Phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm - Kỳ I
(BDO) Kỳ I: Thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản
Các nhà chuyên môn cho biết, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản nhằm kết nối người sản xuất với các cơ sở tiêu thụ để hình thành các chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất các sản phẩm nông sản an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, để có được sự kết nối nhịp nhàng, gắn kết từ nhà sản xuất tới thị trường tiêu thụ cần có sự phối hợp đồng bộ từ các bên liên quan.
Kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước hình thành một số vùng sản xuất tập trung, các hình thức liên kết trong sản xuất được hình thành đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng trong lĩnh vực trồng trọt, UBND tỉnh đã có định hướng rõ ràng với mục tiêu tái cơ cấu ngành trồng trọt phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với các sản phẩm hoa, cây cảnh và mô hình vườn sinh thái gắn với phát triển du lịch ở khu vực phía nam của tỉnh (vùng nông nghiệp đô thị); phát triển các vùng chuyên canh cao su, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị ở các huyện phía bắc của tỉnh (vùng nông nghiệp truyền thống)…
Mô hình nuôi vịt sinh sản hướng trứng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm tại huyện Dầu Tiếng. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang duy trì 7 mô hình chuỗi nông sản an toàn (gồm 1 chuỗi sản phẩm thịt heo, 3 chuỗi sản phẩm trứng gà, 2 chuỗi rau lá và 1 chuỗi nấm linh chi) nhằm liên kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng, từng bước hình thành và phát triển chuỗi thực phẩm an toàn. Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết trung tâm vừa phối hợp triển khai mô hình nuôi vịt sinh sản hướng trứng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Từ tháng 11-2017, trung tâm đã thực hiện 4 điểm trình diễn với quy mô 400 con vịt giống trên địa bàn huyện Dầu Tiếng. Điểm nổi bật của mô hình này là trung tâm đã liên kết được người chăn nuôi với đơn vị thu mua trứng giống thu mua toàn bộ sản phẩm trứng của nông dân tham gia mô hình. Theo đánh giá, mô hình này dễ thực hiện, chi phí đầu tư không cao, dễ chăm sóc, phù hợp với nhiều hộ dân trong vùng, cộng với đầu ra ổn định nên hiện có nhiều người dân trong vùng đến tham quan, học tập và mong muốn được hướng dẫn để sản xuất nhằm tăng thu nhập cho gia đình.
Ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình chính sách để hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, như chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, Quyết định số 04 ngày 17-2-2016 về hỗ trợ vốn sản xuất cho nông dân… Đối với Quyết định số 3265/ QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 cũng đã nêu rõ một trong 5 dự án được ưu tiên đầu tư chính là hình thành chuỗi cửa hàng sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đô thị.
Bên cạnh đó, để đạt được các mục tiêu của đề án, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố, các đoàn thể trong tỉnh tập trung thực hiện các nhóm giải pháp về tuyên truyền, cơ chế chính sách, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, đào tạo và bố trí lao động, hình thành và nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp an toàn, cùng với đó là xúc tiến thương mại mở rộng thị trường và tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hợp tác và mở rộng liên doanh, liên kết với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Liên kết sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ đến 10 tỷ đồng
Từ ngày 20-8-2018, Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có hiệu lực thi hành. Theo đó, đối tượng áp dụng nghị định này gồm nông dân, các cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp... Khi thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết (tối đa không quá 300 triệu đồng). Nhà nước cũng hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị, xây dựng nhà xưởng, bến bãi phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (tổng hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng). Ngoài ra, các đối tượng cũng có thể được hỗ trợ về khuyến nông, đào tạo, tập huấn, giống, vật tư…
Để được nhận hỗ trợ, các bên tham gia liên kết phải đáp ứng điều kiện phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; có giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; liên kết phải bảo đảm ổn định trong thời gian cụ thể tùy chu kỳ nuôi trồng.
Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định 157/ QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025. Quyết định nêu rõ, động lực chính thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh làxây dựng chuỗi giá trị hàng hóa bền vững để qua đó ứng dụng khoa học - kỹthuật tiên tiến, công nghệcao vào sản xuất gắn với đào tạo sửdụng hiệu quảnguồn nhân lực; đồng thời coi trọng việc xây dựng kinh tếtrang trại, doanh nghiệp nông nghiệp vàkinh tếhợp tác theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mởrộng hợp tác liên kết trong chuỗi giátrịhàng hóa một cách bền vững. Đến năm 2020, toàn tỉnh xây dựng 12 chuỗi liên kết an toàn vệsinh thực phẩm; đến năm 2025 xây dựng thêm 15 chuỗi liên kết an toàn vệsinh thực phẩm.
Theo quyết định này, tỉnh khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng khoa học - công nghệ mới phù hợp với sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, đồng thời hạn chế các ảnh hưởng xấu đến môi trường. Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường hoạt động của hệ thống thông tin, xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại; đề xuất chính sách khuyến khích liên kết sản xuất nông nghiệp, vùng sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ nông sản; hình thành chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp và nâng cấp chuỗi giá trị ngành hàng…
Theo ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để thực hiện có hiệu quả Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, trong thời gian tới sở sẽ tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả những dự án trước đây về liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, sở sẽ tập trung tuyên truyền đến nông dân, các cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp về Nghị định 98 để nhiều người biết đến và tham gia các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Sở xác định, phê duyệt các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và thông báo công khai trên địa bàn tỉnh. Sở cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn; thực hiện phê duyệt hỗ trợ liên kết trên địa bàn theo thẩm quyền...
Kỳ 2: Thúc đẩy liên kết doanh nghiệp với người sản xuất
QUỲNH NHIÊN