Phát triển các đô thị phía nam thành vùng đất đáng sống

Thứ ba, ngày 06/12/2022

(BDO) Phân công, phân nhiệm rõ ràng

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, tỉnh dự kiến sẽ hoàn thành công tác di dời các nhà máy, xí nghiệp bảo đảm phù hợp quy hoạch. Qua đó, thực hiện tái cơ cấu bức tranh công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển bền vững, xứng tầm. Các đô thị công nghiệp hiện hữu phía nam, như TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An sẽ được định hình và phân công, phân nhiệm lại, bảo đảm xứng đáng là những đầu tàu giúp nền kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh nhà tiếp tục vươn cao.

Một góc thành phố mới Bình Dương nhìn từ trên cao

Sau chặng đường dài kiên trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển mô hình công nghiệp tập trung, giờ đây nền KT-XH của tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng. Trong đó, sự đóng góp của các đô thị phía nam với những khu, cụm công nghiệp VSIP I, Sóng Thần, Đồng An, Việt Hương, Bình Đường… là vô cùng quan trọng. Nhìn nhận, xác định lại những đóng góp của các địa phương phía nam trong công cuộc phát triển đã qua của tỉnh nhà, tại “Hội thảo Quy hoạch phát triển tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050” mới đây, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều tổ chức, cơ quan uy tín trong nước khẳng định các đô thị phía nam đã hoàn thành nhiệm vụ tiên phong, xung kích trong hình thái công nghiệp tập trung thời kỳ sơ khởi. Để tiếp tục phát triển, trong thời kỳ mới, tỉnh cần có định hướng tái cơ cấu, thực hiện phân công, phân nhiệm rõ ràng để các địa phương này tiếp tục vươn tầm.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh, cho biết tỉnh hoàn toàn đồng tình với quan điểm nói trên của các chuyên gia, nhà khoa học. Theo đó, trong thời kỳ mới tỉnh sẽ thực hiện song song hai nhiệm vụ, gồm: Thực hiện di dời các nhà máy, xí nghiệp từ các đô thị phía nam lên các địa phương phía bắc theo đúng quy hoạch; đẩy mạnh công tác chỉnh trang, xây dựng và phát triển các đô thị phía nam trở thành những đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống.

Trong đó, TP.Thủ Dầu Một sẽ được phân công là đô thị trung tâm, tập trung phát triển vững mạnh kinh tế và các thiết chế văn hóa - xã hội. Các loại hình kinh tế chất lượng cao, như: Thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị bền vững sẽ được ưu tiên ở đây. Trong khi đó, TP.Thuận An và TP.Dĩ An sau khi giải quyết xong bài toán về ngập úng, chỉnh trang đô thị và phân bố lại mật độ dân cư phù hợp cũng sẽ phát triển theo định hướng đô thị văn minh, hiện đại. Hai địa phương này sẽ nắm giữ vai trò đầu tàu phát triển, giao thoa nền KT-XH của tỉnh nhà với các đô thị khác như TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai… trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và bức tranh kinh tế tổng thể của cả nước.

Sớm hình thành các đô thị ven sông

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Từ nay đến năm 2025 sau khi hoàn thành công tác di dời hệ thống các nhà máy, xí nghiệp tỉnh sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ các đô thị phía nam thực hiện chỉnh trang. Đồng thời, sẽ đầu tư nâng cấp, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng làm tiền đề vững chắc giúp các địa phương này trở thành các đô thị ven sông với nền KT-XH phát triển xứng tầm, hiện đại.

Bình Dương, về phía đông bắc có sông Đồng Nai, phía tây nam có sông Sài Gòn, phía bắc có các con sông Thị Tính, Sông Bé với hệ thống kênh rạch chằng chịt giúp dẫn nước, phù sa vào sâu. Tạo nên dáng dấp của những đô thị sông nước đầy lãng mạn và tiềm năng khai thác, phát triển du lịch.

Dựa vào lợi thế về vị trí địa lý, các chuyên gia đến từ Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia thuộc Bộ Xây dựng đã mạnh dạn đề xuất đẩy mạnh xây dựng, phát triển các đô thị ven sông trên cơ sở hiện hữu của các thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An. Việc hình thành các đô thị ven sông theo quy hoạch, định hướng lâu dài sẽ giúp tỉnh hình thành và phát triển các đô thị thương mại - dịch vụ chất lượng cao trong tương lai.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết Thuận An đồng thuận với chủ trương, định hướng phát triển đô thị ven sông của tỉnh. Ông Tâm cho biết thêm địa bàn TP.Thuận An có chiều dài tự nhiên khoảng hơn 12km dọc ven sông Sài Gòn và đây là một lợi thế lớn. Việc xây dựng TP.Thuận An trở thành đô thị ven sông không chỉ giúp nền KT-XH của địa phương phát triển mà còn giúp tỉnh giải quyết tốt bài toán về địa điểm du lịch, ăn uống, giải trí cho người dân, người lao động, thu hút lượng lớn du khách đến khám phá, trải nghiệm trong tương lai.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Thanh Nhân, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Dĩ An, cho biết trên cơ sở những chủ trương, định hướng quy hoạch của tỉnh, TP.Dĩ An cũng đang đẩy mạnh việc lập đồ án quy hoạch. Theo đó, từ nay đến giai đoạn 2030, TP.Dĩ An phấn đấu tái cơ cấu công nghiệp, định hình lại các nhóm nhiệm vụ chiến lược phát triển trong thời kỳ mới. Và việc “đầu tư, nâng cấp, xây dựng Dĩ An trở thành đô thị thương mại - dịch vụ chất lượng cao” sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu.

ĐÌNH THẮNG