Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Tạo thế chủ động cho doanh nghiệp sản xuất
(BDO) Trong những năm qua, công nghiệp Bình Dương liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, tạo thế chủ động cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất, Bình Dương cần tiếp tục khuyến khích đầu tư phát triển CNHT.
Sản xuất tại Công ty Phương Vy (TP.Thuận An)
Tạo thế chủ động
Ông Nguyễn Văn Lê, Phó Tổng giám đốc Công ty Giày Đông Hưng (TP.Dĩ An) cho rằng, đứng trước những khó khăn về nguyên phụ liệu trong dịch bệnh Covid-19, hơn lúc nào hết các DN thấy rõ tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn cung nguyên liệu, công nghiệp hỗ trợ từ các DN trong nước. Với Công ty Đông Hưng, từ năm 2012, công ty đã nỗ lực kết nối với các các DN cung ứng nguyên liệu trong nước để chủ động nguồn cung và đáp ứng đòi hỏi yêu cầu xuất xứ hàng hóa rất gắt gao từ phía đối tác lớn. Tuy nhiên, hiện có những sản phẩm buộc phải nhập từ nước ngoài, cụ thể là thị trường Trung Quốc vì thị trường trong nước không thể đáp ứng được nhu cầu của DN xuất khẩu. Ông Lê cho rằng các DN CNHT trong nước cần nâng cao hơn nữa trình độ công nghệ, bên cạnh đó Nhà nước cần tạo điều kiện để các DN CNHT trong nước phát triển, đáp ứng yêu cầu hàng hóa xuất khẩu.
Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước vẫn là một tiêu chí của các DN may mặc xuất khẩu song hiện nay nguồn cung này chỉ đáp ứng được 60%. Những sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao thì hiện nay các DN xuất khẩu đều phải nhập từ nước ngoài, đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng, nhất là các thương hiệu lớn. Bà Trang cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới ngành CNHT ngành may mặc trong nước phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất.
Hiện nay, ngành gỗ là ngành chịu ảnh hưởng quá nhiều từ nguồn nguyên liệu trong thời điểm dịch bệnh, tuy nhiên rất nhiều DN nhỏ lại đang gặp khó vì giá các sản phẩm phụ liệu hỗ trợ sản xuất trong nước cao, dẫn đến giá thành sản phẩm bị đội giá, không đáp ứng được yêu cầu về giá của các đối tác đặt hàng. Nếu tiếp tục sản xuất thì nguy cơ thua lỗ rất lớn. Tuy vậy, các DN gỗ cũng hiểu rõ việc giá cao không phải là mong muốn các DN trong nước. Các DN cũng nằm trong thế bị động khi không chủ động về công nghệ để hạ giá thành sản phẩm tiệm cận với hàng nhập khẩu.
Phát triển thị trường, liên kết chặt chẽ
Theo đánh giá của nhóm chuyên gia Khoa Quản lý công nghiệp, Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương nằm trong tốp 5 các địa phương có ngành CNHT phát triển mạnh của cả nước gồm: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Bắc Ninh. Sựphát triển của CNHT đãbước đầu hình thành sự liên kết sản xuất giữa các DN trong nước vàcác DN FDI. Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp. Trong thời gian tới cần đẩy mạnh sự liên kết giữa các DN trong nước, tạo đà cho công nghiệp phát triển.
Theo ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, hiện nay các DN cơ điện có rất nhiều điều kiện đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà xuất khẩu, song lại chưa thể cung ứng nhiều cho thị trường trong nước. Ông Trọng mong muốn các cấp, các ngành tạo những điều kiện thuận lợi để các DN đẩy mạnh liên kết để có sự thuận lợi trên chính “sân nhà”.
Để phát triển CNHT trong thời gian tới, ông Đào Minh Ngọc, Giám đốc Công ty Phương Vy (TP.Thuận An), cho rằng cùng với sự nỗ lực của DN, Nhà nước cần phát huy vai trò là “bà đỡ”, đặc biệt là hỗ trợ DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong việc bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí gia nhập thị trường thấp, khuyến khích nguồn vốn tư nhân. Hiện nay, các DN ngành cơ điện trong tỉnh đã làm chủ công nghệ chế tạo một số loại động cơ, máy móc, công cụ… đạt chất lượng để phục vụ ngành công nghiệp sản xuất trong và ngoài nước, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn. Dù là đối tác của các nhãn hiệu lớn song ông Ngọc vẫn thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều hạn chế. Trước hết là về thị trường, ngành cơ khí Việt Nam khá đa dạng về sản phẩm nhưng đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin và năng lực cạnh tranh trong nước chưa đủ mạnh, cũng như chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng biết đến. Bên cạnh thị trường, trình độ khoa học - công nghệ được xem là điểm yếu điển hình của ngành cơ khí Việt Nam. Điều này thể hiện rõ là ngành cơ khí trong nước có rất ít phát minh, sáng chế được đăng ký; thiết bị và trình độ công nghệ toàn ngành nhìn chung còn chậm đổi mới; các DN cơ khí thiếu đầu ra cho sản phẩm nên cũng không có cơ hội tích lũy và đầu tư đổi mới công nghệ. Trong khi đó, hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực cơ khí của Việt Nam vẫn chưa phát triển đủ mạnh để bảo vệ người tiêu dùng trong nước trước hàng nhập khẩu có chất lượng không phù hợp. Ngoài ra, hạn chế của ngành cơ khí còn thể hiện ở góc độ nguyên phụ liệu hầu hết phải nhập khẩu; nguồn nhân lực thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng; vai trò của hiệp hội ngành nghề chưa phát huy hiệu quả. Ông Ngọc đề xuất tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực CNHT nhằm gia tăng số lượng và chất lượng DN hoạt động. Xem xét hỗ trợ các DN đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển, chuyển giao ứng dụng và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.
TIỂU MY