Phát triển chuỗi cung ứng, nâng tầm nông sản địa phương
(BDO) Việc tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng nhằm phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị là nền tảng quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới bền vững.
Hộ dân thuộc HTX Dầu Tiếng (xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên) chăm sóc vườn cây
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Tại buổi làm việc với lãnh đạo trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh mới đây, ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, với yêu cầu thực tế hiện nay, UBND huyện đẩy mạnh công tác quy hoạch, hỗ trợ sản xuất chuyên nghiệp. Người sản xuất phải biết nâng cao năng lực để có những sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Đặc biệt là chú ý đến vấn đề xây dựng thương hiệu sản phẩm, có truy xuất nguồn gốc. Theo đó, các ngành chức năng, địa phương phối hợp với các nhà chuyên môn thay đổi thói quen của người sản xuất trong việc tạo ra các sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn quy định về an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng đưa ra của các kênh tiêu thụ.
Nhìn từ Bắc Tân Uyên, một địa phương khá thành công trong việc quy hoạch và phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái có múi, huyện đã triển khai 4 chương trình: Phát triển hạ tầng đồng bộ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái có múi và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, hầu hết các trang trại, nhà vườn lớn trên địa bàn huyện đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đến nay, huyện Bắc Tân Uyên có trên 2.300ha cây ăn trái có múi, trong đó hơn 100ha sản xuất theo hướng VietGAP và đã có hơn 61ha được chứng nhận, tập trung ở các xã Tân Mỹ, Hiếu Liêm và Tân Định. Vùng chuyên canh cây ăn trái có múi tập trung ở các địa bàn các xã dọc theo sông Bé, sông Đồng Nai. Đa số các vùng chuyên canh này đều áp dụng kỹ thuật tiên tiến, đạt năng suất cao, chất lượng tốt, sản xuất theo hướng quy mô, tập trung hàng hóa. Hiện nay, UBND huyện đang tích cực đẩy mạnh nông nghiệp theo hướng bền vững xứng tầm với tiềm năng và lợi thế.
Dấu ấn hợp tác xã
Đơn cử như cây cam, theo ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Phòng kinh tế huyện Bắc Tân Uyên, toàn huyện có 2.514,6ha cây ăn trái. Trong đó diện tích cây ăn trái có múi là 2.348ha, tăng 32ha so với cùng kỳ. Đến nay, trên địa bàn huyện có 104 trang trại trồng trọt, với tổng diện tích khoảng 1.526ha (tăng 37 trang trại và 194ha so với cùng kỳ). Với sản lượng bình quân đạt trên 50 tấn/ha/năm, mang lại thu nhập từ 1 - 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Với cây bưởi, huyện có trên 115ha cho thu hoạch bình quân gần 20 tấn/ha/ năm và thu nhập khoảng 600 triệu đồng/ha. Đối với cây quýt đường, Bắc Tân Uyên hiện có 42ha đang cho thu hoạch, sản phẩm đạt từ 40 - 50 tấn/ha/năm, mang lại thu nhập gần 800 triệu đồng/năm.
Nhiều hợp tác xã (HTX) trồng cây ăn trái có múi ở Bắc Tân Uyên được đánh giá là hoạt động có hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn huyện có 5 tổ hợp tác đang hoạt động với 15 thành viên, 22 HTX đang hoạt động với 113 thành viên và 140 lao động thường xuyên. Tình hình hoạt động của các HTX và tổ hợp tác tương đối ổn định. Trong đó, có thể thấy rõ dấu ấn của các HTX trồng cây ăn trái có múi. Ngoài HTX Nhân Đức, có thể kể đến HTX Nhuận Đức hay HTX cây ăn quả Tân Mỹ, HTX Năm Hạng. HTX Dân Tiếng… là những điển hình tiên tiến về mô hình kinh tế hợp tác, sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại mang lại hiệu quả cao.
Theo ông Trần Văn Sộp, Phó Giám đốc HTX Minh Hòa Phát (xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng), hiểu được lợi ích của việc tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản nên ngày càng có nhiều hộ sản xuất liên kết thành lập HTX. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo quy trình VietGAP, hoặc các tiêu chuẩn tương tự khác để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Theo lãnh đạo Sở Công thương, liên tục trong những năm qua các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực tổ chức nhiều chương trình động kết nối cung - cầu, tìm đầu ra cho nông sản đạt hiệu quả. Trong thời gian tới, ngành công thương nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp, siêu thị và nông dân bắt tay chặt chẽ hơn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản, đưa nền nông nghiệp phát triển một cách bền vững, đem lại giá trị đúng với tiềm năng, lợi thế vốn có.
TIỂU MY