Ông Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc, quy hoạch Hà Nội - Viện Quy hoạch Đô thị và nông thôn Quốc gia, Bộ Xây dựng:
Phát triển chiến lược “Bình Dương Xanh” là hoàn toàn khả thi
(BDO) Hiện nay, Bình Dương đang phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, hệ sinh thái bền vững, thông minh. Trong tiến trình này, Bình Dương đang thực hiện việc phủ xanh. Trao đổi về hành trình phủ xanh của Bình Dương, P.V Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn đến ông Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc, quy hoạch Hà Nội - Viện Quy hoạch Đô thị và nông thôn Quốc gia, Bộ Xây dựng xung quanh vấn đề này.
VSIP - Khu công nghiệp xanh của Bình Dương
- Ông đánh như thế nào về công tác quy hoạch, phát triển đô thị của Bình Dương thời gian qua?
Thành tựu đạt được sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, Bình Dương là tỉnh đi tiên phong trong phát triển hạ tầng, đô thị công nghiệp. Đạt được kết quả đó là nhờ tinh thần đổi mới sáng tạo liên tục, sự năng động của chính quyền các cấp của tỉnh Bình Dương và được dẫn hướng bởi hệ thống các quy hoạch tổng thể, quy hoạch chuyên ngành, đề án phát triển được nghiên cứu bài bản, khoa học, làm cơ sở quan trọng cho công tác triển khai đầu tư xây dựng.
Với mục tiêu phát triển đô thị công nghiệp, từ năm 2012 tỉnh Bình Dương đã lập và phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Bình Dương, các quy hoạch chuyên ngành như hệ thống giao thông, cấp nước, thu gom và xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn, nghĩa trang... tập trung. Các đồ án quy hoạch đã triển khai đầu tư xây dựng nhanh chóng, để ngày hôm nay tỉnh Bình Dương có hệ thống các tuyến đường giao thông rộng lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội; các công trình xử lý môi trường tập trung đảm bảo các nguồn thải sản xuất được xử lý triệt để; có hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại, tạo nền tảng cho phát triển đô thị công nghiệp trong thời gian qua.
Cùng với cơ sở hạ tầng hiện đại, cơ chế chính sách năng động và chính quyền các cấp đồng hành cùng doanh nghiệp, các nhà đầu tư phát triển công nghiệp tập trung về Bình Dương, xem Bình Dương là địa chỉ uy tín trên cả nước và quốc tế về phát triển công nghiệp. Đến năm 2022, Bình Dương đã có trên 11.000 ha đất khu công nghiệp đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động công nghiệp, đưa Bình Dương trở thành “thủ phủ công nghiệp” của cả nước.
Cùng với đó, sự quan tâm tới phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, công viên được các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các đô thị đặc biệt quan tâm quy hoạch phát triển để nâng cao chất lượng sống của người dân, người lao động theo mục tiêu phát triển bao trùm, khẳng định Bình Dương là điểm đến hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà khoa học, người lao động và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để nâng cao hơn chất lượng phát triển, công tác quy hoạch phát triển đô thị trong thời gian tới cần phải có những bước chuyển đổi chiến lược, quan tâm hơn tới phát triển tập trung, khai thác hiệu quả tài nguyên, phát triển sáng tạo để hình thành nên các không gian đô thị đặc thù của Bình Dương, dành nguồn lực, quỹ đất để ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng dịch vụ. Đặc biệt, quan tâm bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, xây dựng hệ sinh thái Bình Dương.
- Ông đánh giá thế nào về công tác phủ xanh của Bình Dương so với các tỉnh thành trong cả nước hiện nay?
Với tinh thần đổi mới liên tục, Bình Dương đã đi đầu trong phát triển hạ tầng, phát triển công nghiệp và phát triển đô thị thông minh tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Phát triển xanh chính là xu thế tất yếu của phát triển đô thị trên thế giới đã được Bình Dương nghĩ đến và hành động trong quá trình xây dựng phát triển mô hình đô thị công nghiệp dịch vụ Bình Dương.
Bình Dương đã “nghĩ xanh” từ những ngày đầu phát triển khi dành không gian thích đáng để bảo vệ hệ sinh thái dọc các tuyến sông: Sài Gòn, Đồng Nai, sông Bé, Thị Tính, suối Cái, bảo vệ hệ sinh thái hồ Dầu Tiếng, Hồ Phước Hòa…; thiết kế bổ sung các tuyến mặt nước, hồ điều hòa để làm trụ cột phát triển hệ thống xanh của Bình Dương. Hợp tác với Singapore phát triển các mô hình khu công nghiệp sinh thái với các khu đô thị công nghiệp có tỷ lệ diện tích 10% dành cho công viên, cây xanh, tạo nên hệ thống cây xanh cảnh quan hấp dẫn là thương hiệu riêng có của các khu công nghiệp VSIP. Hình ảnh này được mở rộng ra các khu công nghiệp và đô thị khác trên địa bàn tỉnh.
Các chiến lược, quy hoạch, đề án của tỉnh “nói xanh” nhiều hơn khi đề cập tới hiện thực hóa phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, xây dựng các khu đô thị, công nghiệp sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng các công nghệ thông minh, công nghệ xanh vào phát triển đô thị, hạ tầng, công trình. Điều này đã được thể hiện qua các công trình kiến trúc được hoàn thành trong thời gian gần đây tại khu vực thành phố mới Bình Dương, các dự án đang triển khai tại TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TX.Bến Cát.
Bình Dương không chỉ “nói”, “nghĩ” mà còn hành động, “làm xanh” thông qua chiến lược phủ xanh diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh, để việc “xanh hóa” không chỉ là câu chuyện của một khu vực đô thị, khu công nghiệp, hay trong một lĩnh vực nào, thông qua việc thấu hiểu và chung suy nghĩ trong việc làm của tất cả người dân, cộng đồng tỉnh Bình Dương.
Với nền tảng hệ thống không gian xanh hiện có, việc phát triển chiến lược “Bình Dương Xanh” là hoàn toàn khả thi, đảm bảo cho sự phát triển bền vững về dài hạn, tạo nên hình ảnh, sự khác biệt của Bình Dương so với các đô thị, thành phố trên cả nước. Trong đó, bài học về phủ xanh của Singapore là bài học phù hợp với bối cảnh phát triển của Bình Dương; đồng thời là bài học thông minh cho Bình Dương để phát triển trong tương lai.
TP.Mới Bình Dương hiện đang được tỉnh xây dựng là Vùng đổi mới sáng tạo, vùng thông minh.
- Theo ông, Bình Dương cần thực hiện những bước đi nào để hoàn thành mục tiêu phủ xanh?
Với mục tiêu tiếp tục là một trong những đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, Bình Dương cần tiếp tục phát triển đột phá, tăng trưởng cao, đồng thời phải phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, hệ sinh thái bền vững, thông minh về dài hạn, trong đó có công tác phủ xanh mà Bình Dương đang làm. Để đạt được mục tiêu này, cần xem xét một số hành động như sau:
Cần có nghiên cứu tổng thể để chọn mô hình, lộ trình thống nhất và tiêu chuẩn áp dụng cho chiến lược xanh của Bình Dương, cụ thể hóa và xuyên suốt vào các chiến lược phát triển, các bản quy hoạch, các giải pháp thiết kế tạo nên hệ thống thống nhất. Từ đó có bước đi, lộ trình cụ thể, xuyên suốt.
Bình Dương cần làm ngay công tác bảo vệ hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học của các tuyến sông hồ hiện có, phục hồi sự đa dạng sinh học các khu vực trồng cây công nghiệp, cây cao su trong thời gian qua.
Phát triển kinh tế xanh thông qua chọn lựa loại hình, ngành nghề sản xuất, lựa chọn công nghệ sản xuất, lựa chọn giải pháp thiết kế từ quy hoạch tổng thể, đầu tư xây dựng, vận hành hoạt động... với tiêu chuẩn xanh, kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm năng lượng.
Kiểm soát mật độ xây dựng, hạn chế sự phát triển lan tỏa tự phát, nâng cao hiệu quả sử dụng đất (kiểm soát thâm dụng sử dụng đất), dành không gian cho phát triển cây xanh. Đặc biệt, các khu vực đô thị phía Nam như: Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một cho phép phát triển cao tầng để đảm bảo mật độ xanh trong quá trình tái phát triển.
Xây dựng các tiêu chuẩn, nguyên tắc thiết kế riêng cho các công trình kiến trúc của tỉnh Bình Dương, để các công trình không chỉ hữu dụng, thiết kế hấp dẫn, sử dụng thông minh, còn phải đóng góp vào sự phát triển xanh của Bình Dương
Phát triển các chủng loại cây xanh đặc thù, mang đặc trưng riêng của Bình Dương, giống cây có tuổi đời dài hạn (dầu, sao, đen...), cùng với sự hình thành và duy trì hệ sinh thái và đa dạng sinh học cho từng khu vực. Nghiên cứu các giống cây, hoa mới cho Bình Dương.
Ứng dụng phát triển các công nghệ khoa học mới về công nghệ sinh học, công nghệ thông minh, công nghệ xanh vào các giải pháp thiết kế cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, đóng góp vào sự phát triển xanh chung của tỉnh.
Bình Dương Xanh sẽ sớm trở thành hiện thực, sẽ đẹp hơn, hấp dẫn hơn, khi mỗi người dân, du khách, lao động, chuyên gia, cán bộ các cấp cùng chung mục tiêu, cùng quan tâm, cùng đồng lòng thực hiện và cùng yêu cây xanh, tình yêu đấy bắt đầu bằng hành động “phủ xanh” của ngày hôm nay.
- Xin cảm ơn ông!
Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia – Bộ Xây dựng (VIUP) đồng hành cùng tỉnh Bình Dương trong xây dựng đồ án Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để xây dựng được chiến lược quy hoạch đột phá và phát triển bền vững về dài hạn, VIUP đã kế thừa phát triển các quy hoạch, kế hoạch, đề án đã có, bao gồm công tác quy hoạch và phát triển đô thị. |
Phương Lê