Phát triển khoa học công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo
(BDO) Phát triển khoa học và công nghệ 4.0 (KH&CN) gắn với đổi mới sáng tạo (ĐMST) nhằm góp phần xây dựng thành công thành phố thông minh Bình Dương, đồng thời tạo bứt phá trong thời đại công nghệ 4.0. GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng: “Bình Dương có đủ điều kiện và nền tảng để tiếp tục phát triển bứt phá trong thời gian tới”.
Để phát triển KH&CN và ĐMST, tỉnh đã đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong ảnh: Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại
Điểm sáng
Trong những năm qua, Bình Dương rất coi trọng việc phát triển KH&CN. Các thành tựu KH&CN của tỉnh đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy nhiều lĩnh vực như nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, bảo vệ tài nguyên - môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại địa phương. Tỉnh đã xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo trên địa bàn, cung cấp không gian sáng tạo, hiện đại cho cộng đồng khởi nghiệp đến làm việc…
Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương xem việc phát triển đô thị thông minh là một chiến lược, bước đột phá, đổi mới. Tỉnh đã đề ra chiến lược nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh ĐMST, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ KH&CN nhằm tạo sự bứt phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh: “Kế thừa những thành quả của tỉnh Sông Bé, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, được tạo điều kiện thuận lợi bởi các cơ chế, chính sách của Trung ương, Bình Dương đã lựa chọn những cách làm mới, đúng đắn, sáng tạo để trở thành một trong những địa phương phát triển thành công nhất cả nước. Những thành tựu Bình Dương đạt được trong 25 năm qua là điểm sáng, phản ánh sinh động, có ý nghĩa lịch sử công cuộc đổi mới của đất nước, với những quyết sách hệ trọng”.
GS-TS Nguyễn Xuân Thắng nhận định ĐMST luôn gắn với kỹ năng, tài năng và tri thức mới. Bình Dương cần thu hút tối đa nguồn lực cả ở trong và ngoài nước. Sự hiện diện của một số trường đại học công nghệ, kỹ thuật ở Bình Dương hiện nay là rất quan trọng, cần được tiếp tục nâng cấp, đồng thời Bình Dương cũng cần tiếp tục khuyến khích để có thêm nhiều trường đại học có chất lượng về với tỉnh. “Phát huy truyền thống “chung lưng đấu cật” giữa chính quyền và doanh nghiệp, Bình Dương sẵn có nền tảng để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các hệ sinh thái cho ĐMST, với sự tham gia của 3 nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà trường. Đặc biệt, sự năng động, tích cực và ĐMST của chính quyền địa phương là điểm sáng của Bình Dương, cũng là bài học quan trọng nhất giúp trả lời câu hỏi: Trong cùng một môi trường thể chế chính sách, với những điều kiện địa kinh tế tương đồng, có những địa phương phát triển bứt phá vượt lên, trong khi có những địa phương chững lại. Bình Dương có đủ điều kiện và nền tảng để tiếp tục phát triển bứt phá trong thời gian tới”, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Tăng cường kết nối, hợp tác
Một trong những giải pháp để phát triển KH&CN và ĐMST trong giai đoạn 2021-2025 của tỉnh là triển khai thực hiện các chính sách về KH&CN. Khuyến khích chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong sản xuất, kinh doanh, triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án KH&CN trọng điểm, tăng cường phổ biến, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế góp phần tích cực giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của tỉnh. Huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển KH&CN theo hướng xã hội hóa theo đơn đặt hàng của các tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới, coi trọng KH&CN cho các khâu trọng yếu, các chương trình ứng dụng, đưa tiến bộ khoa học vào thực tiễn. Đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho KH&CN, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, xây dựng mạng lưới thông tin KH&CN, đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao và đưa công nghệ thông tin vào quản lý.
Theo PGS-TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, để thúc đẩy phát triển KH&CN và ĐMST trên địa bàn của tỉnh giai đoạn 2021-2030, Bình Dương cần tạo cơ chế đột phát và tăng đầu tư cho hoạt động R&D (nghiên cứu, phát triển), tạo kết nối 3 nhà (Nhà trường - Doanh nghiệp - Nhà nước) để thúc đẩy hoạt động ĐMST có tính định hướng. Các trung tâm phát triển doanh nghiệp KH&CN và ĐMST là một trong những vấn đề tiên quyết cần thực hiện để tạo cầu nối và lan tỏa chính sách, kết quả KH&CN đến doanh nghiệp, thị trường. Bên cạnh đó, tỉnh cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, phát triển theo hướng công nghệ cao, tập trung chuyển đổi số, tăng cường hợp tác phát triển.
PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ