Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Nhìn từ giải pháp liên kết sản xuất

Thứ tư, ngày 18/09/2019

(BDO)  Những năm gần đây, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành dệt may, da giày, cơ khí, điện - điện tử, chế biến gỗ… trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển công nghiệp tỉnh nhà.

 Hoạt động sản xuất tại nhà máy của Tetra Pak Việt Nam. Ảnh: TIỂU MY

 Thu hút nhiều nhà đầu tư

Thời gian qua, Bình Dương đã thu hút được nhiều dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực CNHT. Cụ thể như Công ty TNHH Core Electronics, Khu công nghiệp Đại Đăng (TP.Thủ Dầu Một), chuyên sản xuất cuộn dây đồng, lõi từ, bảng mạch phục vụ cho ngành công nghiệp điện tử; Công ty TNHH KyungBang Việt Nam (Hàn Quốc) có tổng vốn đầu tư 179,2 triệu USD, chuyên sản xuất sợi cung cấp cho ngành dệt may; nhà máy Kymco Bình Dương với tổng vốn đầu tư ban đầu trên 20 triệu USD, chế tạo khung sườn, sơn tĩnh điện, lắp ráp động cơ…

Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.400 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có liên quan đến ngành CNHT. Điểm đáng chú ý, đa sốcác dự án có quy mô vốn lớn được tỉnh cấp phép thời gian gần đây hoạt động trong lĩnh vực công nghệcao, CNHT.

Mới đây, Tập đoàn Tetra Pak (Thụy Điển) - tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp đóng gói và chế biến thực phẩm, đã khánh thành nhà máy với vốn đầu tư lên tới 120 triệu Euro tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II. Sản phẩm của nhà máy cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Việc thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài với số vốn lớn vào lĩnh vực CNHT cho thấy Bình Dương đã và đang chuẩn bị tốt để phát triển ổn định, bền vững.

Thúc đẩy liên kết sản xuất

Ghi nhận cho thấy, trên địa bàn tỉnh bước đầu đã hình thành sự liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước vàdoanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong phát triển CNHT. Sự liên kết này tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, lĩnh vực CNHT trong cả nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng được đánh giá chưa đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất, cho nên doanh nghiệp trong nước còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Ông Jeffrey Fielkow, Giám đốc điều hành Tetra Pak Việt Nam, cho biết thị trường thực phẩm dạng lỏng tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Công ty mong muốn tìm được các nhà cung ứng ngay tại Bình Dương để kết nối trong chuỗi liên kết toàn cầu. Song hiện nay, chưa có công ty nào ở đây đáp ứng được tiêu chuẩn về nhựa để cung ứng cho quy trình sản xuất của Tetra Pak.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết nhằm tiếp tục tạo ra bước đột phá và đổi mới trong thu hút đầu tư, Bình Dương đã ban hành chương trình, kế hoạch đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tỉnh ưu tiên thu hút các dự án sản xuất với công nghệ và giá trị gia tăng cao, khuyến khích đầu tư phát triển CNHT trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị, điện tử. Trong thời gian tới, tỉnh sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng phát triển CNHT...

Để thực hiện hóa các mục tiêu phát triển CNHT, tỉnh cũng đã và đang nỗ lực thực hiện tốt giải pháp về phát triển nguồn nhân lực tại chỗ. Theo đó, tỉnh chú trọng gắn kết chương trình đào tạo nhân lực của địa phương với các nước trong khu vực và trên thế giới theo hướng chuẩn hóa quốc tế. Hiện tỉnh đang thực hiện tại các trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Đại học Việt Đức.

 Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt (tại Quyết định số 3281/ QD-UBND ngày 18-12-2013), có 6 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển là cơ khí, điện tử, hóa chất, CNHT, chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp. Ngày 26-12-2016, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 3597/QĐ- UBND về việc ban hành danh mục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2017-2021, trong đó có hạ tầng để phát triển CNHT.

 TIỂU MY