Phát triển giao thông công cộng trong xây dựng thành phố thông minh

Thứ tư, ngày 09/10/2024

(BDO) Xây dựng thành phố thông minh (TPTM), Bình Dương ứng dụng mô hình TOD (định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị) nhằm phát triển chuỗi đô thị gắn liền với xây dựng các tuyến xe buýt nhanh BRT, giúp giảm phụ thuộc phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng, tăng kết nối và tạo không gian sống, làm việc chất lượng.


Các dự án tại vòng xoay A1 được thực hiện theo mô hình TOD

Tăng kết nối 

Bình Dương nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược kết nối thuận lợi với Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Nguyên. Bình Dương đã tận dụng vị trí trung tâm cùng hạ tầng kết nối đồng bộ qua các tuyến đường vành đai và cao tốc. Tỉnh đã tích cực khai thông kết nối đến các cực phát triển như TP.Hồ Chí Minh, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Sài Gòn, sân bay Long Thành và cảng Cái Mép, là những cửa ngõ quan trọng giúp mở rộng mạng lưới kết nối toàn cầu cho Bình Dương, góp phần thúc đẩy vùng Đông Nam bộ trở thành một động lực phát triển mới của cả nước.

 Từ năm 2021 đến nay, Bình Dương đã tập trung phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đô thị hóa, xây dựng TPTM Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xây dựng TPTM, Bình Dương chú trọng phát triển giao thông thông minh gắn với việc ứng dụng, tích hợp các công nghệ và chiến lược quản lý hiện đại vào hệ thống giao thông đô thị nhằm cung cấp các phương thức và các dịch vụ vận tải vào quản lý giao thông một cách sáng tạo.

Quy hoạch tỉnh Bình Dương đề ra, phát triển mạng lưới giao thông công cộng vùng, tỉnh và đô thị theo định hướng TOD, tạo điều kiện chuyển đổi phương thức đi lại; từ đó cấy hệ thống trung tâm hoạt động mới vào các đô thị, đồng thời tạo dựng các trung tâm đô thị kiểu mẫu mới như: trung tâm thương mại dịch vụ (CBD); trung tâm chuyên ngành khoa học công nghệ; trung tâm đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; HUB đô thị thông minh; đô thị di sản văn hóa và nghệ thuật sáng tạo; các trung tâm du lịch, vui chơi giải trí và thưởng ngoạn văn hóa... 

Hiện Bình Dương đang ứng dụng mô hình TOD - thực hiện quy hoạch đô thị hiện đại, tạo khu đa chức năng gần đầu mối giao thông công cộng. Theo đó, Bình Dương ứng dụng TOD nhằm phát triển chuỗi đô thị gắn liền với xây dựng các tuyến xe buýt nhanh BRT, giúp giảm phụ thuộc phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng, tăng kết nối và tạo không gian sống, làm việc chất lượng. Điển hình là các TOD tại thành phố mới Bình Dương, TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An, kết hợp nhà ở, văn phòng, thương mại và tiện ích,  hướng đến phát triển bền vững.

Đặc biệt, mới đây nhất, UBND tỉnh đã khởi động điểm TOD đầu tiên tại Vòng xoay A1 trong thành phố mới Bình Dương. Dự án có diện tích gần 7ha, được định hướng là đầu mối phát triển đô thị, có nhà ga Metro kết nối với TP.Hồ Chí Minh. Dự án vòng xoay A1 gồm nhiều hạng mục như: các trung tâm thương mại dịch vụ, nhà thi đấu đa năng, quảng trường và nhà ga của tuyến Metro.

Ông Giang Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC, đại diện chủ đầu tư cho biết nhà ga tại vòng xoay 7ha sẽ đồng bộ với việc "nối dài" tuyến Metro từ TP.Hồ Chí Minh về Bình Dương. Hiện tuyến Metro nối dài từ TP.Hồ Chí Minh về Bình Dương đang được các cơ quan chức năng Việt Nam và chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu; về cơ bản điểm cuối sẽ kết nối với nhà ga tại vòng xoay 7ha. Các dự án tại vòng xoay này được thực hiện theo mô hình TOD.



Thành phố mới Bình Dương được quy hoạch là khu vực điển hình về phát triển TOD

Cấu trúc lại không gian đô thị theo mô hình TOD

Phát triển TOD là yêu cầu bắt buộc và là cơ hội để Bình Dương không bị tắc nghẽn trong tương lai, như TP.Hồ Chí Minh đang gặp phải. Trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh thực hiện xây dựng khung hạ tầng giao thông công cộng đồng bộ gắn với cấu trúc lại không gian đô thị theo mô hình TOD. Khung TOD gắn với khung hạ tầng và khung không gian được tổ chức mạch lạc, gắn kết giữa các khu vực đô thị trong tỉnh Bình Dương và gắn kết với các địa phương lân cận. 

Bình Dương đang tập trung nguồn lực cho đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng, từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên các tuyến giao thông huyết mạch, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mô hình TOD của tỉnh cũng sẽ gắn với các tuyến đường sắt đô thị kết nối TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các đường Vành đai 3, Vành đai 4… trong tương lai.

Bên cạnh đó, không gian đô thị phát triển theo hình thức hỗn hợp, tập trung gắn với các nút giao đa phương thức, từ đó mở rộng ra không gian toàn đô thị. Định hình cấu trúc không gian cụ thể cho từng đô thị trong tổng thể phát triển chung của toàn tỉnh và cấu trúc phát triển của vùng TP.Hồ Chí Minh. Quy hoạch tỉnh Bình Dương vạch rõ với các phương hướng phát triển không gian tỉnh gắn với lộ trình hình thành các dự án động lực, trong đó hình thành chuỗi đô thị dịch vụ theo mô hình TOD gắn với dự án đường cao tốc Bắc Nam (Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành), đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh, đường sắt đô thị Suối Tiên – Thủ Dầu Một - Bàu Bàng. Trong đó, phát triển các ga Dĩ An, ga Thành phố mới Bình Dương, ga Bàu Bàng trở thành các HUB phát triển lớn của vùng TP.Hồ Chí Minh về thương mại, khoa học công nghệ và dịch vụ.

Các khu vực trọng tâm đô thị được phát triển theo mô hình TOD gắn với các chức năng về dịch vụ cấp đô thị, cấp tỉnh, cấp vùng, được quy hoạch xây dựng tập trung, khuyến khích phát triển cao tầng, được hỗ trợ bởi các loại hình giao thông công cộng mới, hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường.

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng: Quy hoạch tỉnh là cơ sở hành lang pháp lý, khung định hướng, tiền đề đặc biệt quan trọng để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo, tạo không gian phát triển mới, nâng cao hơn nữa vị thế của tỉnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Theo Quy hoạch tỉnh, mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tính chất của đô thị Bình Dương là lấy con người làm trung tâm; sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và kết nối liên vùng trong vùng Đông Nam bộ của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này, dưới góc độ của ngành xây dựng, Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai lập phê duyệt các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chung đô thị của các thành phố, các huyện của tỉnh. Trên cơ sở đó sẽ triển khai đồng loạt, đồng bộ, kịp thời các dự án trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cũng như các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án khu đô thị TOD để phục vụ các mục tiêu phát triển của tỉnh. Các dự án này sẽ lấy con người là trung tâm của đồ án quy hoạch; ưu tiên đầu tư các chương trình hành động cụ thể trong thời gian tới theo quy hoạch đã đề ra.

Phương Lê - Hoàng Phong