Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường: Con đường phát triển bền vững

Thứ ba, ngày 05/06/2018

Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường (BVMT) là vấn đề luôn được lãnh đạo tỉnh Bình Dương quan tâm. Dự kiến, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ chi hàng chục ngàn tỷ đồng để đẩy mạnh công tác BVMT. Hiện Bình Dương đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng môi trường, bảo đảm cho tỉnh phát triển bền vững.

(BDO)  

 Khu công nghiệp công nghệ cao tại Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

 Nhiều giải pháp BVMT

Có thể thấy, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa đang lan tỏa từ khu vực phía Nam về phía Bắc tỉnh nhà, cùng với quá trình tăng nhanh dân số cơ học đã tạo ra nhiều áp lực đối với công tác BVMT của Bình Dương. Trong điều kiện đó, để thực hiện tốt công tác BVMT, những năm qua nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực môi trường của Bình Dương tăng theo từng giai đoạn. Cụ thể, kế hoạch BVMT giai đoạn 2016- 2020 được tỉnh cụ thể hóa thành 23 nhiệm vụ, đề án trọng tâm và danh mục 14 dự án ưu tiên đầu tư cần triển khai thực hiện để nhằm đạt được các mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra. Tổng vốn đầu tư để thực hiện kế hoạch này là 12.174 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư và phát triển 4.232 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 68 tỷ đồng và vốn vay hỗ trợ phát triển chính chức (ODA) 7.874 tỷ đồng.

Hiện Bình Dương đã triển khai lắp đặt quan trắc nước thải tự động, camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động cho các nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 500 m3/ngày trở lên. Đến nay, đã có 72/93 nguồn thải đã lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động, kiểm soát được 78% tổng lưu lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành tài nguyên - môi trường tỉnh đã chủ động xác lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của tỉnh để tập trung xử lý nhằm khắc phục và cải thiện chất lượng môi trường. Hàng năm, tỉnh đều ban hành Danh mục cơ sởgây ô nhiễm môi trường đểtập trung xửlý. Đến nay, 268/269 cơ sở nằm trong danh sách cơ sởô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành khắc phục ô nhiễm, đạt tỷ lệ trên 99%.   

Hiện nay, chương trình phối hợp hành động về BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu đang có sự góp sức tích cực của các ngành, các đơn vị trong tỉnh, để cải thiện và giữ gìn môi trường sống ổn định, bền vững cho cộng đồng. Riêng trong năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức 30 lớp học tập huấn BVMT, tiết kiệm năng lượng, phân loại rác thải tại nguồn cho cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, nhiều dự án mới, nâng cấp, mở rộng hệ thống xử lý nước thải, cung cấp nước sạch… đã được triển khai tại các khu vực trọng điểm của tỉnh như TX.Dĩ An, TX.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một… Ông Phan Cao Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TX.Thuận An, cho biết hiện thị xã đang chuyển dần các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng di dời ra khỏi địa bàn khu dân cư. Bên cạnh đó, công tác nạo vét kênh, rạch, khơi thông dòng chảy, trục vớt lục bình… được địa phương duy trì thực hiện hàng năm.

Tại TX.Bến Cát, thời gian qua cũng đã dành nguồn kinh phí lớn để đầu tư cải thiện chất lượng môi trường sống. Ông Huỳnh Thư Lập, Phó Chủ tịch UBND TX.Bến Cát, cho biết các dự án về môi trường luôn được địa phương quan tâm, nhằm phòng tránh rủi ro sự cố về môi trường trên địa bàn. Có thể kể đến các dự án về môi trường như dự án nhà máy xử lý nước thải Bến Cát, dự án công viên cây xanh công cộng phường Thới Hòa, dự án trồng cây xanh không gian công cộng…

Hướng đến phát triển bền vững

Theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020 Bình Dương phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13%/năm, dân số dự kiến đạt 2,5 triệu người; toàn tỉnh có 31 khu công nghiệp với diện tích 11.463 ha và 13 cụm công nghiệp với diện tích 909 ha. Đến năm 2020, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân đầu người đạt 142,6 triệu đồng. Đặc biệt, Bình Dương sẽ trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại và là đô thị loại I trước năm 2020. Đó là cơ sở để Bình Dương đầu tư nhiều vốn thực hiện các dự án về môi trường nhằm nâng cao các tiêu chí về môi trường mà đô thị loại I bắt buộc phải đạt chuẩn.

Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31-8-2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT và Chỉ thị số 30/CT-UBND của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch BVMT tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 đang là “kim chỉ nam” cho Bình Dương trên con đường phát triển công nghiệp, đô thị. Năm 2018, tỉnh đầu tư gần 700 tỷ đồng vào các công trình, dự án trọng điểm về môi trường, rải đều tại 9 huyện, thị, thành phố và có sự tham gia rất tích cực của các sở, ban, ngành liên quan. Có thể kể đến như Đề án phân loại rác thải tại nguồn, Đề án phân vùng xả thải trên các kênh, rạch, sông, suối trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Đề án điều tra khảo sát lập dự án cải tạo hạ tầng cụm công nghiệp hiện hữu và cụm công nghiệp tự phát…

Theo các chuyên gia, việc Bình Dương chọn con đường phát triển bền vững cho thấy tầm nhìn đúng đắn của lãnh đạo tỉnh. Chọn theo hướng này có thể việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội có chậm lại đôi chút, nhưng bù lại môi trường được giữ ổn định và lâu dài. Có những nơi đánh đổi phát triển kinh tế bằng mọi giá để rồi để lại hậu quả rất khó giải quyết về môi trường, đồng thời gây bất ổn an ninh, trật tự xã hội. Thực tế quá trình phát triển công nghiệp, đô thị của Bình Dương hơn 20 năm qua cho thấy Bình Dương luôn nhất quán với quan điểm phát triển kinh tế là: “Không đánh đổi mọi giá để phát triển”. Hàng chục dự án với số vốn đầu tư lên đến hàng chục triệu USD đã được Bình Dương đưa ra khỏi danh sách mời gọi đầu tư chỉ vì các dự án này có thể gây ô nhiễm môi trường.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết để phục vụ tốt mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh nhà, công tác BVMT luôn luôn phải được đề cao và cần sự góp sức của cả cộng đồng. Các cơ quan, ban, ngành liên quan cần chủ động ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, bằng các giải pháp như: Ưu tiến bố trí dự án sản xuất công nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp tập trung; không tiếp nhận các dự án tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường; cùng với đó thực hiện tốt công tác hậu kiểm sau khi cấp giấy phép đầu tư; kiên quyết không cho các cơ sở mới chưa có hệ thống xử lý chất thải hoạt động. Đồng thời, các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình, giải pháp được giao trong Kế hoạch BVMT tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020.

 Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết chương trình thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương trong lĩnh vực môi trường được thực hiện theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2017-2020, giai đoạn 2 từ năm 2021-2025, giai đoạn 3 từ năm 2026-2030. Nội dung quan trọng trong đề án được ưu tiên là xây dựng trung tâm điều hành chung, trên cơ sở nâng cấp trạm điều hành trung tâm đang vận hành tại Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật tài nguyên - môi trường theo từng giai đoạn. Trạm điều hành sẽ đóng vai trò kết nối điều hành quan trắc các thành phần môi trường với nhau như nước thải, khí thải, nước mặt, nước ngầm. Trung tâm này sẽ là đầu mối để kết nối vào trung tâm điều hành thành phố thông minh của tỉnh.

Với mục tiêu ngăn ngừa và kiểm soát triệt để các thành phần ô nhiễm dựa vào các hệ thống kiểm soát tự động, chương trình nói trên cũng sẽ triển khai lắp đặt các trạm quan trắc tự động không khí; mở rộng mạng lưới quan trắc nước mặt, nước ngầm; lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng nước cấp tự động và xây dựng hồ chứa nước để tái sử dụng nước thải sau xử lý.

 PHÙNG HIẾU