Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Thứ tư, ngày 13/07/2022

(BDO)  Xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao là sự phát triển lên một tầm cao mới của xã đạt chuẩn NTM. Ngoài phát triển hệ thống hạ tầng, yêu cầu đặt ra cho các xã NTM nâng cao là phải phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Những năm qua, huyện Bắc Tân Uyên luôn chú trọng phát huy vai trò của hợp tác xã (HTX) trong việc nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần quan trọng trong thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

 HTX Đồng Thun Phát, xã Thường Tân hot động hiu qu, có liên kết tiêu th nông sn cho bà con nông dân. Trong nh: Thành viên HTX chăm sóc vườn cây

 Phù hợp thực tiễn, lợi thế địa phương

Những năm gần đây, các HTX tại huyện Bắc Tân Uyên có bước phát triển mới về số lượng và chất lượng. Tại mỗi địa phương, các HTX đã có những cách làm riêng, linh hoạt trong chính sách phát triển kinh tế, phù hợp với thực tiễn để khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù tại địa phương.

Nằm cạnh hai dòng sông Bé và sông Đồng Nai, xã Hiếu Liêm và Tân Định tập trung diện tích cây ăn trái có múi lớn nhất trên địa bàn. Nhằm phát huy lợi thế địa phương cũng như tạo điều kiện liên kết, phát triển sản xuất, UBND xã thường xuyên vận động nhân dân tham gia các mô hình sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân. Đây cũng là tiêu chí quan trọng để các địa phương xây dựng NTM nâng cao sau khi đã đạt chuẩn NTM.

Tại xã Hiếu Liêm hiện có 2 HTX chuyên sản xuất cây ăn trái có múi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và hoạt động theo đúng Luật HTX 2012. Sau 10 năm thành lập, HTX Nhân Đức luôn được nhân dân tin tưởng, khẳng định vai trò trong quá trình xây dựng NTM, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Với vốn điều lệ 30 tỷ đồng và hoạt động về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, điện mặt trời và cơ giới, HTX đang tạo việc làm cho 45 người lao động. HTX đã xây dựng hệ thống chăn nuôi gà theo công nghệ hiện đại và được Công ty TNHH CJ VINA ký hợp đồng dài hạn, giá trị hợp đồng hơn 9 tỷ đồng/ năm. Hàng năm, HTX luôn được đánh giá loại tốt trở lên theo hướng dẫn của Liên minh HTX tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Năm 2021, doanh thu của HTX Nhân Đức là 16,2 tỷ đồng. Trừ các chi phí, lợi nhuận thu về cho mỗi thành viên HTX là 8.000.000 đồng/ người/tháng.

HTX Ngọc Quang Thanh thành lập tháng 9-2020 với 9 thành viên, vốn điều lệ là 520 triệu đồng, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tổng hợp về nông nghiệp. HTX đang tạo việc làm cho 21 lao động thường xuyên, doanh thu năm 2021 là 5 tỷ đồng. Trừ các chi phí, lợi nhuận thu về cho mỗi thành viên 7.000.000 đồng/người/tháng.

Tại xã Tân Định hiện có 3 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo bà Vũ Thị Kim Phượng, Chủ tịch UBND xã Tân Định, qua quá trình hoạt động và đánh giá kết quả sản xuất năm 2021 thì 3 HTX đều hoạt động tương đối mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định đời sống cho các thành viên HTX và giải quyết việc làm cho nhân dân trên địa bàn.

Theo Ban Chỉ đạo NTM huyện, đối với việc triển khai thực hiện tiêu chí về xây dựng NTM của các xã, đặc biệt là các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao luôn được triển khai thực hiện xây dựng kế hoạch, tuyên truyền vận động nhân dân huy động các nguồn lực để thực hiện các tiêu chí. Trong đó, Ban Chỉ đạo khuyến khích phát triển bền vững kinh tế tập thể, tập trung hướng dẫn thành lập và duy trì các HTX kiểu mới; hỗ trợ, tạo điều kiện hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu.

Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

Bắc Tân Uyên là huyện có thế mạnh về nông nghiệp. Do đó, vai trò của HTX trong việc thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn vô cùng quan trọng. Đặc biệt khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai rộng rãi, các địa phương trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật HTX, các chương trình xây dựng NTM. Từ đó góp phần liên kết sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đưa kinh tế tập thể trở thành thành phần kinh tế quan trọng của mỗi địa phương, tạo ra những thay đổi căn bản diện mạo ở khu vực nông thôn.

Xã Thường Tân có sản phẩm chủ lực là cây cao su và cây ăn trái có múi. Trên cơ sở lợi thế về cây bưởi da xanh, HTX Đồng Thuận Phát thực hiện mô hình sản xuất bưởi theo công nghệ VietGAP với hệ thống tưới tiêu tự động nhỏ giọt, tiết kiệm nước, bảo đảm chất lượng và liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra. Ông Trịnh Minh Thành, Giám đốc HTX, cho biết HTX đang làm ăn khá hiệu quả, từ đó góp phần giải quyết nhu cầu việc làm và ổn định đời sống cho thành viên. Với năng suất bình quân 20 tấn/ năm, doanh thu ước đạt trên 1 tỷ đồng/năm, HTX đã góp phần hoàn thành chỉ tiêu NTM nâng cao của địa phương.

Ông Võ Văn Tính, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể huyện, chia sẻ nhờ cơ chế chính sách phù hợp, sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền cũng như sự nỗ lực vươn lên, các mô hình HTX trên địa bàn thời gian qua phát triển ổn định. Hiệu quả kinh tế - xã hội của HTX góp phần giải quyết việc làm cho lao động, tạo thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người dân. Không chỉ vậy, các mô hình HTX đã đóng góp lớn cho ngân sách của địa phương, là một yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình xây dựng NTM hiện nay.

 Huyện Bắc Tân Uyên hiện có 29 HTX với tổng số 236 thành viên và 344 lao động thường xuyên, hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp. Nhiều HTX đã liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và có sản phẩm đạt OCOP được khách hàng trong, ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn.

 TIẾN HẠNH