Phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng công nghệ cao
(BDO) Mặc dù ngành nông nghiệp của tỉnh chỉ chiếm tỷ trọng hơn 3% trong cơ cấu kinh tế, nhưng thời gian qua, Bình Dương luôn chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp và gặt hái được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Trong đó, điểm chú ý là các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo nguồn thu nhập cao cho người dân vùng nông thôn.
Trang trại gà công nghệ cao của ông Đinh Ngọc Khương ở xã An Bình, huyện Phú Giáo cho doanh thu đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm
Nhân rộng
Trong giai đoạn 2017- 2020, tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng CNC, phát triển các vùng chuyên canh cây cao su, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị ở các huyện phía bắc. Cùng với đó đẩy mạnh ứng dụng các giống năng suất và chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh cho các đối tượng cây trồng chủ lực, như: Cao su, hồ tiêu, cam, quýt, bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, măng cụt, rau, hoa… Hiện, toàn tỉnh có trên 580ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ đối với các loại cây trồng, gồm 250ha cây có múi, hơn 25ha cây rau và 258ha cây ăn quả khác.
Ngoài ra, trong tỉnh cũng đã hình thành các khu nông nghiệp (KNN) CNC như: KNN CNC Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên); KNNCNC tại xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo); KNN CNC tại xã Vĩnh Tân (TX.Tân Uyên) và KNN CNC An Thái (huyện Phú Giáo). Quy hoạch các khu vực sản xuất theo quy mô tạo điều kiện cho việc tập trung các nguồn lực, tư liệu sản xuất góp phần thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp CNC. Điển hình như KNN Unifarm là cánh chim đầu đàn về nông nghiệp CNC ở Bình Dương. Unifarm là đơn vị sản xuất, kinh doanh tiêu biểu của tỉnh trong ngành nông nghiệp. Unifarm sẵn sàng chuyển giao công nghệ, giúp bà con nông dân chuyển hướng cây trồng, đồng thời sẵn sàng bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân có tâm huyết phát triển mô hình nông nghiệp CNC.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc ứng dụng CNC trong sản xuất các loại cây trồng có giá trị như dưa lưới, cây có múi, chuối được các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư thâm canh, thiết kế hệ thống tưới phun tự động, nhỏ giọt, trồng cây theo phương pháp thủy canh, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đem lại năng suất, chất lượng sản phẩm cao nhất. Đến nay, toàn tỉnh có 75 cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích khoảng trên 500ha. Qua đó, giá trị bình quân sản xuất nông nghiệp đạt gần 100 triệu đồng/ha/năm; một số mô hình trồng bưởi ứng dụng CNC có thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/ha/năm.
Bên cạnh hiện đại hóa quy trình trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng có bước chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại tập trung ứng dụng CNC, liên kết theo chuỗi, bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Nhiều công ty, trang trại và hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến đạt tiêu chuẩn châu Âu vào sản xuất chăn nuôi, như: Máng ăn, máng uống tự động, công nghệ sau thu hoạch, con giống năng suất cao, hệ thống chuồng lồng, chuồng sàn, hệ thống làm mát và sưởi ấm… đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh có khoảng 912.000 con, trong đó chăn nuôi ứng dụng CNC chiếm trên 60%; tổng đàn gia cầm có khoảng 13,9 triệu con, trong đó chăn nuôi ứng dụng CNC chiếm trên 70%. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, tổng đàn heo tăng trung bình khoảng 9%/năm; tổng đàn gia cầm tăng trung bình khoảng 7%/ năm. Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về việc thực hiện xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên gia cầm để hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Cụ thể, tỉnh có 5 vùng chăn nuôi được Cục Thú y công nhận là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh cúm gia cầm, bệnh Niu-cát-xơn trên gà.
Như vậy có thể thấy hiệu quả của mô hình nông nghiệp CNC đã có sự lan tỏa trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với nông nghiệp, tạo nền tảng cho nông nghiệp hội nhập.
Chính sách hỗ trợ tích cực
Hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, trong đó khuyến khích sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ. Trên cơ sở các chính sách của Chính phủ, Bình Dương cũng ban hành chính sách, chủ trương thể hiện quyết tâm của tỉnh đối với việc phát triển nông nghiệp CNC, như: Quyết định 3485 về việc phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 09 về quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh Bình Dương…
Cụ thể, các mô hình đầu tư sản xuất ứng dụng CNC được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, hạn mức vay ưu đãi từ 80 - 90% tùy theo quy mô của phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng CNC. Sản xuất nông nghiệp CNC đòi hỏi nguồn vốn lớn và ổn định nên việc ban hành chính sách này của tỉnh đã tạo điều kiện cho các chủ thể khởi nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp CNC có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng.
Song song với việc triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do Trung ương ban hành, tỉnh nhà cũng đã vận dụng các chính sách của Trung ương để ban hành các chính sách đặc thù của địa phương như hỗ trợ VietGAP, vay vốn, tiêm phòng miễn phí…, qua đó đã góp phần tác động tích cực trong thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Song hành với những lợi ích thiết thực mang lại cuộc sống ổn định, tăng thu nhập cho người dân, hạn chế sự phụ thuộc vào con giống, thời tiết, dịch bệnh, sản xuất nông nghiệp CNC đem đến hiệu quả kinh tế rõ nét, tạo ra nguồn sản phẩm ổn định và vượt trội về số lượng lẫn chất lượng. Nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch, nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic, VietGAP, GlobalGAP đang và sẽ là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi diện mạo mới cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Ông Lê Quốc Hải, Giám đốc Hợp tác xã Rau sạch Gia đình (phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một): Hiện với tổng diện tích nông trại gần 3ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hợp tác xã chủ động áp dụng các biện pháp trồng, chăm sóc theo VietGAP giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Ngoài ra, để bảo đảm các điều kiện an toàn cho sản phẩm, trong quá trình sản xuất, nông trại có sự hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh. Nông trại hiện đang cung cấp sản phẩm cho hơn 30 cửa hàng và trường học, hơn 15 cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp CNC Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo): Hợp tác xã hiện có 45 thành viên với 12ha nhà kín trồng dưa lưới CNC. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến trồng dưa lưới trong nhà kín nên sản phẩm của hợp tác xã đạt được chất lượng cao và được công nhận đạt chuẩn VietGAP, tiêu thụ ổn định trên thị trường cả nước. Mặt khác, nhờ ứng dụng CNC đã giảm thiểu nhiều rủi ro ảnh hưởng từ dịch bệnh, khí hậu, năng suất tăng lên 30% so với canh tác truyền thống. |
THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC