Phát triển giao thông công cộng không thể tách rời phát triển đô thị
(BDO) Đó là chỉ đạo của ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành, địa phương góp ý vào Đồ án Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng tỉnh Bình Dương đến năm 2025, tầm nhìn sau năm 2025.
Nhiều ý kiến cho rằng cần phát triển phương tiện giao thông công cộng phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Trong ảnh: Xe buýt tại bến xe buýt TX.Bến Cát.
Ảnh: D.CHÍ
Hiện đại, đa dạng hóa loại hình
Theo Đồ án Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng tỉnh Bình Dương đến năm 2025, tầm nhìn sau năm 2025, hiện trên địa bàn tỉnh đang hoạt động 3 loại hình giao thông công cộng là xe buýt, xe khách và xe taxi. Đến năm 2025 sẽ phát triển thêm nhiều loại hình giao thông công cộng mới, hiện đại như xe buýt nhanh, đường sắt nhẹ trong đô thị, đường sắt trên cao, buýt đường sông… Để các loại phương tiện vận hành hợp lý, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, đơn vị tư vấn đồ án đã nghiên cứu, đánh giá lại hiệu quả, những ưu khuyết điểm của hệ thống giao thông công cộng hiện hữu, trong đó xe buýt là phương tiện nghiên cứu chính.
Ưu điểm nổi bật của xe buýt là có hệ thống mạng lưới tuyến được quy hoạch, thiết kế theo hình nan quạt, vận hành hướng tâm, kết nối thuận lợi giữa trung tâm tỉnh lỵ đến chùm đô thị vệ tinh, hướng ra các tỉnh, thành lân cận. Do nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, các doanh nghiệp kinh doanh xe buýt đã rất cố gắng khắc phục khó khăn bằng cách chuyển đổi xe khách thành xe buýt nên không tránh khỏi những hạn chế cho hành khách. Bên cạnh đó, giá vé cao do không còn được trợ giá nên phần lớn hành khách đi tuyến đường dài, trên 16km, mới sử dụng phương tiện xe buýt và chỉ sử dụng 1 đến 2 lần/tuần. Cũng từ đây phát sinh tình trạng chồng tuyến, trùng tuyến dẫn đến tranh giành, sụt giảm doanh thu, doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, chất lượng phục vụ xuống thấp…
Trên cơ sở đánh giá hiện trạng, phát triển thêm tuyến mới tạo thành mạng lưới liên hoàn theo hướng liên kết chùm đô thị gắn với trục hướng tâm và mở rộng đối ngoại theo chủ trương của tỉnh, đơn vị tư vấn còn đề xuất một số loại hình giao thông công cộng mới, hiện đại như xe buýt nhanh, đường sắt nhẹ trong đô thị, đường sắt trên cao, buýt đường sông… nhằm đa dạng hóa loại hình vận tải hành khách công cộng. Trong đó có hệ thống xe buýt làm nhiệm vụ trung chuyển, đưa rước khách đi và đến giữa các trung tâm đô thị, nhà ga, bến xe khách, bến tàu…
Phát huy tối đa tiềm năng
Tại cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành, địa phương góp ý vào Đồ án Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng tỉnh Bình Dương đến năm 2025, tầm nhìn sau năm 2025, ngoài góp ý đơn vị tư vấn mở thêm môt số tuyến mới nhằm phát triển một số khu vực thuộc các địa phương mới chia tách của tỉnh, tại cuộc họp, các đại biểu còn yêu cầu đơn vị tư vấn đánh giá lại hiệu quả của một số tuyến vì nhu cầu thực tế cũng như trùng lắp, lãng phí… Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Văn Hai đặt vấn đề: “Hiện tại các đô thị trên thế giới đều đối mặt với sự hạn chế quỹ đất, tại sao Bình Dương không nghĩ đến loại phương tiện đi ngầm dưới đất? Theo tôi, bên cạnh các loại phương tiện hiện đại cũng nên duy trì phương tiện thô sơ, truyền thống để góp phần giảm ách tắc giao thông, bảo vệ môi trường, như xe đạp chẳng hạn”.
Một số ý kiến phản biện với kết quả nghiên cứu cho rằng giá vé xe buýt cao nên hành khách chuyển sang sử dụng các loại phương tiện khác là không hợp lý. Ông Lâm Phi Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, đề nghị cần đánh giá lại hiệu quả hoạt động của loại hình taxi trong đô thị để có giải pháp kiềm chế trong tương lai, vì đến năm 2025 đô thị của tỉnh đã khá đầy đủ loại hình phương tiện, trong đó xe buýt các loại hầu như đã làm tốt nhiệm vụ. Thay vào đó, cần nghiên cứu phát triển loại hình buýt đường sông, giá trị đầu tư thấp, thân thiện môi trường…
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải tập trung suy nghĩ, phát huy tối đa tiềm năng giá trị sẵn có kết hợp với dự báo tình hình để quy hoạch phát huy hiệu quả và có giá trị sử dụng lâu dài. Ông cũng lưu ý đơn vị tư vấn phải đánh giá, dự báo được sự phát triển dân số để hoạch định cụ thể từng loại phương tiện, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Cụ thể, đường sắt đô thị không ai kéo dài về nông thôn vì rất tốn kém lại không hiệu quả. Ngược lại, ở nông thôn thì không thể thiếu loại hình buýt nhanh, buýt đường sông để giải quyết nhu cầu đi lại, tham quan du lịch của người dân và du khách. Mặt khác, quy hoạch giao thông công cộng cũng không thể tách rời với phát triển đô thị.
Ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Phải dự báo và phát huy tốt mọi tiềm năng
Trước năm 2020, Bình Dương chưa có tàu điện đô thị nên quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng phải bám sát quy hoạch và tình hình phát triển đô thị của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại, kích thích đô thị phát triển. Như vậy mới có ngân sách để đầu tư và quy hoạch mới phát huy được hiệu quả. Vì vậy, góp ý quy hoạch cần tập trung suy nghĩ, dự báo để phát huy mọi tiềm năng sẵn có của địa phương.
DUY CHÍ