Phát triển công nghiệp phụ trợ: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư

Thứ ba, ngày 20/10/2015

Những năm gần đây ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) của Bình Dương đã có những bước phát triển mạnh. Bình Dương đã thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng khu công nghiệp (KCN) phụ trợ riêng nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này.

Tạo lợi thế cạnh tranh

(BDO) Giai đoạn 2011-2015, ngành công nghiệp của Bình Dương đã có bước phát triển nhanh và góp phần rất quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Sự phát triển nhanh chóng trong sản xuất công nghiệp dẫn đến nhu cầu to lớn về nguyên liệu phục vụ sản xuất. Đây là cơ sở để CNPT phát triển mạnh.

CNPT bắt đầu phát triển nhanh tại Bình Dương từ năm 2005. Riêng CNPT ngành dệt may, da giày, cơ khí, điện - điện tử, chếbiến gỗ trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh về số lượng DN, giá trị sản xuất, doanh thu... và cónhững đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến.

Hiện nay, Bình Dương đã hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may (sản xuất sợi, dệt vải, nhuộm...), da giày (thuộc da, sản xuất đế giày, mũ giày...), cơ khí (sản xuất kim loại, sản xuất máy móc thiết bị vàphụtùng cho các ngành công nghiệp ô tô, xe máy...), điện - điện tử (sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất thiết bị dây dẫn điện, cáp quang...).

Sản xuất sản phẩm CNPT tại Công ty KBK Việt Nam (KCN Mỹ Phước, TX.Bến Cát)

Những năm gần đây Bình Dương đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNPT. Sự phát triển của CNPT đã phát huy hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, góp phần giảm nhập siêu, gia tăng giá trị hàng hóa và khả năng cạnh tranh của DN. Tuy nhiên để hoàn thành một sản phẩm, các DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung vẫn đang phải sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.

Với số lượng 29 KCN và 8 cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh và trên 22.000 DN trong và ngoài nước đang hoạt động, cho thấy việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành CNPT đang tạo tiềm năng và lợi thế lớn để DN của Bình Dương và vùng phụ cận chủ động giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Hướng tới tự chủ trong sản xuất

Hiệp định Đối tác Kinh tếchiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ được ký kết vào đầu năm tới, mởra cho Việt Nam những cơ hội mới. Song trong nội dung của TPP có quy định về quy tắc xuất xứ nhằm bảo đảm việc hưởng lợi ưu tiên cho các nước thành viên của hiệp định với một số quy tắc chung để xác định một sản phẩm hàng hóa cụ thể như thế nào là có xuất xứ từ nội khối để tính toán ưu đãi thuế.

Trước đó, nhằm đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mang lại, tỉnh Bình Dương đã có quy hoạch và điều chỉnh phát triển các khu, cụm công nghiệp để phục vụ phát triển CNPT, qua đó giúp DN giảm nhập khẩu nguyên liệu phụ trợ từ nước ngoài, đồng thời góp phần tăng giá trị xuất khẩu.

Theo ông Bùi Minh Trí, Phó Trưởng ban Quản lý Các KCN tỉnh, để tạo thuận lợi cho DN đầu tư vào lĩnh vực này, hiện nay tỉnh đã quy hoạch hơn 300 ha trong KCN Bàu Bàng để phát triển CNPT. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng tại KCN Bàu Bàng đã khá hoàn chỉnh, DN chỉ cần đăng ký đầu tư vào đây là triển khai được ngay dự án.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình, cho biết hiện nay ngành da giày đang phải nhập chủ yếu nguồn nguyên liệu phụ trợ từ nước ngoài. Khi Bình Dương phát triển KCN phụ trợ, các DN hoạt động trên địa bàn tỉnh sẽ được hưởng lợi đầu tiên, giúp họtự chủ trong sản xuất và tăng giá trị xuất khẩu.

Tới đây, Bình Dương sẽ thực hiện công bố quy hoạch vùng đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu gắn với phát triển CNPT. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để DN tận dụng được những lợi thế mà TPP mang lại. Điều này cũng sẽ tác động tích cực để sản xuất công nghiệp của Bình Dương phát triển căn cơ và bền vững.

Như vậy, việc Bình Dương thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng KCN phụ trợ ở huyện Bàu Bàng sẽ là điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư vào CNPT, từ đó giúp DN tự chủ trong sản xuất, chủ động đầu tư thương hiệu và sản xuất nguyên liệu phụ trợ trong thời gian tới.

PHƯƠNG LÊ