Phát triển bền vững cây ăn quả có múi

Thứ hai, ngày 11/05/2020

(BDO) Trong những năm gần đây, sản xuất cây ăn quả có múi trong tỉnh được quan tâm đầu tư và phát triển khá toàn diện, liên tục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng và giá trị. Tuy nhiên sự tăng trưởng còn manh mún, cần có chiến lược hợp lý để phát triển bền vững.

 Mô hình trồng bưởi VietGAP của HTX Cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) mang lại hiệu quả kinh tế cao

 Cần sự liên kết

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất ngày càng phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao, bảo đảm an toàn thực phẩm...

Diện tích cây có múi trên địa bàn hiện có 3.800 ha, chiếm trên 53% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh, tăng 11,26% so với năm 2018; sản lượng ước đạt trên 33.000 ha, tăng gần 5% so với năm 2018. Trong đó, huyện Bắc Tân Uyên là vùng trồng cây có múi chủ lực với diện tích ước đạt trên 2.300 ha. Nhiều diện tích trồng cây có múi cho thu nhập cao từ 800 triệu - 1 tỷ đồng/ha/ năm. Bên cạnh đó, tính đến nay, số cơ sở sản xuất cây có múi đạt chứng nhận VietGAP là khoảng 250 ha, chủ yếu là huyện Bắc Tân Uyên với 180 ha. Một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu như “Bưởi Bạch Đằng”, “Cam Bắc Tân Uyên”, “Bưởi Bắc Tân Uyên”, “Quýt Bắc Tân Uyên”.

Nhằm khuyến khích người nông dân phát triển sản xuất cây ăn quả nói chung và cây ăn quả có múi nói riêng theo hướng hàng hóa, tỉnh đã có một số chính sách hỗ trợ khuyến khích sản xuất trồng trọt như hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ về áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thông qua việc hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp đã góp phần giúp nông dân đầu tư, thâm canh mở rộng diện tích sản xuất.

Tuy nhiên sự tăng trưởng còn manh mún, cần có chiến lược hợp lý để phát triển cây ăn quả một cách bền vững. Nguyên nhân là do người dân chưa tập trung đầu tư, thâm canh và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ nên chất lượng chưa đồng đều. Theo phó giáo sư, tiến sĩ Lê Trung Thiên, Trưởng bộ môn Kỹ thuật thực phẩm, khoa Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn còn ít; việc xúc tiến thương mại, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi còn hạn chế, chủ yếu qua thương lái tự do đến thu mua. Chưa hình thành kênh phân phối bền vững thông qua các hợp đồng dài hạn với siêu thị, doanh nghiệp có tiềm lực, hầu hết đều phục vụ ăn tươi, chưa có công nghệ chế biến…

Ông Đoàn Minh Chiến, chủ Trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến (xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên), cho biết việc trồng cây ăn quả vẫn còn gặp không ít khó khăn do sản xuất nhỏ lẻ, khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác. Đặc biệt, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng. Để giải quyết được vấn đề này ông cho rằng cần phải xác định được vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có sự thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về chất lượng cây giống và tiêu thụ sản phẩm.

Những giải pháp phát triển bền vững

Trong thời gian tới, diện tích cây có múi có thể vượt diện tích quy hoạch của tỉnh, do một số hộ dân trồng tự phát. Do đó, để phát triển bền vững cây ăn quả có múi theo chuỗi giá trị, ông Nguyễn Minh Tâm, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục xác định tập trung thực hiện một số giải pháp. Trong đó, ngành sẽ tập trung đẩy mạnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch đã phê duyệt, chú trọng phát triển các vùng sản xuất tập trung, hàng hóa lớn; theo dõi, đánh giá, lựa chọn các loại cây ăn quả có múi phù hợp, hiệu quả cho từng vùng. Đặc biệt, ngành nông nghiệp ưu tiên phát triển các loại, giống cây có múi đặc sản, có nhãn hiệu, có lợi thế cạnh tranh thị trường. Cùng với đó, ngành tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP; khuyến cáo, tư vấn, hướng dẫn sản xuất theo hướng hữu cơ, dần hình thành vùng sản xuất cây có múi hữu cơ, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, xây dựng được vùng trồng cây có múi phát triển bền vững, an toàn với môi trường.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường việc sản xuất cây có múi theo chuỗi có sự gắn kết từ sản xuất đến tiêu thụ thông qua việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ sản xuất cây có múi nhằm thu hút những nông dân cùng sinh hoạt theo các chuyên đề, đặc biệt là các hợp tác xã kiểu mới với vai trò liên kết sản xuất bảo đảm truy nguyên nguồn gốc, kết nối các doanh nghiệp thu mua tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu tập thể, thương hiệu cho sản phẩm trái cây có múi đạt chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả có múi, đặc biệt là đề xuất các chính sách khuyến khích hình thành các chuỗi liên kết - tiêu thụ sản phẩm; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, lồng ghép tốt các chương trình liên quan và hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tiếp cận được các chính sách hỗ trợ một cách tốt nhất.

 THOẠI PHƯƠNG