Phát triển điện mặt trời: Đáp ứng nhu cầu năng lượng cho thành phố thông minh
(BDO) Với cơ sở hạ tầng hiện có, cùng việc tỉnh đang thực hiện Đề án xây dựng thành phố thông minh, năng lượng mặt trời sẽ là nguồn năng lượng tối ưu trong điều kiện hiện nay đối với Bình Dương. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương.
Dự án lắp đặt thử nghiệm pin năng lượng mặt trời tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và phát triển công nghiệp, Sở Công thương. Ảnh: TIỂU MY
- Xin ông cho biết tình hình phát triển năng lượng mặt trời trên thế giới nói chung, tại Việt Nam nói riêng hiện nay?
- Ngày nay, do nhu cầu năng lượng sạch ngày càng nhiều nên công nghệ sản xuất điện mặt trời phát triển nhanh chóng ở một số nước trên thế giới. Tại các nước như Đức, Nhật, Israel, Hoa Kỳ, Úc đã có nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy phát triển các dự án điện mặt trời. Còn tại Việt Nam cũng đã xác định sự phát triển của điện mặt trời sẽ đáp ứng một phần nguồn năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển bền vững của thế giới.
-Thưa ông, những điều kiện thuận lợi, những đòi hỏi cấp bách nào để chúng ta đẩy mạnh phát triển loại năng lượng này?
- Về mặt địa lý, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và gió, vì thế điện mặt trời cùng với điện gió đang được nước ta khuyến khích phát triển, thể hiện cụ thể là Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phát triển nguồn điện khi dừng các dự án điện hạt nhân và giảm bớt các nhiệt điện đốt hóa thạch (than đá). Tại nước ta, tuy chỉ bắt đầu xây dựng nhà máy điện mặt trời từ năm 2015 nhưng theo số liệu thống kê, đến giữa năm 2019 cả nước đã có vài trăm dự án có công suất lắp máy từ 20 - 250 MW đã hoặc sắp hoàn thành.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh và có tốc độ phát triển phụ tải điện rất cao so với các nước trong khu vực. Theo Quy hoạch điện VII (Tổng sơ đồ VII), từ năm 2011 đến năm 2030 tổng sản lượng điện của nước ta sẽ tăng từ 4 - 7 lần so với mức cơ sở. Dự báo đến năm 2023, hệ thống điện trong cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 12 tỷ kWh, chiếm 5% so với nhu cầu của cả nước (gần bằng lượng điện tỉnh Bình Dương tiêu thụ trong 1 năm). Chính vì vậy, để bảo đảm nguồn cung cấp điện, một trong những giải pháp được Chính phủ đặt ra là phát triển điện mặt trời đạt 1 GWp vào năm 2020, hướng tới mở rộng việc ứng dụng năng lượng tái tạo, với mục tiêu đạt 6% tổng lượng điện sản xuất vào năm 2030.
-Tại Bình Dương, pháttriển nguồn năng lượng này sẽ có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Việc cung ứng năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay đang và sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề, thách thức, đặc biệt là sự cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, giá dầu biến động và các tác động của biến đổi khí hậu đến an ninh, an toàn trong cung ứng năng lượng… Do vậy, từng bước đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nguồn điện dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo mà Việt Nam có tiềm năng, nhất là các nguồn sinh khối, gió, năng lượng mặt trời… được coi là một trong những giải pháp phát triển bền vững.
Năng lượng mặt trời cũng có tiềm năng lớn trong khu vực đô thị. Tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà có thể được tối ưu hóa bằng cách tích hợp sự sản sinh năng lượng mặt trời tại chỗ với những công nghệ tiết kiệm năng lượng, ví dụ như điều khiển thông minh quản lý hệ thống làm mát và ánh sáng. Với cơ sở hạ tầng hiện có cùng tiến trình xây dựng thành phố thông minh đang diễn ra, năng lượng mặt trời sẽ là nguồn năng lượng tối ưu trong điều kiện hiện nay nếu đánh giá về mức độ ô nhiễm, tiện ích và bền vững tại Bình Dương.
-Vậy khi phát triển nguồn năng lượng này, Bình Dương sẽ có những thuận lợi và khó khăn nào, thưa ông?
- Theo đánh giá của các chuyên gia, Bình Dương có vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng năng lượng mặt trời được đánh giá là tốt trong cả nước. Số giờ nắng trung bình trong năm trên địa bàn tỉnh từ 2.200 - 2.800 giờ, với lượng bức xạ mặt trời trung bình năm vào khoảng 4,5 kWh/m2/ngày.
Hiện nay, Sở Công thương đã thử nghiệm trên hai dự án, một tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và phát triển công nghiệp thuộc sở, một tại gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhương, ở ấp Long Hưng, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng… Kết quả đánh giá 2 dự án này cho thấy, điện mặt trời áp mái với quy mô nhỏ, thích hợp để khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư kinh doanh với vốn không lớn, đạt mục tiêu xã hội hóa huy động các nguồn vốn. Bên cạnh đó, các dự án này không tốn diện tích đất; giúp tăng cường chống nóng hiệu quả cho các công trình. Các dự án có quy mô nhỏ, lắp đặt phân tán nên được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu, không cần đầu tư thêm hệ thống lưới điện truyền tải. Nếu những dự án này được lắp đặt nhiều ở các mái nhà trong thành phố, khu công nghiệp sẽ có tác dụng làm giảm quá tải lưới điện truyền tải từ các nguồn điện truyền thống, thường đặt ở xa các trung tâm có đông dân cư sinh sống.
Vấn đề khó khăn nhất theo các chuyên gia chính là vận hành an toàn và hiệu quả hệ thống điện khi công suất điện mặt trời lớn. Các chuyên gia cho biết, điện mặt trời lên/xuống gần như tức thời, nhưng điện sản xuất ra là phải tiêu thụ ngay. Vì tính chất điện mặt trời như vậy nên rất khó khăn cho việc vận hành hệ thống. Bên cạnh đó, ngoài thiết bị chuyển đổi, muốn đấu lưới cho điện mặt trời cũng cần nhiều thiết bị khác để tăng hiệu thế, bảo đảm sự ổn định… Chính vì vậy, muốn phát triển điện mặt trời các địa phương phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật tương thích. Trong thực tế, các tấm pin, lưới năng lượng mặt trời cần diện tích rất rộng. Điều này đang gây ra những khó khăn không nhỏ trong việc phát triển hệ thống điện mặt trời quy mô lớn.
-Xin ông cho biết, trong thời gian tới Bình Dương sẽ có những chính sách nào để thu hút nhà đầu tư vào phát triển năng lượng mặt trời tại địa phương?
- Cùng với sự khuyến khích của Chính phủ, sự năng động của lãnh đạo tỉnh, Bình Dương đang khuyến khích các nhà đầu tư có thực lực đến phát triển năng lượng mặt trời trên cơ cơ sở bảo đảm lợi ích kinh tế và giữ vững an ninh, an toàn tại địa phương. Vừa qua, Tập đoàn Sembcorp (Singapore) cũng đánh giá cao về khả năng phát triển nguồn năng lượng này tại Bình Dương.
Về chính sách, ngày 11-3-2019, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 05/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2017/TT-BCT quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời. Theo đó, Thông tư bổ sung nội dung Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện mặt trời trên mái nhà. Cụ thể, hợp đồng gồm 7 điều, quy định về điện năng mua bán; giá mua điện năng; việc xác nhận chỉ số công tơ, điện năng phát lưới, lập hóa đơn; quyền và nghĩa vụ của các bên; thời hạn hợp đồng… Thông tư có hiệu lực từ ngày 25-4-2019.
Tại hội thảo “Điện năng lượng mặt trời lắp mái nhà - Giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả năm 2019” vừa qua đã cung cấp cho các doanh nghiệp những thông tin hữu ích nhằm thúc đẩy phát triển các dự án điện mặt trời như: Giới thiệu các chính sách liên quan; hướng dẫn thủ tục đấu nối lưới điện; cơ chế mua bán điện từ hệ thống điện mặt trời; chia sẻ kinh nghiệm từ các dự án thực tế...
Ngoài các vấn đề kỹ thuật, yếu tố giá điện mặt trời cũng đang tạo ra rào cản cho các nhà đầu tư. Bởi vậy, tôi rất mong muốn Chính phủ tiếp tục có những cơ chế về giá để hấp dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các dự án điện mặt trời.
-Xin cảm ơn ông!
TIỂU MY (thực hiện)