Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu bối cảnh mới
(BDO) Tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia - Techfest Vietnam năm 2022 tổ chức tại Bình Dương đã diễn ra Diễn đàn chính sách đa phương cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Tại diễn đàn, các chuyên gia hàng đầu đã chia sẻ kinh nghiệm, những bài học quý giá mà các quốc gia trên thế giới đã trải qua; phân tích và tổng hợp, tạo sự gợi mở để cải thiện chính sách cho ĐMST và cùng hiến kế các giải pháp tháo gỡ rào cản, khơi thông những khó khăn, góp phần phục vụ mục tiêu thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST mở, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới.
Nâng cao lực cạnh tranh
Hệ sinh thái ĐMST cũng như các hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, nguồn đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST tiếp tục tăng cao. Đối với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, từ khi triển khai Đề án 844 hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (năm 2016) đến nay, từ hệ sinh thái khởi nghiệp kém năng động thứ hai trong số 6 quốc gia lớn nhất ASEAN, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ ba về thu hút đầu tư cho doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo, chỉ sau Indonesia và Singapore. Năm 2022, chỉ số ĐMST quốc gia của Việt Nam đứng thứ 48/132 quốc gia.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ cùng lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của Tổng Công ty Becamex IDC tại Techfest Vietnam năm 2022
Trong hệ sinh thái, sự tham gia của các chủ thể ngày càng tích cực và đã có sự tăng trưởng tốt về số lượng. Tính đến nay, cả nước có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có hơn 200 không gian làm việc chung, 79 cơ sở ươm tạo, 29 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, khoảng 170 trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Các DN, tập đoàn lớn cũng bước đầu tìm hiểu, tham gia vào hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp với vai trò là nhà đầu tư tài chính cho DN khởi nghiệp, giúp DN khởi nghiệp mở rộng thị trường, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn chính sách đa phương cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, trong những năm qua hoạt động khởi nghiệp và ĐMST đã thể hiện được vai trò quan trọng đối với việc tăng năng suất, hiệu quả, nâng cao lực cạnh tranh của các DN trong dài hạn. Diễn đàn với mong muốn chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, những bài học quý giá mà các quốc gia trên thế giới đã trải qua, những chuyên gia hàng đầu đã phân tích và tổng hợp, tạo sự gợi mở để cải thiện chính sách cho ĐMST và cùng hiến kế các giải pháp tháo gỡ rào cản, khơi thông những khó khăn, góp phần phục vụ mục tiêu thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST mở, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới.
Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết thực hiện Đề án 844 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, Bình Dương đặc biệt quan tâm xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ và dành nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ, nhất là hoạt động khởi nghiệp ĐMST, nhanh chóng ban hành các chính sách cụ thể, sát thực với địa phương.
Ông Nguyễn Lộc Hà nhấn mạnh, thông qua Diễn đàn chính sách đa phương cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, Bình Dương đã tham gia đóng góp ý kiến cụ thể, trao đổi, chia sẻ quan điểm, đề xuất các giải pháp, kiến nghị về chính sách chung để thúc đẩy mạng lưới khởi nghiệp ĐMST phát triển mạnh mẽ, không chỉ tại Bình Dương mà còn trên cả nước và tạo điều kiện hiện thực hóa mục tiêu vươn lên tầm quốc tế của Việt Nam.
Tạo nền tảng phát triển bền vững
Tại phiên tham luận của Diễn đàn chính sách đa phương cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, các chuyên gia đã bàn về vai trò và tác động của hợp tác xuyên biên giới tới thúc đẩy hình thành hệ sinh thái. Ông Tor Lundstrom, Phó Chủ tịch cấp cao Niras Global đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong các bước triển khai dự án hỗ trợ khởi nghiệp của Niras, cũng như vai trò quan trọng của việc hình thành quan hệ đối tác xuyên biên giới cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Theo đề xuất của ông, Việt Nam cần xây dựng năng lực lao động; có sự nhất quán về chính sách, kiên định thực hiện; xây dựng năng lực của hệ thống, tập trung nâng cao tư duy cho các tổ chức, cá nhân trong xây dựng hệ sinh thái.
Phiên tọa đàm bàn tròn giữa Ban Điều hành điều phối tọa đàm và nhóm lãnh đạo, chuyên gia
Cũng tại phiên tọa đàm của Diễn đàn chính sách đa phương cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, các chuyên gia đã thảo luận về chính sách và cơ chế thúc đẩy hợp tác ĐMST; mô hình chính sách thí điểm; thu hút nguồn vốn cho hệ sinh thái; kết nối hệ sinh thái mở, đưa ra những đề xuất…
Theo ông Martin Webber, Phó Chủ tịch điều hành J.E.Austin Associates, Việt Nam có nhiều hệ sinh thái, các bên tham gia với nhau có sự kết nối khiến khoảng cách về vị trí địa lý dù xa nhưng lại rất gần; khối công hợp tác khối tư đã tạo khối hợp tác mạnh mẽ.
Thảo luận về vấn đề xây dựng hệ sinh thái bền vững, theo Giáo sư Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, hệ thống giáo dục đóng vai trò quan trọng trong xây dựng hệ sinh thái bền vững. Để tạo nền tảng, mạng lưới trong hệ sinh thái ĐMST, với các chính sách thúc đẩy hợp tác các trường đại học cần có 2 phần, đó là: Các nhà khoa học hiểu được DN đang cần gì, các nhà khoa học tham gia vào nghiên cứu tại các trường đại học; việc đầu tư từ DN cho trường đại học. Theo Giáo sư Lê Anh Tuấn, nếu xây dựng nền tảng hệ thống dữ liệu mở sẽ thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và ĐMST đến năm 2030 (Quyết định số 569/QĐ-TTg). Chiến lược này khẳng định: “Phát triển khoa học công nghệ và ĐMST là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Xây dựng và phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, phát triển hệ sinh thái ĐMST quốc gia liên kết chặt chẽ với khu vực và thế giới; phát triển các hệ sinh thái ĐMST trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu, các cụm liên kết ngành” là nhiệm vụ trọng tâm.
Theo ông Trần Văn Tùng, trong bối cảnh mới, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của quốc gia cần phải xác định được vai trò dẫn dắt, tiên phong và tạo nền tảng một cách vững chắc. Do đó, để phát triển hệ sinh thái một cách bứt phá, cần có sự nỗ lực và phối hợp từ các cơ quan liên quan, DN khởi nghiệp đến các chủ thể trong hệ sinh thái khác.
Tỉnh Bình Dương, với mục tiêu vươn lên trở thành điểm sáng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đã và đang thực hiện những chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái ĐMST. Những năm qua, Bình Dương đã đầu tư xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, như Vườn ươm DN BBI và hệ thống Techlabs - FabLab tiêu chuẩn quốc tế của trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Trung tâm Sản xuất tiên tiến và thực nghiệm kỹ thuật có quy mô 16.000m2 của Tổng Công ty Becamex IDC, Block 71 Sài Gòn với không gian và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST là mô hình hợp tác giữa Đại học Quốc gia Singapore và Tổng Công ty Becamex IDC, Trung tâm Hỗ trợ DN khởi nghiệp của trường Đại học Thủ Dầu Một… |
PHƯƠNG LÊ