Phát triển du lịch làng nghề Bình Dương: Cần sự gắn kết của nhiều ngành
Hiện nay, cả nước có hơn 2.000 làng nghề (LN) có bề dày lịch sử và gắn liền với văn hóa của những vùng, miền với một hệ thống di tích và truyền thống riêng; trong đó có đến hơn 1.000 ngành, nghề truyền thống đã và đang được các thế hệ nghệ nhân tâm huyết bảo tồn và phát huy giá trị. Các LN tại Bình Dương cũng nằm trong số ấy và việc khôi phục, bảo tồn, phát triển các LN gắn với du lịch (DL) là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành DL tỉnh nhà.
Làng nghề Bình Dương - tiềm năng phát triển du lịch
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 32 LN với 9 nghề truyền thống như sản xuất gốm sứ, sơn mài, điêu khắc mỹ thuật... Các LN truyền thống của tỉnh đều đã và đang thu hút được sự quan tâm của khách DL. Mặc dù có những thời điểm gặp rất nhiều khó khăn, tưởng chừng có thể bị mai một nhưng nhiều LN truyền thống trong tỉnh vẫn tồn tại, phát triển và thu hút khách DL như: làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng gốm Tân Phước Khánh, làng gốm Lái Thiêu... Việc xuất khẩu các mặt hàng thủ công truyền thống từ các LN sản xuất đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Do đó, việc khôi phục, bảo tồn, phát triển các LN là một trong những nhân tố tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội các địa bàn có LN cũng như góp phần vào sự phát triển của ngành DL tỉnh nhà.
Lò lu Đại Hưng, một trong những di tích lịch sử cấp tỉnh cần được đầu tư thêm nhằm phát triển theo hướng du lịch làng nghề
Bên cạnh các hình thức DL như: văn hóa - lễ hội, tham quan các di tích lịch sử, DL sinh thái, DL biển, DL mạo hiểm... thì DL LN cũng đã và đang được nhiều quan tâm từ khách DL trong và ngoài nước. Sự kết hợp DL LN đã làm phong phú hơn các sản phẩm DL bởi vì với những sản phẩm mang tính đơn lẻ, độc đáo cùng sự kết tinh của văn hóa Việt nhiều LN đã thực sự hấp dẫn du khách, qua đó sẽ giúp các LN được khôi phục và phát triển. Các hoạt động văn hóa dân gian, cùng môi trường DL văn hóa sẽ được cải thiện, tạo điều kiện dạy nghề cho lớp trẻ nhằm duy trì, gìn giữ kỹ năng truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc khôi phục, bảo tồn, phát triển các LN đối với phát triển DL; trong thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh đã có những định hướng đúng đắn trong việc gìn giữ, bảo tồn và khai thác các LN truyền thống lâu đời. Các LN truyền thống cũng đã có ý thức trong việc khai thác sự hấp dẫn, độc đáo của sản phẩm LN nhằm thu hút khách DL đến tham quan, mua sắm. Các LN cũng đã quan tâm việc xúc tiến, quảng bá thương hiệu, chào bán các sản phẩm, nhằm thu hút khách DL. Bước đầu, họ cũng đã có ý thức tạo dựng cơ sở hạ tầng tối thiểu cần thiết cho hoạt động DL như đầu tư hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm, mua sắm...
Cần những định hướng để du lịch làng nghề phát triển
DL LN tại Bình Dương có tiềm năng phát triển lớn, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển DL tỉnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, trên thực tế trong thời gian qua, hiệu quả hoạt động của các tuyến DL LN vẫn chưa cao, do còn nhiều bất cập chưa được tháo gỡ.
Trước tiên, do DL LN hiện nay theo kiểu tự phát, thường là do một địa phương hoặc một tổ chức đứng ra xây dựng điểm DL nên thiếu quy hoạch đồng bộ và chuyên nghiệp. Nhiều mặt hàng truyền thống độc đáo sản xuất thủ công tại các LN chưa được chú ý, đầu tư thích đáng. Từ chủng loại, kiểu dáng của sản phẩm thủ công truyền thống chưa thật sự phong phú, đa dạng... đủ để hấp dẫn du khách. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do các LN thiếu một đội ngũ sáng tác, thiết kế mẫu mã chuyên nghiệp nhằm làm cho truyền thống luôn hòa quyện với tiên tiến và hiện đại để sản phẩm truyền thống mang hơi thở của thời đại, mẫu mã sản phẩm sẽ đa dạng, phong phú, hấp dẫn khách DL hơn.
Kế đến là công tác tạo dựng các sản phẩm DL trọn gói, hấp dẫn khách DL và lập chương trình cho các tuyến, DL LN vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng. Rất nhiều tài nguyên DL vẫn còn lãng phí, chưa được quan tâm khai thác, kết hợp hài hòa để tạo ra sức hấp dẫn trong tour DL, tuyến, chương trình DL. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ DL chưa được quan tâm, hỗ trợ đầu tư đúng mức nên hầu hết cơ sở hạ tầng của các LN còn yếu và thiếu, chưa đủ đáp ứng yêu cầu kinh doanh DL. Hầu hết LN đều chưa xây dựng được các khu ăn uống, vui chơi giải trí, chỉ đơn thuần tập trung vào việc giới thiệu và bán sản phẩm... do đó khó lòng giữ chân du khách. Ngoài ra, thời gian khách DL đi thăm các LN là rất ngắn, thường thì chỉ trong phạm vi một ngày. Nếu như các công ty DL, đại lý lữ hành và các LN biết khai thác và kéo dài thời gian tham quan, lưu trú của khách DL tại địa phương thì chắc chắn DL LN có khả năng phát triển mạnh trong tương lai...
Nếu gắn việc phát triển LN với DL sẽ nâng cao hình ảnh, uy tín của LN; sản phẩm được tiếp cận với nhiều khách DL trong và ngoài nước, giải quyết được việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương; góp phần phát triển ổn định LN, nghề thủ công. Do vậy, cần phải có sự gắn kết giữa các ngành, các cấp trong việc khảo sát củng cố, nâng cấp các LN hiện có trên địa bàn các huyện, thị để xây dựng các tuyến DL gắn với LN và hình thành một số điểm trưng bày, bán sản phẩm chất lượng cao của các LN, nghề thủ công như: hàng thủ công mỹ nghệ, hàng gốm sứ, điêu khắc gỗ và đặc sản địa phương...
Ngoài một số địa điểm DL nổi tiếng như chùa Hội Khánh, hồ Bình An, chùa Bà, chùa núi Châu Thới, vườn cây ăn trái Lái Thiêu, Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến... Bình Dương còn là nơi tập trung nhiều LN truyền thống như điêu khắc gỗ, gốm sứ và tranh sơn mài, với những cái tên Làng gốm Tân Phước Khánh, Sơn mài Tương Bình Hiệp, Lò lu Đại Hưng... sẽ là những điểm sáng với nhiều thuận lợi trong việc phát triển các tour và các tuyến DL... Tiềm năng DL LN của tỉnh không thiếu, nếu được kết hợp với những định hướng, chỉ đạo, đầu tư kịp thời của tỉnh và các ngành chức năng, tin rằng DL LN nói riêng và ngành DL tỉnh nhà nói chung, sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay toàn tỉnh có 9 nghề truyền thống và 32 LN truyền thống. Trong đó có trên 45.700 cơ sở tham gia làm ngành nghề nông thôn (NNNT) với trên 103.000 người tham gia lao động, chiếm 10,76% lao động trong các ngành. Tổng doanh thu của các NNNT đạt hơn 4.800 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 72 triệu USD. Trong đó, nhóm ngành nghề xây dựng, vận tải và dịch vụ khác có số cơ sở và số người tham gia cao nhất với hơn 36.000 cơ sở và gần 59.000 lao động... Hiện nay, các NNNT Bình Dương đang gặp khó khăn chính là giá nguyên liệu đầu vào tăng, thiếu nguồn thợ có tay nghề giỏi, dây chuyền sản xuất lạc hậu, thiếu vốn, một số ngành nghề có nguy cơ mai một nghệ nhân, sản phẩm khó cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất theo dây chuyền công nghiệp...
BÌNH MINH