách của Trung ương, thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản an toàn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, những trang trại thực hành sản xuất tốt theo hướng VietGAP, hợp tác xã trồng rau an toàn và nhiều cơ sở chế biến nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh hiện có trên 580 ha trồng trọt theo hướng hữu cơ, gồm 250 ha cây có múi, hơn 25 ha cây rau, còn lại là các cây ăn quả khác.
Tại hội thảo, nội dung được tập trung thảo luận là yêu cầu cần thiết và những giải pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Thời gian qua, nền nông nghiệp tỉnh nhà có bước phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, các doanh nghiệp và người sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân được xác định là do quy mô sản xuất của nhiều doanh nghiệp, người sản xuất nông nghiệp trong tỉnh còn nhỏ nên hợp đồng tiêu thụ không ổn định.
Khó khăn nữa là thị trường tiêu thụ chưa phân biệt rõ giữa sản phẩm ứng dụng công nghệ cao bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và sản phẩm thông thường, nên việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế.
Ông Nguyễn Thanh Kiên, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp ổi Thanh Kiên (ấp Bố Lá, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo), cho biết hiện nay đời sống người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, an toàn ngày càng tăng. Điều này đòi hỏi hoạt động sản xuất phải điều chỉnh, chuẩn hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của xã hội. Chính vì vậy, ngay từ khi mới thành lập, HTX đã xác định sản xuất theo hướng hữu cơ, nói không với phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, chỉ bón phân chuồng ủ mục và chế phẩm vi sinh.
Đến nay, HTX đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi 18 ha đất trồng ổi theo mô hình sản xuất hữu cơ. Thời gian đầu tuy sản lượng ổi chưa cao do đang trong quá trình thử nghiệm nhưng HTX vẫn gắn bó với loại cây trồng này. HTX mong muốn cung ứng sản phẩm an toàn chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.
Cần sự phối hợp tốt
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cho biết nông nghiệp hữu cơ là một nền nông nghiệp bền vững. Canh tác nông nghiệp hữu cơ sẽ cải thiện và duy trì cảnh quan tự nhiên, hệ sinh thái nông nghiệp, tránh việc khai thác quá mức và gây ô nhiễm cho các nguồn lực tự nhiên; giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các nguồn lực không thể tái sinh; sản xuất đủ lương thực có dinh dưỡng, không độc hại và có chất lượng cao.
Nông nghiệp hữu cơ còn bảo đảm duy trì và gia tăng độ màu mỡ lâu dài cho đất, củng cố các chu kỳ sinh học trong nông trại, đặc biệt là các chu trình dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng dựa trên việc phòng ngừa thay cho cứu chữa, đa dạng các vụ mùa và các loại vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn liền với việc phát triển nền nông nghiệp sạch, tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất nông nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi hàng hóa, áp dụng khoa học - kỹ thuật… Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp chú trọng hiện đại hóa công tác chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, cần chú trọng tới việc thay đổi nhận thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng đối với sản phẩm sạch.
Theo ông Nghĩa, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, trong thời gian tới Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với nông dân; thiết lập và duy trì được mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân trong chia sẻ thông tin thị trường, kỹ thuật, kiến thức, chất lượng sản phẩm, cung cấp các dịch vụ giống, phân bón và các dịch vụ khác.
Cùng với đó, Nhà nước, doanh nghiệp, người nông dân có các giải pháp tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng địa phương gắn với phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng. Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà kinh doanh.
THOẠI PHƯƠNG