Phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn - Kỳ 2
(BDO) Kỳ 2: Khơi thông dòng chảy
Chương trình 23-CTr/TU của Tỉnh ủy về bảo vệ môi trường (BVMT) tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015 (Chương trình 23 của Tỉnh ủy) đã đề ra 3 mục tiêu chính: phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; cải thiện chất lượng môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học. Chương trình có phạm vi rộng, trực tiếp ảnh hưởng đến từng doanh nghiệp, người dân và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo định hướng quy hoạch không gian phía nam của tỉnh, quy mô không gian gồm khu vực TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An và một phần của TX.Bến Cát sẽ phát triển du lịch nhanh và mạnh. Trong ảnh: Khu du lịch xanh Dìn Ký Thuận An. Ảnh: XUÂN THI
Trên cơ sở kết quả đạt được từ Chương trình 23 của Tỉnh ủy, tỉnh Bình Dương đang tiếp tục xây dựng Chương trình BVMT tỉnh giai đoạn 2015- 2020. Chương trình sẽ dựa trên định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 của UBND tỉnh, TP.Bình Dương sẽ trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ lớn của cả nước. Theo kế hoạch, đến năm 2020 thương mại - dịch vụ sẽ chiếm 45% tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của Bình Dương. Còn theo định hướng của tỉnh, các vùng ven sông Sài Gòn (TX. Thuận An, TP.Thủ Dầu Một và TX.Bến Cát) sẽ có nhiều cơ hội hơn trong phát triển kinh tế theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường; trong đó các mảng thương mại, dịch vụ, du lịch làm chủ lực.
Định hướng đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 cũng chỉ rõ tỉnh Bình Dương sẽ thành đô thị loại 1, trực thuộc Trung ương. Cơ cấu kinh tế của Bình Dương trong tương lai sẽ chuyển dịch sang thương mại - dịch vụ - du lịch. Đến năm 2020, dự kiến thương mại - dịch vụ - du lịch sẽ chiếm 45% GDP tỉnh. Ven sông Sài Gòn lấy TX.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một làm trung tâm sẽ trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch mang tầm vóc khu vực.
Đẩy mạnh cải cách hành chính
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch-Đầu tư, năm 2014, trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh có 5 chỉ số tăng điểm là chỉ số gia nhập thị trường tăng 1,63 điểm, đào tạo lao động tăng 0,76 điểm, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tăng 0,71 điểm, tính minh bạch tăng 0,32 điểm, chi phí thời gian tăng 0,1 điểm. Bên cạnh đó, đầu tháng 4-2015, Văn phòng đất đai tỉnh chính thức hợp nhất, rút ngắn được thời gian trao giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai cho các DN hoạt động. Tiếp đến, đầu tháng 5-2015, UBND tỉnh tiếp tục giao Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài nguyên - Môi trường cùng phối hợp một cách nhịp nhàng, đồng bộ trong việc cấp phép, chứng nhận đầu tư cho DN. Đó là những bước đi mới nhất của tỉnh giúp các DN dễ dàng hơn trong việc xây dựng cơ sơ hạ tầng.
Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc nâng cao cầu sắt Bình Lợi, cầu Phú Long sẽ giúp khơi thông đường thủy, tạo đà không những ngành du lịch phát triển mà còn mở rộng cơ hội cho ngành thương mại - dịch vụ tăng tốc góp phần vào sự phát triển chung của TP.Bình Dương trong tương lai. Cầu Bình Lợi đã được khởi công, tuy cầu nằm ở khu vực TP.Hồ Chí Minh nhưng là cửa ngõ quan trọng đường thủy của Bình Dương nên các đơn vị liên quan sớm đôn đốc, nhiệt tình tham gia để dự án sớm hoàn thành giúp Bình Dương khai thác triệt để những tiềm năng mà sông Sài Gòn mang lại. |
Để tạo đà cho kinh tế ven sông Sài Gòn phát triển, cuối năm 2014 Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - TNHH MTV đã hoàn thành dự án cảng An Sơn với quy mô trên 45 ha, trong đó có 8,6 ha diện tích kho bãi và bến cầu cảng. Khu kho cảng có khả năng tiếp nhận xà lan từ 1.000 - 2.200 tấn. Bên cạnh đó là hệ thống khu dân cư tại chỗ trên 15 ha, vừa đáp ứng nhu cầu nhân lực tại chỗ cho hoạt động cầu cảng vừa tạo ra hệ thống phục vụ các dịch vụ lên quan đến kho bãi.
Trong khi đó, cảng Bà Lụa đang được triển khai. Với chức năng trở thành cảng hàng hóa - dịch vụ tổng hợp, cảng Bà Lụa được kỳ vọng sẽ tạo ra chuỗi kinh tế liên kết khép kín, bảo đảm nhu cầu trọn gói cho hoạt động logistics; không những tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh mà còn mở ra cơ hội việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn.
Riêng đối với ngành dịch vụ - thương mại - du lịch sẽ phát triển mạnh, vì tại Bình Dương còn được sự hỗ trợ tích cực của hệ thống ngân hàng thương mại, công ty tài chính hoạt động rầm rộ và không ngừng tăng trưởng nhanh, đáp ứng nhu cầu của các DN. Cùng với đó, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại Bình Dương đang thu hút nhiều DN, tập đoàn kinh tế lớn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản… với hệ thống trung tâm mua sắm sầm uất như Aeon, Lotte Mart, Metro… đang làm ăn phát đạt.
Ngành công nghiệp không khói sẽ lên ngôi!?
Theo quy hoạch, đến năm 2020 Bình Dương sẽ đón 6 triệu lượt khách, năm 2025 sẽ là 9 triệu lượt khách. Doanh thu ngành du lịch năm 2015 dự kiến đạt 2.200 tỷ đồng, đến năm 2020 là 4.450 tỷ đồng. Hiện tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển du lịch với tổng vốn nhu cầu giai đoạn 2016-2020 là 8.300 tỷ đồng, quỹ đất dành cho phát triển du lịch là 1.400 ha.
Còn theo định hướng quy hoạch không gian phía nam của tỉnh, quy mô không gian gồm khu vực TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An và một phần của TX.Bến Cát sẽ phát triển du lịch nhanh và mạnh. Sản phẩm du lịch chính của quy hoạch này gồm du lịch sinh thái (du lịch miệt vườn, du lịch sông nước), du lịch văn hóa (tham quan di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề, du lịch tâm linh, tín ngưỡng), vui chơi giải trí, du lịch cuối tuần, du lịch nghỉ dưỡng. Khu vực ưu tiên đầu tư là miệt vườn Lái Thiêu (TX.Thuận An) và ven sông Sài Gòn (TX. Bến Cát); trung tâm phát triển là du lịch dịch vụ TP.Thủ Dầu Một.
Tiến sĩ Phan Anh Tú, trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, đơn vị được tỉnh Bình Dương đặt hàng dự án Phát triển du lịch sinh thái, làng nghề tỉnh Bình Dương cho biết, điều đầu tiên là Bình Dương cần tập trung vào việc đầu tư quảng bá, xúc tiến với thị trường khách nước ngoài, chú trọng vào những nét văn hóa, sinh thái đặc thù của địa phương. Bên cạnh đó, Bình Dương nên tìm hiểu nhu cầu của thị trường để hướng đến việc lựa chọn mô hình du lịch hợp lý với đặc thù địa phương. Mặt khác, cần nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng khi tham gia vào phát triển du lịch Bình Dương: Họ là những người nông dân, chủ cơ sở sản xuất sản phẩm thủ công… và du lịch cần kết nối và phối hợp thực hiện với họ, mang lại nguồn lợi cho họ thì đó mới là du lịch bền vững. Một điều quan trọng nữa là cần phải thực hiện đồng bộ các loại hình du lịch như du lịch tâm linh - du lịch sinh thái - du lịch văn hóa và du lịch nghỉ dưỡng, du lịch học tập.
Kỳ cuối: Dòng sông xanh bên thành phố xanh
P.HIẾU - K.VINH