Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái

Thứ sáu, ngày 04/09/2020

(BDO) Chương trình hành động phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch sinh thái của huyện Phú Giáo giai đoạn 2016-2020 là một hướng đi đúng đắn, có tầm nhìn chiến lược, lâu dài. Chương trình này vừa tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, vừa bảo đảm sự phát triển bền vững của huyện trong tương lai.

 Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kín mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo)

 Nông nghiệp phát triển

Sau 5 năm thực hiện Chương trình hành động phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2016-2020, ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Giáo tiếp tục phát triển đúng định hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp huyện tăng bình quân 5,52%/năm.

Trên địa bàn huyện có tổng diện tích cây lâu năm đạt 37.614 ha (tăng bình quân hàng năm là 0,25%). Cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích cây hàng năm, tăng diện tích cây công nghiệp lâu năm ở những khu vực thổ nhưỡng phù hợp. Bên cạnh phát triển cây chủ lực là cao su, huyện còn hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung ven sông, suối. Cây cam, bưởi da xanh, quýt và chanh giấy không hạt là các loại cây ăn trái chủ lực của huyện, với diện tích khoảng 1.300 ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 75 triệu đồng/ha đất canh tác/ năm. Riêng vùng cây ăn trái nói chung và cây ăn trái ven sông Bé nói riêng có giá trị sản xuất đạt từ 500 triệu đồng trở lên tùy theo thời vụ và sự biến động của giá cả thị trường. Ngoài ra, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ do Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I làm chủ đầu tư với quy mô lớn cũng là địa điểm thu hút khách tham quan đến học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng cây ăn trái và tạo việc làm cho lao động tại địa phương.

Hiện trên địa bàn huyện, các trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến được người dân mạnh dạn đầu tư, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và từng bước góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thúc đẩy kinh tế huyện tiếp tục tăng trưởng ổn định. Bên cạnh đó, chăn nuôi theo quy mô trang trại tập trung trên địa bàn huyện đã và đang phát triển mạnh, đặc biệt là hình thức chăn nuôi gia công cho các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hộ gia đình trong huyện cũng đang dần chuyển sang chăn nuôi với quy mô trang trại tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Khai thác tiềm năng du lịch

Phú Giáo hiện có 34 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với hơn 400 phòng, trong đó có 6 cơ sở đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, công nhận đạt tiêu chuẩn.

Các điểm du lịch tiềm năng của huyện hiện có, như: Khu du lịch sinh thái Suối Rạc thuộc địa bàn xã An Bình, di tích cầu sông Bé, Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên thuộc ấp Cây Khô, xã Tam Lập… Ngoài ra, huyện còn có 3 di tích cấp tỉnh là Dinh tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành (Nhà truyền thống hiện nay), cầu gãy Phước Hòa và chùa Bửu Phước (xã Phước Hòa). Tuy nhiên, trong thời gian qua, các điểm du lịch này chưa hoạt động ổn định. Khu du lịch Suối Rạc có dự án đầu tư khai thác đá, gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, khu du lịch Hang Cọp đã được đầu tư và đã đi vào hoạt động nhưng sau đó tạm ngừng do ít khách đến tham quan… Theo UBND huyện Phú Giáo, huyện đã tổ chức khảo sát khu đất phát triển khu du lịch sinh thái Suối Rạc thuộc địa bàn xã An Bình và phương án thu hồi đất để đầu tư xây dựng quần thể khu di tích cầu sông Bé trên địa bàn xã Vĩnh Hòa và Phước Hòa.

Địa phương tiếp tục triển khai chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến, xây dựng nông thôn mới, đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh nhằm xây dựng lĩnh vực nông nghiệp của huyện phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, có khả năng cạnh tranh cao.

Huyện cũng liên kết với các công ty du lịch để thu hút du khách đến vừa tham quan, nghỉ dưỡng, vừa trải nghiệm cuộc sống trong không gian nông thôn; kết hợp nông nghiệp công nghệ cao với du lịch qua những dịch vụ như mua, bán sản phẩm nông nghiệp tại chỗ, cung cấp dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí… Cùng với đó, địa phương sẽ xây dựng chương trình phát triển du lịch sinh thái tại các khu nông nghiệp công nghệ cao hiện có gắn với việc khai thác du lịch trên lòng hồ Phước Hòa.

Để thực hiện tốt kế hoạch nói trên, trước mắt huyện sẽ xây dựng thêm một số mô hình thí điểm, như trang trại sinh thái dọc sông, suối... Có thể xem đây là một giải pháp phát triển du lịch, góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo cho người dân nông thôn. Huyện cũng thực hiện giải pháp kết hợp du lịch sinh thái với du lịch tham quam di tích lịch sử - văn hóa, du lịch tâm linh…

 THOẠI PHƯƠNG