Phát triển các khu công nghiệp hướng đến thông minh, bền vững

Thứ bảy, ngày 28/01/2023

(BDO) Bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), việc xây dựng hệ thống các khu công nghiệp (KCN) luôn được Bình Dương dành nhiều nguồn lực để thực hiện. Hiện Bình Dương đang tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư nhằm tăng cường hợp tác, khai thác thời cơ để chủ động đón dòng vốn FDI mới.


Nhà máy Lego được xây dựng tại KCN VSIP III đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, bảo vệ môi trường xanh, sạch theo đúng định hướng thu hút đầu tư của Bình Dương

Tăng sức cạnh tranh

So với cả nước, Bình Dương hiện chiếm 9% về số lượng và 13% về diện tích KCN. Đến nay, tổng số KCN được quy hoạch trên địa bàn tỉnh là 33 với tổng diện tích 15.790 ha. Hiện tại, tỉnh đã thành lập 29 KCN, với tổng diện tích hơn 12.662 ha; trong đó có 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 10.962 ha. Cùng với đó, tỉnh sẽ quy hoạch lại các KCN hiện hữu để tăng hiệu quả sử dụng đất.

Bình Dương định hướng phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” KCN - khu đô thị - khu dịch vụ. Các KCN của tỉnh với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có vị trí thuận lợi, kết nối với các trục giao thông quan trọng với TP.Hồ Chí Minh và các vùng lân cận, đã thu hút được nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Trong năm 2022, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng dòng vốn FDI vẫn tiếp tục “chảy” mạnh vào tỉnh, chỉ số công nghiệp tiếp đà tăng trưởng tốt. Với nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực của tỉnh, nỗ lực vượt khó của DN, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các KCN của tỉnh vẫn được duy trì ổn định. Năm 2022, các KCN ước thu hút hơn 2,57 tỷ đôla Mỹ, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 214% so với kế hoạch năm 2 022.

Nhờ nắm bắt và thích ứng nhanh với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, đồng thời để thiết lập một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững các KCN trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hơn nữa chính sách và điều chỉnh mục tiêu, định hướng để thích ứng với bối cảnh mới. Vừa qua, Bình Dương đã ký biên bản ghi nhớ với THACO để xây dựng KCN cơ khí hỗ trợ, dự kiến quy mô đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng. Đây là KCN chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút thêm dòng vốn FDI vào tỉnh.

Theo ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, lợi thế vượt trội của Bình Dương chính là hạ tầng giao thông, hạ tầng các KCN có tính kết nối liên vùng, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các DN trong và ngoài nước. Ban Quản lý các KCN đang tập trung triển khai thực hiện các thủ tục đất đai, quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng KCN VSIP III và các thủ tục mở rộng các KCN Nam Tân Uyên, Rạch Bắp, Cây Trường theo quy định. Hiện các KCN trong tỉnh đang hướng đến thu hút đầu tư theo chiều sâu, phát triển bền vững.

Hệ sinh thái công nghiệp mới

Là một trong những nhà đầu tư nước ngoài có mặt sớm nhất tại Bình Dương từ năm 1996, Công ty Liên doanh TNHH KCN VSIP là liên doanh giữa Tập đoàn Sembcorp (Singapore) và Tổng Công ty Becamex IDC, đến nay đã phát triển thành Tập đoàn VSIP Group với 12 dự án trên cả nước với tổng diện tích đất hơn 10.000 ha, thu hút 17 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư và 860 khách hàng đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ; tạo việc làm cho 300.000 lao động.

Ông Nguyễn Phú Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh TNHH KCN VSIP, cho biết VSIP Group sẽ tiếp tục mở rộng thêm các KCN mới để đón thêm “đại bàng”, hướng tới các tiêu chuẩn bền vững, nâng tầm phát triển của mô hình KCN đơn thuần sang mô hình KCN xanh, thông minh và bền vững, điển hình như KCN VSIP III mới khởi công trong năm 2022 tại Bình Dương.

Với kinh nghiệm triển khai xây dựng hạ tầng KCN, hiện nay, Bình Dương đang lập quy hoạch tỉnh thời kỳ2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các KCN hiện hữu nhưng hướng tới các chuẩn mực cao hơn về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chú trọng thu hút các ngành nghề mang lại giá trị gia tăng cao và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của nhà đầu tư quốc tế. Việc thành lập KCN VSIP III thể hiện sự quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp mới. Hiện các KCN trong tỉnh cũng đang hướng đến thu hút đầu tư theo chiều sâu, thông minh và phát triển bền vững.

Phát biểu tại lễ động thổ KCN VSIP III, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Bình Dương là địa phương có nhiều khu VSIP nhất tại Việt Nam và mỗi dự án đánh dấu một bước phát triển mới, đặc biệt là dự án VSIP III được triển khai theo hướng xanh hơn, thông minh hơn, bền vững hơn, bao trùm hơn, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, từ lượng sang chất, phù hợp với xu thế của thế giới và của Việt Nam.

Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, ông Kelvin Teo, Giám đốc điều hành Tập đoàn Sembcorp Development, cho biết mô hình các KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) được đánh giá thành công tại Bình Dương và nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Các VSIP được xem là sự hợp tác hiệu quả cao giữa tỉnh Bình Dương và Tập đoàn Sembcorp. Ông Kelvin Teo chia sẻ tập đoàn cam kết sẽ tiếp tục phát triển các dự án tại Bình Dương, nhất là phát triển VSIP III trở thành KCN xanh, thông minh và không rác thải đầu tiên của tập đoàn.

Hạ tầng KCN của Bình Dương được đầu tư xây dựng theo hướng phát huy nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, trong đó khu vực kinh tế có vốn Nhà nước là chủ yếu. Trong các KCN đã thành lập có 2 KCN do DN 100% vốn đầu tư nước ngoài làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 6.816 tỷ đồng; 3 KCN liên doanh với vốn đầu tư 11.581 tỷ đồng. Các KCN còn lại do tổ chức kinh tế trong nước làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 14.406 tỷ đồng. Tỉnh đang xây dựng KCN khoa học công nghệ, VSIP III, Cây Trường, KCN cơ khí hỗ trợ… để đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới; huy động các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động.

NGỌC THANH