Phát triển ngành chăn nuôi: Bám sát nhu cầu thị trường
Ngành chăn nuôi đang thu hút nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia. Tuy nhiên, thông tin về thị trường nếu không được dự báo và cập nhật thường xuyên thì người chăn nuôi sẽ rơi vào khó khăn, thậm chí phá sản.
(BDO)
Nhiều thách thức với ngành chăn nuôi
Đại diện Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2017, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của cả nước đạt trên 230.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng đạt 3,05% so với năm 2016. Còn theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong tháng 1-2018 đạt 336 triệu USD, tăng 48,02% so với tháng trước và tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2017. Việc nhập khẩu sản phẩm đầu vào cho ngành chăn nuôi tăng mạnh cho thấy, tổng đàn gia súc, gia cầm trong nước tăng, làm dấy lên lo ngại sản phẩm chăn nuôi lại phải kêu gọi “giải cứu” như năm 2017.
Khách hàng mua thịt tại siêu thị Co.opmart Bình Dương. Ảnh: TIỂU MY
Tại Bình Dương hiện có 934 trang trại, trong đó trồng trọt có 161 trang trại, chăn nuôi 764 trang trại, thủy sản 9 trang trại; bên cạnh đó là 4 khu nông nghiệp công nghệ cao. Trong số các trang trại trên địa bàn có 120 trang trại chăn nuôi gà với tổng đàn trên 4,764 triệu con, 5 trại nuôi vịt với tổng đàn trên 41.000 con, 117 trang trại chăn nuôi heo với tổng đàn gần 402.000 con… Dịp Tết Mậu Tuất 2018, giá gia cầm trên địa bàn tương đối ổn định, cụ thể gà thả vườn 67.000 - 80.000 đồng/kg, vịt thịt 32.000 - 50.000 đồng/kg…
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 1-2018, gia cầm trong cả nước tiêu thụ ổn định, dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả nên đàn gia cầm tiếp tục phát triển, mở rộng với quy mô lớn, theo hình thức gia trại, trang trại. Ước tính, tổng đàn gia cầm của cả nước trong tháng 1-2018 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Với thịt heo, thị trường thịt heo trên cả nước tết vừa qua cho thấy cung vượt cầu dẫn đến dội hàng, giá thấp; ngày 30 tết giá heo mảnh ở chợ sỉ chỉ 15.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá thành. Theo các chuyên gia, nếu các đơn vị chăn nuôi chủ động giảm đàn từ khi xảy ra khủng hoảng giá vào đầu năm 2017 thì tết vừa qua đã cân đối được cung cầu, giá về mức hợp lý. Với mức giá này, các trang trại nuôi quy mô nhỏ sẽ bị lỗ nặng. Thêm vào đó, nhiều sản phẩm thịt gia cầm nhập khẩu lại có giá thấp hơn so với thịt gia cầm trong nước. Cụ thể, hiện nay giá thịt gà nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam chỉ ở mức 17.000- 20.000 đồng/kg, trong khi ở Việt Nam đã có nhiều trang trại đạt trình độ chăn nuôi gà không thua kém gì nhiều nước khác nhưng giá thành gà vẫn ở mức 25.000 - 26.000 đồng/kg.
Lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ cho hay, gà Mỹ nhập vào Việt Nam với giá 19.000 đồng/kg và bán ra thị trường chỉ 23.000 đồng/kg, rẻ bằng nửa giá gà trong nước và gần bằng một phần tư giá bán cho người tiêu dùng tại Mỹ. Cũng tương tự như thịt gà, lý giải về việc giá thịt bò Mỹ và Úc nhập khẩu về Việt Nam rẻ hơn so với thịt bò trong nước, các nhà quản lý cho rằng vì có những loại thịt thị trường Việt Nam ưa chuộng nhưng thị trường nước ngoài không chuộng - thịt bò là loại thịt đỏ không được tiêu thụ nhiều ở nước ngoài.
Hiện nay, nhiều sản phẩm chăn nuôi đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Mặc dù vậy, để các sản phẩm này có thể xuất khẩu ổn định vẫn còn là vấn đề nan giải. Theo Đề án “Phát triển chuỗi sản xuất động vật, sản phẩm động vật để xuất khẩu” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017, bộ đã hoàn thành xây dựng chuỗi thịt gà chế biến chín xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản và từ năm 2018 tiếp tục mở rộng sang thị trường châu Á, châu Âu. Đối với thịt heo, dự kiến đến hết năm 2020 xây dựng được một số chuỗi sản xuất thịt heo chế biến chín xuất sang Đông Nam Á, châu Á, châu Âu… Trong khi chờ Nhà nước tiếp tục có sự hỗ trợ về cơ chế chính sách để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, các nhà sản xuất cần bám chặt nhu cầu thị trường để ổn định sản xuất.
Giải quyết “điệp khúc” cung vượt cầu
Câu chuyện về nguồn cung gia cầm vượt quá cầu trong quý 4-2017 tại huyện Bàu Bàng là bài học cho các nhà quản lý, người chăn nuôi. Tháng 9-2017, giá trứng gia cầm tại huyện Bàu Bàng chỉ còn 1.100 đồng/trứng. Không chỉ có trứng, giá gà giống cũng giảm mạnh, chỉ còn 3.500 đồng/con giống, giảm 2.000 đồng/con so với trước đó. Với mức giá giảm mạnh, thời điểm đó nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện rơi vào cảnh điêu đứng.
Ghi nhận cho thấy, thời điểm sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, giá trứng gà trên thị trường tỉnh đã có dấu hiệu phục hồi nhưng người nuôi vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Bởi hiện tại, trứng gà công nghiệp loại 1 giá bán chỉ 1.400 đồng/trứng, loại 2 là 1.100 đồng/trứng, trong khi đó giá thành sản xuất khoảng 1.300 đồng/trứng (chưa tính chi phí nhân công chăm sóc, các yếu tố phát sinh khác). Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ có nhiều hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh chịu cảnh thua lỗ. Chị Nguyễn Thị Âu, ở xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng chia sẻ, gia đình chị đang chăn nuôi gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn gần 6.000 con. Do giá gà giảm mạnh gia đình chị đang giảm dần số lượng đàn, chị đang lo số tiền đầu tư hơn 1 tỷ đồng vào đàn gia cầm sẽ khó thu hồi được.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các mô hình gia trại, trang trại đa dạng về đối tượng và chất lượng đàn gia súc, gia cầm ngày càng tăng. Tuy vậy, người chăn nuôi cần nắm rõ thị trường để tránh tình trạng cung vượt quá cầu. Mặc dù nhiề
Khách hàng mua thịt tại siêu thị Co.opmart Bình Dương Ảnh: TIỂU MYu chuyên gia có dự báo tích cực về thị trường chăn nuôi năm 2018, đặc biệt là đối với thịt heo, song ngành chăn nuôi cần cập nhật đầy đủ thông tin thị trường để có thể phát triển bền vững.
TIỂU MY