Phát triển bến thủy nội địa: Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư

Thứ tư, ngày 24/07/2019

(BDO) Nhằm phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, Bình Dương luôn tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút đầu tư phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế tỉnh nhà nhanh và bền vững. Bình Dương cũng xác định phát triển đường thủy, đường sông là một trong những lĩnh vực quan trọng trong phát triển ngành dịch vụ logistics của tỉnh.

 Luôn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư

Để phát triển ngành dịch vụ logistics cũng như phát huy các tiềm năng và lợi thế mà Bình Dương đang có, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics của tỉnh giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, nhằm phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tỉnh luôn tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Theo Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT), tính đến cuối năm 2018 trên địa bàn tỉnh có 5 cảng sông đang khai thác vận chuyển hàng hóa, gồm cảng An Sơn (xã An Sơn, TX.Thuận An), cảng Thạnh Phước (phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên), cảng Bình Dương (phường Bình Thắng, TX.Dĩ An), cảng Thế giới nhà và cảng Bà Lụa (phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một). 5 cảng này nằm trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam công bố đưa vào hoạt động.


Sông Sài Gòn đoạn qua TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Về bến thủy nội địa, toàn tỉnh có 85 bến thủy nội địa, trong đó sông Đồng Nai có 32 bến hàng hóa, sông Sài Gòn có 13 bến hàng hóa, sông Thị Tính có 19 bến hàng hóa, 2 bến hành khách trên sông Sài Gòn là bến Thọ An, bến Chánh Mỹ và 19 bến khách ngang sông (gồm 10 bến sông Đồng Nai và 9 bến sông Sài Gòn).

 Ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Giám đốc Sở GT-VT, cho biết trong những năm qua, Bình Dương luôn quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng, nhất là về hạ tầng giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng giao thông đường thủy nội địa cũng được tỉnh rất quan tâm, chú trọng để tận dụng lợi thế của 3 con sông có tiềm năng khai thác đường thủy là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai (sông do Trung ương quản lý) và sông Thị Tính (do tỉnh quản lý) nhằm giảm áp lực giao thông đường bộ, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà.

Kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp

Ông Hiếu cho biết trong phát triển bến thủy nội địa, cho đến thời điểm này Sở GT-VT chưa cấp phép cho một bến du thuyền nào. Sở mới chỉ tiếp nhận được 1 đơn đề nghị chấp thuận chủ trương xây dựng bến thủy nội địa (bến hành khách) của Công ty TNHH Phát triển du lịch Sông Thủ. Tuy nhiên, hồ sơ xin cấp phép không đúng với Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT ngày 17-10-2014 của Bộ GT-VT ban hành quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa, sau đó sở đã hướng dẫn lại doanh nghiệp để hoàn chỉnh hồ sơ.

 Ông Trần Bá Luận, Giám đốc GT-VT, cho biết sở rất hoan nghênh, ủng hộ doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực đường thủy, đường sông. Tuy nhiên, việc đầu tư phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm an toàn cho con người. Riêng trường hợp xin cấp phép của Công ty Phát triển du lịch Sông Thủ, sở rất muốn cấp phép cho công ty để Bình Dương có 1 bến du thuyền hoạt động tạo điểm nhấn cho tỉnh, góp phần phát triển du lịch và tạo thuận lợi cho người và phương tiện đi lại bằng đường thủy.

Cụ thể, ngày 30-1-2019, sở đã có Văn bản số 335/SGTVT-VTPT về việc trả lời đơn đề nghị chấp thuận chủ trương xây dựng bến thủy nội địa của Công ty TNHH Phát triển du lịch Sông Thủ, trong đó nêu rõ thành phần hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương xây dựng bến. Cụ thể, chủ đầu tư gửi một bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương xây dựng bến thủy nội địa đến Sở GT-VT. Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị chấp thuận chủ trương xây dựng bến thủy nội địa; bình đồ vị trí và sơ đồ mặt bằng công trình bến, vùng nước trước bến.

Ngày 4-3-2019, Sở GT-VT đã ra Văn bản số 550/SGTVT-VTPT về việc trả lời đơn đề nghị chấp thuận chủ trương xây dựng bến thủy nội địa gửi đến Công ty TNHH Phát triển du lịch Sông Thủ, trong đó nêu rõ, qua đối chiếu với quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn, bình đồ vị trí và sơ đồ mặt bằng công trình bến thủy của công ty thể hiện không nằm trong vị trí quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt (Quy hoạch tại vị trí bến khách ngang sông chợ Phú Cường kéo dài lên chợ Thủ Dầu Một). Để có cơ sở lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan, Sở GT-VT hoàn trả hồ sơ và đề nghị Công ty TNHH Phát triển du lịch Sông Thủ chỉnh sửa bình đồ vị trí và sơ đồ mặt bằng công trình bến, vùng nước trước bến cho phù hợp với quy hoạch.

Để có cơ sở trả lời và kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định về đất để được chấp thuận chủ trương xây dựng bến thủy nội địa, ngày 8-4-2019, ngày 23- 4-2019 và ngày 28-5-2019 Sở GT-VT đã có 3 Văn bản số 930/ SGTVT-VTPT, số 1136/SGTV-VTPT, số 1564/SGTVT-VTPT gửi UBND TP.Thủ Dầu Một về việc lấy ý kiến chấp thuận chủ trương xây dựng bến thủy nội địa của Công ty Phát triển du lịch Sông Thủ. Đồng thời, ngày 8-4-2019 Sở GT-VT cũng đã gửi văn bản đến Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam về việc lấy ý kiến chấp thuận chủ trương xây dựng bến thủy nội địa của Công ty Phát triển du lịch Sông Thủ. Đến ngày 10- 4-2019, Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam đã có văn bản trả lời, còn UBND TP.Thủ Dầu Một đến ngày 4-7-2019 mới có văn bản trả lời. Sau khi nhận được văn bản của UBND TP.Thủ Dầu Một, ngày 11-7- 2019 Sở GT-VT đã tổ chức họp và mời các sở, ngành liên quan và Công ty Phát triển du lịch Sông Thủ.

Theo ông Hiếu, tại cuộc họp, đại diện UBND TP.Thủ Dầu Một đã đề nghị Công ty Phát triển du lịch Sông Thủ xem xét, nghiên cứu thêm các vị trí khác dọc sông Sài Gòn, đặc biệt là tại khu vực đã triển khai đầu tư xây dựng đường ven sông Sài Gòn để có thể kết hợp xây dựng đồng bộ hệ thống cảng kết hợp với bến du thuyền cho khu vực.

Hiện tại, tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp logistics về số lượng, chất lượng, quy mô, trình độ nhân lực theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao trong quản lý, kinh doanh, đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, tỉnh cũng dần hoàn thiện các cơ chế quản lý nhà nước ở địa phương về logistis, gồm các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, chính sách đầu tư, cải cách hành chính, cơ chế phối hợp quản lý của các sở, ban, ngành trong chuỗi dịch vụ logistics… bảo đảm phù hợp với trình độ phát triển của dịch vụ logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Nội dung Văn bản 1455/UBND-KT ngày 4-7-2019 của UBND TP.Thủ Dầu Một đề nghị Công ty TNHH Phát triển du lịch Sông Thủ xem xét, nghiên cứu thêm các vị trí khác dọc sông Sài Gòn, đặc biệt là tại khu vực đã triển khai đầu tư xây dựng đường ven sông Sài Gòn để có thể kết hợp xây dựng đồng bộ hệ thống cảng kết hợp với bến du thuyền cho khu vực. Lý do là khu vực Công ty TNHH Phát triển du lịch Sông Thủ đề nghị mở bến tàu khách không thuận lợi do địa chất khu vực này không có sự ổn định cao, tăng số lượng tàu ra vào cập bến thường xuyên sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và các công trình hạ tầng tại nơi đây.

 PHƯƠNG LÊ