Phát triển công nghiệp phụ trợ: Cần nỗ lực lớn

Thứ hai, ngày 06/08/2018

(BDO) Trong điều kiện nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp trong nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng đang lo công nghiệp phụ trợ (CNPT) trong nước không theo kịp đà phát triển chung.

Kết quả còn khiêm tốn

Ông Trần Cường, Giám đốc Công ty TNHH Jia Bao (TX.Tân Uyên), cho biết công ty chuyên sản xuất và cung cấp bao bì cho các ngành công nghiệp điện tử, gỗ và gốm sứ. Lô hàng mới nhất công ty cung cấp cho Công ty Điện tử Samsung (Việt Nam) là bao bì đóng gói các kiện hàng điện tử xuất khẩu sang Singgapore. Nhưng đây chỉ là phần “phụ trợ” nhỏ trong chuỗi cung ứng, sản xuất điện tử mà Samsung đang rất cần các doanh nghiệp khác cung ứng như vi mạch, chip, đinh vít...

Bình Dương có nhiều nỗ lực phát triển công nghiệp phụ trợ. Trong ảnh: Sản xuất động cơ tại nhà máy Bonfiglioli, KCN Mỹ Phước 3 (TX.Bến Cát).
Ảnh: QUỐC CHIẾN

Anh Lại Quốc Thái, chủ cơ sở dệt kim tại TX.Dĩ An - chuyên dệt cổ áo thun cung cấp cho các công ty may xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, cho biết vào mùa cao điểm cơ sở phải chạy máy cả ngày lẫn đêm để kịp số lượng giao khách hàng. Theo anh Thái, anh ký được nhiều đơn hàng nhưng công nghệ dệt kim tại cơ sở đã có từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Không có sự hỗ trợ về thiết bị, công nghệ dệt mới khiến cơ sở dệt kim của anh khó trở thành một doanh nghiệp tầm cỡ.

Thực tế cho thấy, có nhiều lý do để cho rằng lĩnh vực CNPT trong nước hiện nay vừa thừa vừa thiếu. Cái thiếu lớn nhất đó là trong cả nước hiện có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNPT nhưng một số khâu có giá trị cao rất ít doanh nghiệp đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu sản xuất tại chỗ. Chẳng hạn ở lĩnh vực may mặc, khâu khó là nguồn cung nguyên phụ liệu nhiều năm qua chưa được giải quyết triệt để nên ngành này phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, tạo thành điểm nghẽn cho phát triển.

Do không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất nên giá trị gia tăng đạt được của ngành dệt may không cao, hiện chỉ đạt khoảng 50%. Chỉ riêng ngành may mặc, nước ta đang tốn hàng chục tỷ USD mỗi năm chỉ để nhập nguyên liệu. Đây là một lỗ hỗng đáng tiếc trong quá trình phát triển công nghiệp nước nhà.

Bình Dương có nhiều nỗ lực

Lĩnh vực CNPT tại Bình Dương chủ yếu tập trung vào các ngành dệt may, da giày, cơ khí, điện - điện tử, chế biến gỗ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNPT. Có thể kể đến như chuỗi dự án liên hợp hóa sợi - dệt nhuộm của Công ty TNHH Far Eastern Polytex (Việt Nam) với vốn đầu tư 274,2 triệu USD tại Khu công nghiệp (KCN) Bàu Bàng; Công ty TNHH NPC Toda đầu tư 30 triệu USD vào KCN Việt Nam - Singapore II-A để sản xuất các sản phẩm nhựa các loại với quy mô 16.889 tấn/năm...

Hiện tỉnh đã bố trí 300 ha trong KCN Bàu Bàng nhằm mời gọi đầu tư vào các ngành CNPT. Cùng với đó, Đề án Định hướng phát triển các ngành CNPT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 của Sở Công thương cũng được triển khai từ năm 2016… đang mang lại nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển CNPT tại Bình Dương.

Theo các chuyên gia, cần có nhiều giải pháp để đưa CNPT trở thành ngành mũi nhọn, tiên phong đột phá tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp. Hiện nay, vốn đầu tư vào CNPT gồm nguồn vốn từ Nhà nước và các doanh nghiệp; trong đó nguồn vốn từ doanh nghiệp sẽ dành cho sản xuất, xây dựng các khu sản xuất, vốn từ Nhà nước sẽ tập trung cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào CNPT.

Theo kết quả khảo sát của một số ngành liên quan, tại Bình Dương, đối với ngành CNPT dệt may, nhiều doanh nghiệp vẫn đạt sản lượng thấp so với công suất thiết kế. Các chuyên gia cho rằng Bình Dương cần có chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích chủ đầu tư các KCN chọn lọc thu hút những dự án CNPT có quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, Bình Dương cần vận dụng hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ của Trung ương trong thu hút đầu tư các ngành CNPT dệt may, giày da, cơ khí, chế tạo đã được ban hành nhằm tạo sức hấp dẫn hơn nữa đối với các doanh nghiệp đầu tư vào CNPT trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh và doanh nghiệp cũng cần có thêm chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ và từ các địa phương khác vào làm việc trong lĩnh vực CNPT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

 XUÂN VĨ