Phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh ở các tỉnh duyên hải miền trung
Thứ sáu, ngày 23/09/2011
Sáng 23-9, tại TP Hội An, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Tỉnh uỷ Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh ở các tỉnh duyên hải miền trung”.Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Hải, Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam nhấn mạnh: Hội thảo lần này là dịp để các cơ quan liên quan ở Trung ương và các địa phương trong khu vực trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Qua đó, giúp cho các nhà quản lý, hoạch định chiến lược phát triển; đồng thời có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát triển kinh tế biển đảo tạo nên bước đột phá đối với vùng kinh tế trọng điểm miền trung.Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe hàng chục tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học trên các lĩnh vực trình bày với các nội dung như: Phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo gắn với bảo vệ môi trường và an ninh quốc gia; tiềm năng và vấn đề đặt ra của kinh tế biển Việt Nam; tiếp tục nâng cao chất lượng dạy nghề cho nông dân vùng duyên hải miền trung; hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật để đẩy mạnh kinh tế biển, đảo kết hợp với đảm bảo quốc phòng an ninh - quốc phòng vùng duyên hải Nam Trung Bộ; phát triển nguồn nhân lực...Cũng tại hội thảo này, các đại biểu đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận một số nội dung liên quan đến phát triển kinh tế biển đảo như: nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo cho nhân dân; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền biển đảo, góp phần nâng cao nhận thức của cho tất cả các cá nhân, tổ chức, địa phương có biển, đảo và không có biển, đảo trong việc phát triển kinh tế biển, đảo. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn phát triển toàn diện và đạt hiểu quả cao, ngoài việc đổi mới tư duy, nhận thức về biển đảo, cần phải làm tốt công tác quy hoạch đảm bảo cho sự phát triển kinh tế biển, đảo một cách chủ động và có chiều sâu, mang tính bền vững; cần có cơ chế phối hợp, liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực. Đồng thời, sớm có chiến lược đào tào nguồn nhân lực, chú ý tổ chức đào tạo những ngành mới có nhu cầu cao trên cơ sở cân đối tỷ lệ đào tạo theo bậc và ngành nghề, đa dạng hoá phương thức và quy mô đào tạo nguồn nhân lực; tập trung giải quyết chu đáo vấn đề an sinh xã hội. Coi đây vừa là nền tảng, vừa là mục tiêu và là động lực đối với lộ trình hướng ra biển lớn hiệu quả và giữ gìn sự bình yên của đại dương theo hướng kết hợp hữu cơ kinh tế biển, đảo với kinh tế duyên hải, gắn đẩy mạnh phát triển kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng, an ninh. Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Vũ Văn Phúc,Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu rõ, theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020” đã xác định: Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp CNH - HĐH, làm cho đất nước giàu mạnh. Xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, làm cho đất nước giàu mạnh từ biển, bảo vệ môi trường biển. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp vào khoảng 53% đến 55% tổng GDP của cả nước. Giải quyết tốt vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước...Theo NDĐT