Phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Thứ sáu, ngày 28/09/2018

(BDO) Với việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp (DN) khoa học công nghệ (KHCN) không chỉ đưa ra thị trường những sản phẩm mới chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường mà còn khuyến khích DN nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh. Mặc dù vậy, nhiều DN trong nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng vẫn chưa tận dụng hết các chính sách ưu đãi để phát huy thế mạnh phát triển KHCN của mình.

Nhiều ưu đãi

Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020 của nước ta đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ hình thành 5.000 DN KHCN. Tuy nhiên, đến nay cả nước mới có 303 DN được cấp giấy chứng nhận DN KHCN. Theo Sở KHCN, đến nay Bình Dương chỉ có 4 DN KHCN; trong năm 2018 dự kiến có thêm 2 DN.

Theo Điều 58, Luật KHCN năm 2013: DN KHCN là DN thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ KHCN để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KHCN, cho biết để cụ thể hóa quy định nói trên, DN KHCN phải đáp ứng những điều kiện như: Hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả KHCN được sở hữu, sử dụng hợp pháp hoặc sở hữu hợp pháp công nghệ để trực tiếp sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ bảo vệ môi trường, công nghệ năng lượng mới...; chuyển giao công nghệ hoặc trực tiếp sản xuất trên cơ sở công nghệ đã ươm tạo và làm chủ hoặc sử dụng hợp pháp công nghệ nói trên…

Phân xưởng chế tạo máy chế biến gỗ tại Công ty Thượng Nguyên
(TX.Tân Uyên). Ảnh: TIỂU MY

Điều đáng mừng là hiện nay các DN KHCN trong nước được hưởng 6 ưu đãi lớn theo quy định, như: Được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN; được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; được hưởng các dịch vụ tư vấn, đào tạo từ các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN của Nhà nước không phải trả phí dịch vụ...

DN cần được hỗ trợ về thông tin

Vấn đề đặt ra là hiện nay có nhiều DN trong nước chưa mặn mà với sáng tạo KHCN. Ghi nhận cho thấy, nguyên nhân của thực trạng nói trên trước hết là do DN Việt Nam đa phần là DN nhỏ và vừa, chủ yếu làm gia công… nên chưa chú trọng nhiều đến đầu tư phát triển thương hiệu. Bên cạnh đó, nhiều DN trong nước âm thầm sáng tạo nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để sản xuất vì không am hiểu nhiều chính sách ưu đãi, điều này dẫn đến việc DN không được hỗ trợ từ Nhà nước, không đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

Trao đổi với phóng viên xung quanh ý tưởng sản xuất máy móc chế biến gỗ mang thương hiệu Việt, bà Dương Thị Tú Trinh, Giám đốc Công ty Máy chế biến gỗ Thượng Nguyên (TX.Tân Uyên), chia sẻ những năm qua bà luôn mong muốn phát triển thương hiệu máy chế biến gỗ của chính công ty, của Việt Nam. Để mong muốn của mình thành hiện thực bà đã đặt vấn đề với đối tác và được đối tác chấp thuận nên công ty bà đã triển khai thực hiện từ 3 năm nay. Hiện nay, khó khăn lớn nhất của công ty là nguồn vốn để tiếp cận những công nghệ hiện đại hơn từ châu Âu, Nhật Bản và chuyển đổi đất sản xuất để mở rộng phân xưởng chế tạo máy. Bà Trinh cho biết thông qua việc tiếp cận những thông tin ưu đãi cho DN KHCN, bà mong muốn các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi hơn để Công ty Thượng Nguyên phát triển máy móc chế biến gỗ công nghệ cao, chất lượng quốc tế, với chi phí rẻ phục vụ cho nhu cầu của DN gỗ...

Có thể thấy, các DN KHCN chính là nơi ứng dụng thành công các kết quả nghiên cứu KHCN mà DN có quyền sở hữu và sử dụng hợp pháp để sản xuất sản phẩm. DN KHCN cũng chính là nơi tiếp thu thành tựu KHCN của thế giới để ứng dụng có hiệu quả công nghệ mới, tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao. DN KHCN có sự kết nối giữa các nhà khoa học và thực tiễn thị trường, góp phần đưa ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội…

Các nhà chuyên môn cho rằng sự ra đời và phát triển của các DN KHCN sẽ tạo điều kiện để một quốc gia, địa phương huy động tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực KHCN phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Tuy vậy, trên thực tế, trong 6 chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho DN KHCN hiện nay có một số chính sách chưa được cụ thể hóa trong quá trình thực hiện, cụ thể như chính sách được ưu tiên sử dụng các trang thiết bị phục vụ trong phòng thí nghiệm trọng điểm, hoặc được hưởng ưu đãi về giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bên cạnh đó, chính sách phát triển thị trường KHCN hiện nay của nước ta chủ yếu tập trung vào việc tổ chức các hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ và phát triển các tổ chức dịch vụ trung gian, mà chưa có những hỗ trợ trực tiếp dành cho DN KHCN để thương mại hóa sản phẩm, như hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm, ưu đãi về cấp phép lưu hành sản phẩm, ưu đãi về vay vốn để sản xuất các sản phẩm KHCN...

TIỂU MY