Phát triển các khu công nghiệp xanh, thu hút đầu tư thông minh

Thứ bảy, ngày 24/09/2022

(BDO) Quyết định đặt nhà máy của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) tại Bình Dương là sự thể hiện rõ nét về tiềm năng và thế mạnh của Bình Dương nói chung và các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh nói riêng. Sự kiện này cũng đánh dấu bước ngoặt cho định hướng phát triển KCN xanh, thông minh và bền vững của tỉnh.

“Xanh hóa” các KCN

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), nhận định, Bình Dương sẽ tiếp tục trở thành một địa phương năng động, đổi mới, thuận lợi, an toàn và là điểm đến đầu tư mới, cơ hội đầu tư mới hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi có hơn 50 DN châu Âu đầu tư vào Bình Dương và tương lai sẽ tăng hơn nữa. Ông Alain Cany đánh giá rất cao tỉnh Bình Dương về hoạt động thu hút vốn FDI và những thành quả mà tỉnh đã đạt được. Gần đây, khi Tập đoàn LEGO của Đan Mạch đã đầu tư một dự án lớn với số vốn hơn 1 tỷ đô la để xây dựng nhà máy không phát thải carbon, là một điểm nhấn nữa trong các khoản đầu tư của châu Âu vào Bình Dương. Để thu hút thêm các nhà đầu tư từ châu Âu, ông Alain Cany cho rằng hiện nay, điều kiện tiên quyết là tỉnh phải xây dựng các KCN “Xanh”, vì các DN châu Âu đến Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề môi trường. 


Hoạt động sản xuất tại công ty TNHH KyungBang Việt Nam (KCN Bàu Bàng)

Việc thành lập KCN VSIP 3 cũng là một cách tuyên bố về quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp mới – hệ sinh thái công nghiệp – công nghệ cao. Dù mới khởi công, nhưng hiện KCN VSIP 3 đã có hơn 30 tập đoàn và công ty quan tâm tìm hiểu phát triển sản xuất. Hiện các KCN trong tỉnh cũng đang hướng đến thu hút đầu tư theo chiều sâu, thông minh và phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Chí Toàn, Giám đốc Marketing VSIP Group, VSIP đang cố gắng hướng đến các cam kết phát thải ròng bằng 0 mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26. Để làm được điều này chính quyền, khách hàng, nhà đầu tư… phải đi chung với nhau, không thể tách rời. Hiện các KCN của VSIP chú trọng "xanh hóa" nhằm giữ chân người lao động, thu hút các dự án chất lượng, các tập đoàn lớn, chuyên gia đến sinh sống và làm việc.

Ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh, cho biết việc tiếp nhận các dự án đầu tư vào các KCN đã góp phần quan trọng gia tăng năng lực sản xuất các ngành, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, các dự án có trình độ kỹ thuật công nghệ cao, các dự án đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu phát triển sản phẩm. Thời gian tới, hoạt động thu hút đầu tư phát triển sản xuất trong các KCN phải gắn với bảo đảm môi trường và phát triển bền vững. Ban quản lý sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất, giải quyết nhanh chóng và tốt nhất các yêu cầu của DN, nhà đầu tư khi họ đảm bảo đúng với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngoài 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 10.962 ha, Bình Dương đang khẩn trương nghiên cứu và thành lập KCN khoa học công nghệ do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp-CTCP (Becamex IDC Corp) làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện và triển khai hoạt động KCN VSIP 3 và KCN Cây Trường sẽ cung cấp thêm 1.700ha đất. Các KCN khác cũng đang trình hồ sơ mở rộng diện tích. Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh đặt mục tiêu phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” KCN - khu đô thị - khu dịch vụ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Hiện các KCN trong tỉnh đang hướng đến thu hút đầu tư theo chiều sâu, phát triển bền vững. 

Tạo lợi thế cạnh tranh

Giai đoạn tới, việc xây dựng phát triển các KCN của tỉnh sẽ chuyên sâu hơn. Trong năm 2020-2025, tập trung triển khai thành lập KCN Khoa học và công nghệ với diện tích 400 ha tại huyện Bàu Bàng; Đồng thời nghiên cứu các phương án nâng cấp, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN đổi mới sáng tạo, KCN Đô thị, dịch vụ phù hợp với định hướng mới của đô thị Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Becamex IDC, cho biết để thúc đẩy các cơ hội kinh doanh và đầu tư của các DN FDI đến và gắn bó với Bình Dương, Becamex IDC đang tiếp tục gấp rút hoàn thiện nhiều KCN như: Bàu Bàng, Cây Trường, VSIP 3,… nhằm đa dạng hóa, phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư. Khi KCN này đi vào hoạt động, Bình Dương sẽ ưu tiên ngành nghề có công nghệ cao, chọn lọc ngành nghề thâm dụng lao động. Bên cạnh đó, Tổng công ty Becamex IDC tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường giao thông quan trọng như Quốc lộ 13, Mỹ Phước-Tân Vạn, đường ĐT743 và nhiều tuyến đường khác, tăng cường sự kết nối không chỉ trong nội bộ khu vực mà còn kết nối linh hoạt ra bên ngoài, đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Lợi thế vượt trội của Bình Dương so với các địa phương khác chính là hạ tầng giao thông, hạ tầng các KCN có tính kết nối liên vùng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các DN trong và ngoài nước. Hiện Bình Dương đang tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác; khai thác thời cơ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chủ động đón dòng vốn FDI mới. Thời gian tới, Bình Dương ưu tiên những DN có công nghệ sản xuất hiện đại, giá trị gia tăng cao; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; hạn chế các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh:

Cùng với xu thế mở rộng sản xuất của các nhà đầu tư trong KCN đang gia tăng, để cạnh tranh, các địa phương cần có quy hoạch mới để hấp dẫn nhà đầu tư nên việc phát triển, xây dựng các KCN chất lượng cao là cần thiết. Để tăng sức cạnh tranh, Bình Dương đang tập trung thu hút vào các KCN được quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN ngày càng hiện đại; sớm hình thành KCN Khoa học công nghệ; tiếp tục chuyển đổi công năng, di dời các DN vào các KCN. Việc xây dựng và phát triển hệ thống các KCN luôn được tỉnh quan tâm và dành nhiều nguồn lực để thực hiện. Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn tới, Bình Dương đang tăng cường hơn nữa quỹ đất cho phát triển KCN, kịp thời đón đầu những dự án lớn. Bình Dương tiếp tục xác định lấy công nghiệp làm nền tảng, là khâu đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa của tỉnh.

Ngọc Thanh