Phát triển hạ tầng và đô thị: Tạo đà xây dựng Vùng đổi mới sáng tạo
(BDO) Bình Dương xây dựng hạ tầng công nghiệp, đô thị, giao thông đồng bộ, hiện đại, là nền tảng, điều kiện thuận lợi để chuyển mình từ chiến lược Thành phố thông minh trở thành Vùng đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Phát triển hạ tầng và đô thị, tạo đà xây dựng Vùng đổi mới sáng tạo. Trong ảnh: Thành phố mới Bình Dương được xác định là trung tâm cho Vùng đổi mới sáng tạo
Nền tảng để bứt phá
Số lượng khu công nghiệp cũng như diện tích đất công nghiệp là vượt trội với 34 khu công nghiệp, diện tích 14.790 ha. Mặt khác, Bình Dương đã quy hoạch đô thị, giao thông, cơ cấu các ngành nghề theo khu vực một cách chủ động.
Hiện nay, hạ tầng giao thông của Bình Dương được đánh giá là phát triển tốt, đồng đều. Đây cũng là một lợi thế lớn giúp Bình Dương có thể thu hút được các nhà đầu tư, nguồn nhân lực trong và ngoài nước. Hệ thông giao thông của tỉnh kết nối, liên thông với quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn xâu chuỗi các khu công nghiệp của Bình Dương từ phía nam lên phía bắc và kết nối với đường Hồ Chí Minh tại Khu công nghiệp Bàu Bàng; đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Đồng Phú - Bàu Bàng, tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 kết nối Bình Dương - TP.Hồ Chí Minh…
Các tuyến đường trên đóng vai trò gắn kết mạng lưới giao thông của tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia, bảo đảm tính liên thông và chuyển tiếp liên tục, mở rộng phục vụ chiến lược dịch chuyển công nghiệp về phía bắc, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, Bình Dương từng bước nâng cấp các khu đô thị, đáp ứng nhu cầu dịch vụ của người dân. Đến nay, Bình Dương đã có 3 thành phố trực thuộc, gồm Dĩ An, Thuận An và Thủ Dầu Một. Các đô thị vệ tinh từng bước nâng cấp trở thành các đô thị xanh, thân thiện môi trường với hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Những lợi thế trên đã trở thành đòn bẩy giúp Bình Dương luôn là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), là một lợi thế không nhỏ của tỉnh. Đồng thời đây cũng là tiền đề, bàn đạp rất quan trọng để phát triển dịch vụ công nghiệp, các giải pháp công nghệ cho nhà đầu tư trong hệ sinh thái của tỉnh cũng như toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Có thể thấy, Bình Dương đã tích lũy được một nền tảng vững vàng, có cơ hội lớn để bứt lên trong cuộc đua phát triển kinh tế tại Việt Nam. Đồng thời đây cũng là nền tảng, là điều kiện thuận lợi để Bình Dương có những bước chuyển mình từ chiến lược Thành phố thông minh trở thành Vùng ĐMST.
Bước chuyển mình
Chiến lược Thành phố thông minh được chuyển đổi thành Vùng ĐMST Bình Dương, mở rộng phạm vi sang khu công nghiệp khoa học công nghệ (KCN KHCN) và các khu công nghiệp khác cùng các trung tâm đô thị tại Bình Dương. Vùng ĐMST là thành quả bước đầu của đề án Thành phố thông minh Bình Dương (Bình Dương Navigator 21); là sự lan tỏa của vùng kinh tế thông minh Bình Dương và được mở rộng đa hướng. Qua đó, định vị lại vai trò phát triển từng vùng cụ thể trên địa bàn tỉnh.
Kết luận tại hội nghị báo cáo Đề án “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương - Binh Duong Innovation Region”, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nhấn mạnh: “Với tiềm năng và thực lực hiện tại của tỉnh, đặc biệt là từ những kết quả đạt được rất quan trọng trong thực hiện Đề án xây dựng thành phố thông minh thời gian qua, chúng ta hoàn toàn có thể hướng tới và phấn đấu tiến thêm một bước nữa, đó là xây dựng Vùng ĐMST Bình Dương”. Nội dung chính đầu tiên ông Trần Văn Nam nêu ra tại hội nghị đó là, cần triển khai công tác quy hoạch đô thị, giao thông gồm phê duyệt quy hoạch tổng thể Vùng ĐMST Bình Dương. Trong đó sử dụng thành phố mới Bình Dương là tâm điểm để bắt đầu và chuyển hướng phát triển sang các khu công nghiệp của tương lai, cụ thể là KCN KHCN Bàu Bàng. Phát triển đô thị gắn liền với quy hoạch giao thông công cộng (BRT - TOD). Tiếp tục củng cố hệ thống giao thông đường bộ, xây dựng các giải pháp quản lý và nâng cấp các tuyến đường hiện hữu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai, tuyến đường trục chính. Định hướng phát triển các loại hình giao thông mới như đường thủy, đường sắt, phát triển logistics thông minh và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, kỹ thuật số - băng thông rộng.
Theo quy hoạch Vùng ĐMST, thành phố mới Bình Dương được quy hoạch và phát triển đồng bộ, hiện đại, khoa học về hạ tầng kinh tế cũng như hạ tầng xã hội. Nơi tập trung các trung tâm quản lý, các trung tâm thương mại - dịch vụ cao (WTCA), các trung tâm thực nghiệm (FabLab, TechLab), nơi thí nghiệm thực tế (Living Lab), không gian sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp, khởi nghiệp và không gian sống hiện đại được xác định là trung tâm cho Vùng ĐMST Bình Dương... Các vùng công nghiệp - đô thị (TP.Thuận An, TP.Dĩ An) kết nối phía đông TP.Hồ Chí Minh với Bình Dương tiếp tục phát triển thành đô thị nén, mật độ cao, chất lượng dịch vụ cao. Vùng phát triển công nghiệp hiện hữu Tân Uyên từng bước chuyển dần thành khu công nghiệp xanh; các tiểu vùng đô thị phát triển đa chức năng và đa trung tâm; xây dựng mô hình làng thông minh, thúc đẩy phát triển du lịch xanh, bảo toàn năng lượng, thân thiện và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, hình thành các đô thị cảng mới tại An Tây và Thái Hòa kết hợp phát triển các trung tâm logistics và nâng cấp 2 cảng này thành cảng quốc tế tại Bình Dương. Vùng phát triển công nghiệp Bến Cát từng bước chuyển dần thành vùng sản xuất thông minh. Vùng phát triển khoa học công nghệ Bàu Bàng, được định vị là cụm vệ tinh về phát triển khoa học công nghệ của vùng trung tâm, với nòng cốt là KCN KHCN, bao quanh là các khu công nghiệp hiện hữu như Bàu Bàng, Cây Trường, Lai ưng. KCN KHCN xây dựng tại huyện Bàu Bàng được các chuyên gia đánh giá là bước đột phá trong sản xuất công nghiệp, hạ tầng mang tính nền tảng cho việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao, tạo tiền đề cho sản xuất công nghệ cao của Bình Dương.
PHƯƠNG LÊ