Phát triển logistics thông minh xứng tầm
(BDO) Là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương có lợi thế về vị trí địa lý như liền kề với TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai, đồng thời là cửa ngõ của các tỉnh khu vực Tây nguyên… Nhiều năm qua, Bình Dương luôn nằm trong tốp đầu cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đây là điều kiện và cơ hội để tỉnh phát triển nhiều ngành nghề, trong đó có ngành dịch vụ logistics.
Thời gian qua, Bình Dương quan tâm phát triển khá đồng bộ hạ tầng logistics, đó là hệ thống cảng sông như cảng An Sơn, Thạnh Phước, Bà Lụa, hệ thống cảng cạn như ICD Sóng Thần và Cụm cảng - Trung tâm Logistics Dĩ An. Cùng với đó là hệ thống kho bãi hàng hóa phong phú, hiện Bình Dương có 50 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực logistics, cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các doanh nghiệp trong tỉnh và khu vực. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt năng lực trong quá trình kinh doanh và hội nhập, xây dựng được hình ảnh, thương hiệu đối với nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tỉnh đang triển khai thực hiện kế hoạch phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025. Theo đó, Bình Dương tập trung phát triển hạ tầng logistics, đặc biệt là xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ. Cùng với đó, Bình Dương tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các cảng cạn, cảng sông nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Mới đây, Bình Dương đã thành lập Hiệp hội Logistics, đây là tiền đề để phát triển toàn diện hệ thống logistics. Theo đó, mỗi doanh nghiệp logistics với chức năng khác nhau sẽ phát huy cao nhất chức năng; đồng thời bảo đảm tính liên thông, tăng hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp logistics thành viên.
Để phát triển logistics, hướng tới logistics thông minh phục vụ việc xây dựng Bình Dương trở thành thành phố thông minh, trước hết cần phải có sự đột phá trong đổi mới công tác quản lý nhà nước, đổi mới tổ chức, hoạt động và cơ chế, chính sách về đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại, hạ tầng công nghệ thông tin, phù hợp thực tiễn và xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, cần rà soát quy hoạch, xây dựng các trung tâm logistics kết nối hiệu quả với các hệ thống cảng biển, đường giao thông trong nước và khu vực tạo thành những tuyến, luồng vận chuyển hàng hóa thuận lợi, hiệu quả cao. Ngoài ra, cần khơi thông nguồn lực, phát triển thị trường cho logistics, tạo điều kiện để doanh nghiệp dịch vụ logistics phát triển, bắt kịp trình độ của thế giới, phấn đấu để Bình Dương trở thành trung tâm logistics của khu vực Đông Nam bộ
NHẬT HUY