Phát triển Logistics: Bình Dương có nhiều nỗ lực

Thứ tư, ngày 25/11/2015

Vừa qua, diễn đàn Logistics lần thứ 3 đã được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh. Tại diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà quản lý đã cùng nhau nhìn nhận lại hoạt động chuyên chở, lưu giữ và cung cấp hàng hóa (logistics) của các doanh nghiệp (DN) trong nước trong thời gian qua. Với tỉnh Bình Dương, nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực logistics cần có sự điều chỉnh, khi đây là một trong 3 địa phương có hoạt động kho bãi, vận chuyển… mạnh nhất cả nước.


Hoạt động logistics tại kho cảng ICD TBS - Tân Vạn.
Ảnh: XUÂN VĨ

DN logistics trong nước còn yếu

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho rằng ngành logistics ở nước ta hiện nay còn bộc lộ nhiều yếu kém. Những năm qua chi phí logistics của Việt Nam vẫn chiếm đến 20- 25% GDP của cả nước, gây lãng phí nhiều nguồn lực trong nước. Do vậy, việc giảm chi phí logistics sẽ giúp nền kinh tế nước ta tăng sức cạnh tranh trong môi trường hội nhập.

Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, sự cạnh tranh về giá, hoạt động manh mún, chụp giật, làm thuê cho các công ty nước ngoài ngay trên sân nhà đang là tình trạng chung của các nhà cung cấp dịch vụ logistics trong nước. Hiện Việt Nam có khoảng 1.300 doanh nghiệp (DN) logistics, chủ yếu làm nhiệm vụ giao nhận, vận tải, kho bãi, bốc xếp, phân phối, thủ tục hải quan… Trong đó, các công ty điều phối logistics nước ngoài chỉ có khoảng 25 DN hoạt động nhưng lại chiếm 80% thị phần; còn lại là DN logistics trong nước, chỉ chiếm khoảng 20% thị phần. Điều đáng nói là có đến 72% DN logistics trong nước là DN vừa và nhỏ (quy mô vốn từ 4 - 6 tỷ đồng); chỉ có 5 - 7% nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, còn lại là do DN tự đào tạo.

Tỉnh Bình Dương là một trong 3 trung tâm lớn nhất nước về hoạt động kho cảng, bãi tiếp nhận hàng hóa; trong đó có trung tâm tiếp vận Schenker Gemadept, trung tâm Gemadept Sóng Thần và trung tâm kho vận đa năng DAMCO (Bình Dương). Tuy vậy, các kho bãi cụm cảng đang hoạt động hiệu quả, tăng trưởng mạnh và chiếm thị phần lớn tại TX.Thuân An, TX.Dĩ An đều đến từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo các nhà chuyên môn, tỉnh Bình Dương nên có sự điều chỉnh hợp lý khi đây là trung tâm công nghiệp và phân phối hàng hóa lớn của cả nước. Bên cạnh đó, các DN liên quan logistics cần chủ động hơn nữa trong việc thay đổi cung cách hoạt động để đón chào sân chơi mới khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia có hiệu lực.

Bình Dương thực hiện tốt bước chuẩn bị

Thực hiện đúng cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bình Dương đã hoàn toàn mở cửa với ngành logistics. Ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An, cho biết đến nay thị xã đã thu hút 36 DN đầu tư vào lĩnh vực logistics. Trong đó, có nhiều DN làm dịch vụ trọn gói với quy mô diện tích và vốn đầu tư rất lớn như Công ty TNHH Mapletree (Singapore), Công ty kho vận Miền Nam...

UBND tỉnh cũng đã nhanh chóng quy hoạch và xây dựng hệ thống kho bãi phục vụ cho nhu cầu hội nhập. Hiện Bình Dương đã xây dựng dự án Cụm cảng trung tâm logistics Tân Vạn, đang tiến hành mở rộng cảng An Sơn tại TX.Thuận An. Bên cạnh đó là hệ thống kho cảng đang hoạt động hiệu quả như ICD Sóng Thần 2, ICD TBS - Tân Vạn… Bước chuẩn bị đã được Bình Dương thực hiện rất chu đáo, việc còn lại là sự quyết tâm và nỗ lực của mỗi DN.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, cho biết có nhiều yếu tố gây cản trở sự phát triển của logistics, giảm sức cạnh tranh của DN tại Bình Dương. Đó là sự bất hợp lý trong việc vận hành hệ thống cảng tại Việt Nam nói chung, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng lên gần ba lần; cùng với đó là sự bất cập về cơ sở hạ tầng, về vận chuyển quốc tế và phụ phí vận chuyển quốc tế trong mùa cao điểm thường bị các hãng tàu tăng cao.

Điều dễ nhận thấy là các DN trong nước hoạt động logistics tại Bình Dương thường nhận vận chuyển hàng hóa một chiều. Vì thế, khi giao, nhận hàng xe vận tải thường đi xe không trở về, gây sự lãng phí rất lớn về thời gian, chi phí xăng dầu, phí cầu cảng; qua đó làm yếu đi sự cạnh tranh của mỗi DN. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các DN vận tải, kho bãi còn rời rạc và chưa chuyên nghiệp.

Một số DN logistics kiến nghị, tỉnh Bình Dương nên đầu tư mở rộng đường bộ tại Cụm cảng Tân Vạn (phường Bình Thắng, TX.Dĩ An) nối Bình Dương với Đồng Nai. Nơi đây hiện có mặt đường khá hẹp, lại đi qua trạm thu phí nên tình trạng ùn tắc diễn ra thường xuyên, làm mất rất nhiều thời gian của DN.

Các chuyên gia đánh giá, Bình Dương đang có nhiều triển vọng trở thành một trung tâm logistics của cả nước, khi nơi đây hệ thống đường bộ, kho bãi, cụm cảng được đầu tư bài bản. Việc cần làm của Bình Dương hiện nay là điều chỉnh, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan. Bản thân của mỗi DN hoạt động trên địa bàn tỉnh cũng cần ý thức rằng, sân chơi thế giới ngày càng lan tỏa, nên việc thay đổi để thích ứng với bối cảnh hội nhập là việc làm sống còn của mỗi DN. Đặc biệt là theo dự báo trong thời gian tới, dòng vốn FDI đổ vào ngành logistics của Bình Dương sẽ tăng đột biến.

 

XUÂN VĨ