Phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước: Hiệu quả từ mô hình thành lập Đảng bộ ở các khu, cụm công nghiệp
(BDO)
Công tác phát triển Đảng trong DNNKVNN ở Dầu Tiếng có những chuyển biến tích cực nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong ảnh: Ông Nguyễn Minh Châu, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Dầu Tiếng trao giấy chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng cho người lao động. Ảnh: TRÍ DŨNG
Phát triển đảng viên mới đạt 130% kế hoạch
Tỉnh ủy vừa tổ chức tổng kết thực hiện Chương trình số 16-Tr/ TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các DNNKVNN giai đoạn 2016-2020. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 550 đảng viên trong khối DNNKVNN, đạt 130% so với kế hoạch đề ra. Trong đó có 5 đảng viên là lãnh đạo, quản lý DN, 457 đảng viên là công nhân lao động trực tiếp sản xuất, 88 đảng viên thuộc thành phần không trực tiếp sản xuất. Tính đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh có 4.233 đảng viên đang sinh hoạt tại 71 tổ chức cơ sở Đảng và làm việc, công tác trong các DNNKVNN, chiếm tỷ lệ 7,32% trên tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh.
Qua 5 năm triển khai Chương trình số 16-Tr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, toàn tỉnh đã phát triển được 1.276 tổ chức công đoàn với 183.585 đoàn viên công đoàn, nâng tổng số công đoàn đến nay lên 3.658 tổ chức công đoàn với 785.401 đoàn viên công đoàn. Tại cuộc họp mới đây, các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình số 16-Tr/TU cũng đã nêu lên một số khó khăn trong phát triển Đảng tại các DNNKVNN, nhất là đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài. Các thành viên Ban chỉ đạo cũng đã đề xuất các kiến nghị, giải pháp để việc phát triển Đảng trong DNNKVNN tiếp tục đạt những kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
Nâng cao chất lượng các tổ chức Đảng
Qua thực tế cho thấy, các tổ chức Đảng trong DNNKVNN đã góp phần quan trọng giúp DN hoạt động hiệu quả, ổn định. Các DN tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động trong và ngoài tỉnh. Một trong những giải pháp cụ thể và hiệu quả để phát triển Đảng trong DNNKVNN thời gian qua là Bình Dương đẩy mạnh mô hình thành lập Đảng bộ ở các khu và cụm công nghiệp. Đến nay, tỉnh đã thành lập được Đảng bộ cơ sở Khu công nghiệp (KCN) Nam Tân Uyên, Đảng bộ cơ sở KCN Việt Nam - Singapore, Đảng bộ cơ sở KCN Sóng Thần… Đây được xem là cách làm mới, là tiền đề tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận động phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể tại DN.
Cũng từ mục tiêu Chương trình 16-Tr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra lúc đầu là nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội về chủ trương, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các DNNKVNN; tuyên truyền cho chủ DN hiểu thêm về vai trò, lợi ích để ủng hộ việc thành lập và hoạt động của tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong DN; tạo chuyển biến thật sự, tăng nhanh về số lượng và nâng cao chất lượng các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các DNNKVNN trên địa bàn. Từ mục tiêu đó, đến nay, cơ bản Bình Dương đã đạt chỉ tiêu đề ra; phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành các mục tiêu của chương trình này gắn với nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên.
Tăng cường tuyên truyền, vận động
Trong cuộc họp mới đây, bà Nguyễn Minh Thủy, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy đã đánh giá cao những kết quả của Chương trình 16-Tr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Bà Thủy cũng chỉ ra một số hạn chế như việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển Đảng trong DNNKVNN có nơi thiếu tập trung và chưa thường xuyên; số lượng các tổ chức Đảng được thành lập và kết quả kết nạp đảng viên, đoàn viên, hội viên vẫn chưa tương xứng với điều kiện cụ thể của tỉnh; chất lượng hoạt động của một số tổ chức Đảng chưa đồng đều và chưa nắm được tình hình diễn biến tư tưởng của công nhân, người lao động…
Trước những hạn chế này, bà Thủy lưu ý các cấp ủy Đảng tiếp tục chú trọng các giải pháp tuyên truyền, vận động chủ DN; yêu cầu cấp ủy Đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm đến việc phát triển Đảng trong DNNKVNN; cần xác định, việc xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh trong các DNNKVNN vừa là vấn đề then chốt trong công tác xây dựng Đảng, vừa là vấn đề trung tâm để ổn định, phát triển kinh tế - xã hội ở Bình Dương. Bà Thủy nhấn mạnh: “Thực tế, nơi nào đoàn thể chính trị có mối quan hệ tốt với Ban giám đốc DN thì ở đó công tác phát triển đảng viên thuận lợi và hiệu quả”.
HỒ VĂN