Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
(BDO) Mới dây, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam thường niên (VBF) diễn ra với chủ đề “Cộng đồng DN đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh”. Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam đang chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, phát triển dựa vào kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, đồng thời xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, dựa vào khoa học công nghệ để phát triển đất nước.
Theo đó, tăng trưởng xanh là xu thế của thời đại, cũng là vấn đề toàn cầu, do đó phải kêu gọi đoàn kết, hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương trên tinh thần chân thành, tin cậy, hiệu quả. “Phát triển hôm nay nhưng phải nghĩ đến tương lai con cháu sau này; phát triển mang lại thu nhập cho người dân nhưng phải bảo đảm sức khỏe cho người dân”, Thủ tướng nói.
Báo cáo thường niên FDI năm 2022 với chủ đề tăng trưởng xanh và kinh tế số công bố vào ngày 10-3 vừa qua cũng cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực tăng trưởng xanh tăng 70% so với năm 2020. Những năm gần đây, nhận thức của cộng đồng DN về vai trò của mình trong chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh.
Trên thực tế, nhiều DN đã và đang lấy kinh doanh “xanh” là chiến lược và lợi thế cạnh tranh. Từ sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội, đến đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu chất thải và khí thải…
Những năm gần đây, Bình Dương nổi lên khi trở thành điểm đến sản xuất của nhiều dự án xanh. Nổi bật là dự án xanh của nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trong lĩnh vực đồ chơi Lego, tiếp đến là dự án nhà máy sử dụng 100% năng lượng tái tạo sản xuất đồ trang sức của Pandora. Gần đây nhất là Tập đoàn SEP (Hàn Quốc) cũng muốn đầu tư để thành lập Khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu carbon tại tỉnh…
Bình Dương đang tăng tốc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ 2020-2025 là phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Tỉnh tiếp tục xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường; chú trọng an sinh xã hội. Trong đó, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nhanh các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao; phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh...
Mặc dù việc phát triển kinh tế xanh của tỉnh mới chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu và không ít thách thức, cản trở cả địa phương và DN trên con đường phát triển xanh. Nhưng việc đặt mục tiêu tăng trưởng xanh từ sớm sẽ giúp Bình Dương tiếp tục định hướng trong thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ và giám sát hiệu quả các hoạt động của DN. Cùng với đó, DN sẽ phát triển bền vững, ngày càng được tín nhiệm và tôn trọng hơn.
NGỌC THANH